Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn

Bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn có tính chất di truyền, bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới các tế bào thành và hậu quả dẫn tới thiếu hụt vitamin B12 gây thiếu máu ác tính và nguy cơ ung thư biểu mô tuyến dạ dày tăng gấp 3 lần so với những người bình thường.

1. Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn là gì?

Viêm teo dị sản dạ dày tự miễn hay gọi là viêm dạ dày tự miễn là tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày thường tập trung chủ yếu tại vùng thân và phình vị, do xuất hiện kháng thể kháng lại tế bào thành của dạ dày và kháng các thành phần (gồm yếu tố nội và bơm proton H+,K+-ATPase) có nguy cơ dẫn đến phá hủy lớp niêm mạc dạ dày.

Trong bệnh viêm dạ dày tự miễn, hầu hết bệnh nhân có xuất hiện kháng thể kháng thành hoặc kháng thể kháng tế bào nội. Khi mắc bệnh viêm dạ dày tự miễn thì cơ chế bài tiết acid dịch vị thay đổi, do xuất hiện kháng thể kháng bơm proton H+,K+-ATPase (đây là bơm hoạt động chính trong việc sản xuất dịch vị tại dạ dày) từ đó gây giảm tiết dịch vị và giảm yếu tố nội.

  • Giảm tiết dịch vị ở giai đoạn đầu của bệnh do cơ chế điều hòa ngược có thể tăng kích thích bài tiết nên chưa biểu hiện dấu hiệu bệnh nhiều, ở giai đoạn sau thì cơ chế bù trừ không đáp ứng được với số lượng tế bào thành bị phá hủy nên dịch vị giảm sút. Điều này được biểu hiện qua nồng độ pH dịch vị tăng.
  • Cơ chế điều hòa ngược có thể tăng kích thích bài tiết dịch vị làm tăng bài tiết gastrin từ tế bào G của hang vị. Nồng độ gastrin tăng lên dẫn đến tăng sản tế bào ưa crom, đôi khi có thể chuyển dạng thành dạng u carcinoid.
  • Giảm yếu tố nội làm giảm lượng vitamin B12, do yếu tố nội đóng vai trò quan trọng trong hấp thu vitamin B12 cuối hồi tràng. Do vậy, quá trình này dẫn đến thiếu hụt vitamin B12 mạn tính. Từ đó dẫn đến hậu quả là bệnh lý thần kinh và thiếu máu hồng cầu to do thiếu vitamin B12.

Bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn thường liên quan tới yếu tố di truyền. Một số nghiên cứu trên những bệnh nhân bị viêm tuyến giáp hashimoto (viêm tuyến giáp tự miễn) cho thấy bệnh nhân cũng mắc viêm teo dị sản dạ dày tự miễn. Ngoài ra, có 50% số bệnh nhân bị viêm tuyến giáp xuất hiện tình trạng viêm teo dị sản dạ dày tự miễn.

Hẹp môn vị là bệnh lý có liên quan đến yếu tố gia đình và di truyền
Bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn thường liên quan tới yếu tố di truyền

2. Dấu hiệu nhận biết viêm teo dị sản dạ dày tự miễn

Thông thường, các triệu chứng của viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính tiến triển chậm trong thời gian dài nên việc chẩn đoán thường bị muộn.

  • Triệu chứng thiếu máu: Giai đoạn sớm, bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt bởi tình trạng giảm acid HCl ở dạ dày làm giảm hấp thu sắt. Giai đoạn sau, bệnh nhân biểu hiện thiếu máu hồng cầu to do thiếu hụt hàm lượng vitamin B12. Đây là dấu hiệu thường gặp nhất.
  • Triệu chứng thần kinh do thiếu hụt vitamin B12 cũng là dấu hiệu hay gặp, với các biểu hiện như: Mệt mỏi, có cảm giác dị cảm, tê bì chủ yếu ở chân, cảm giác khó thở, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Đầy bụng mau no, chậm tiêu, cảm giác ấm ách vùng thượng vị hoặc thường xuyên nhiễm trùng đường tiêu hóa do giảm lượng acid dịch vị.

