Trẻ bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài: Cần xử trí đúng cách, kịp thời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ là tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Bổ sung lợi khuẩn thông qua các chế phẩm vi sinh, cải thiện chế độ ăn uống và khắc phục nguyên nhân gây bệnh là cách xử trí cơ bản khi bé bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài.

1. Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ là gì?

Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ là tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Bình thường, trong đường ruột của người có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh với 500 - 1.000 loài khác nhau, trong đó có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn.

Thông thường, khi tỷ lệ lợi khuẩn và hại khuẩn ở trạng thái cân bằng, quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại tốt thì sẽ kìm hãm và làm mất tác dụng của vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tỷ lệ trên bị phá vỡ. Khi đó, trẻ bị loạn khuẩn đường ruột do lượng vi khuẩn có lợi giảm xuống, hại khuẩn tăng lên.

Lúc này, trẻ thường bị đi ngoài phân sống, đi tiêu lỏng, đôi khi có lẫn một ít chất nhầy, máu. Trẻ có thể bị khó chịu do cảm giác đầy bụng, thậm chí sốt nhẹ. Đặc biệt, loạn khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng hơn cả, do hệ vi khuẩn đường ruột còn chưa hoàn thiện như người lớn.

Khi gặp tình trạng này, cần xử lý đúng cách giúp trẻ nhanh phục hồi, tránh để trẻ bị mất nước nhiều sẽ gây rối loạn điện giải, kiệt sức và suy dinh dưỡng, tránh tái phát nhiều lần dai dẳng.

2. Phải làm sao nếu bé bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài?

Xử trí khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài
Trẻ bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài vô cùng nguy hại cho trẻ

Khi thấy trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, cha mẹ thường nghĩ ngay đến việc phải dùng thuốc, thậm chí tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Tuy nhiên, điều này là vô cùng nguy hại.

Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột ở trẻ trở nên nặng hơn. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp loạn khuẩn ở trẻ nhỏ là do ảnh hưởng từ việc dùng kháng sinh liều cao và kéo dài để điều trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi,... Do đó, dùng thuốc cho trẻ phải vô cùng cẩn trọng, chuẩn xác theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm.

Điều trị loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ bao gồm bổ sung lợi khuẩn thông qua các chế phẩm vi sinh cho trẻ, thay đổi chế độ ăn uống và khắc phục nguyên nhân gây loạn khuẩn ở trẻ nhỏ.

2.1. Các chế phẩm vi sinh

Để điều trị loạn khuẩn đường ruột có thể dùng các chế phẩm vi sinh lành tính, có lợi cho sức khỏe.

Men vi sinh sống giúp tăng số lượng lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột, xây dựng hệ miễn dịch cân bằng, nhờ đó sẽ khắc phục được tình trạng loạn khuẩn của trẻ.

Hơn nữa, rối loạn tiêu hoá làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá và hấp thu thức ăn dễ gây suy kiệt cho trẻ. Trong thời gian đợi hệ men đường ruột hồi phục thì những chế phẩm vi sinh còn giúp trẻ hấp thu tốt hơn trong thời điểm bệnh, nhờ đó trẻ tránh khỏi nguy cơ suy kiệt, giúp hệ miễn dịch ổn định và bảo vệ trẻ.

Nên chọn men vi sinh từ nhà sản xuất uy tín, đa dạng các chủng lợi khuẩn sẽ giúp tái lập cân bằng hệ vi sinh nhanh hơn. Các chủng vi sinh được khuyên dùng là Lactobacillus, Bacillus subtilis, Bacillus clausii và Saccharomyces boulardii... Sản phẩm men vi sinh dùng cho trẻ nên là loại có mùi vị hấp dẫn sẽ khiến việc cho trẻ uống men dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, uống men vi sinh nào, hàm lượng vi sinh vật của chế phẩm bao nhiêu cũng như liều lượng uống tốt nhất cho từng trẻ thì cần được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi để đảm bảo hiệu quả.

Xử trí khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột kéo dài
Chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vệ sinh ăn uống

2.2. Chế độ ăn

Khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, cần xem lại chế độ ăn uống cho bé nhằm:

  • Loại bỏ nguyên nhân gây loạn khuẩn nếu có.
  • Chế độ dinh dưỡng dễ hấp thu giúp trẻ tránh bị suy kiệt.

Một số biện pháp có thể áp dụng:

  • Không nên cho bé ăn nhiều đồ ngọt.
  • Nếu trẻ còn bú thì nên tiếp