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm teo dị sản dạ dày tự miễn

Chẩn đoán viêm teo dị sản dạ dày tự miễn dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, nhận biết các dấu hiệu lâm sàng có ý nghĩa định hướng bệnh và sử dụng các phương pháp cận lâm sàng rất cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh.

3.1. Nội soi

Nội soi được cho là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính tự miễn, kết hợp hình ảnh nội soi với mô bệnh học từ các mảnh sinh thiết được lấy qua nội soi. Khi nội soi có thể đánh giá được:

  • Sử dụng kỹ thuật nội soi có thể phóng đại, từ đó giúp việc nhận định tổn thương teo niêm mạc dạ dày về mức độ và vị trí dễ dàng hơn.
  • Nên lấy sinh thiết ở 5 vị trí bao gồm: 2 mảnh ở thân vị, 2 mảnh ở hang vị, 1 mảnh ở vùng giữa thân vị và hang vị. Sử dụng kết quả phân tích các mảnh qua soi mô bệnh học để chẩn đoán tình trạng bệnh. Nếu kết quả vùng hang vị bình thường hoặc viêm mạn tính, nhưng thân vị có hình ảnh viêm teo dị sản dạ dày sẽ được chẩn đoán là viêm dạ dày tự miễn. Những trường hợp viêm dạ dày tự miễn đồng nhiễm vi khuẩn HP thường dẫn đến tổn thương viêm teo lan tỏa cả vùng thân vị và hang vị, trong trường hợp này, để chẩn đoán viêm dạ dày tự miễn cần dựa vào kết quả kháng thể kháng tế bào thành hoặc yếu tố nội dương tính.
Nội soi dạ dày thực quản
Nội soi được cho là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính tự miễn

3.2 Sinh thiết tế bào

Hình ảnh vi thể: Tổn thương viêm teo tập trung ở thân vị, tăng sản các tế bào ưa crom. Khi không có tình trạng đồng nhiễm HP thì niêm mạc hang vị bình thường hoặc chỉ là hình ảnh viêm phản ứng nhẹ.

3.3 Một số xét nghiệm khác

Một số xét nghiệm khác được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán xác định và theo dõi tình trạng bệnh lý:

  • Xét nghiệm kháng thể kháng tế bào thành, kháng thể kháng yếu tố nội.
  • Định lượng nồng độ gastrin giúp đánh giá tình trạng tăng bài tiết gastrin từ tế bào G do giảm sự bài tiết dịch vị.
  • Pepsinogen (PG) I, II: Việc đo nồng độ và tính chỉ số PGI/PGII nhằm phối hợp chẩn đoán. Trong viêm dạ dày tự miễn sẽ có tình trạng giảm nồng độ PGI và chỉ số PGI/PGII <3.
  • Bệnh nhân xuất hiện thiếu máu hồng cầu to nên định lượng vitamin B12. Giá trị này có thể thay đổi theo thời gian, một số trường hợp các giá trị vẫn trong giới hạn bình thường.
  • Sắt huyết thanh: Do giảm dịch vị dẫn tới giảm hấp thụ sắt, nên sắt huyết thanh thường giảm.

4. Làm gì khi bị viêm teo dị sản dạ dày tự miễn?

Thuốc Abstral
Ở những giai đoạn sớm, người bệnh được khuyến cáo sử dụng bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12
  • Thông thường, việc điều trị viêm dạ dày tự miễn chủ yếu là điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, do nguy cơ cao dẫn tới ung thư biểu mô nên cần theo dõi bệnh định kỳ.
  • Ở những giai đoạn sớm, người bệnh được khuyến cáo sử dụng bổ sung sắt, acid folic, vitamin B12.
  • Viêm dạ dày tự miễn nếu đồng nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị HP theo phác đồ điều trị HP.
  • Thường xuyên theo dõi và nếu thấy các dấu hiệu bất thường về thần kinh do thiếu B12, cần đi khám và điều trị sớm.

Bệnh viêm teo dị sản dạ dày làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, nên cần theo dõi nếu phát hiện bệnh hoặc cần phải tầm soát nguy cơ mắc bệnh viêm teo dị sản dạ dày nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: msdmanuals.com, bvdkquangnam.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

550 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan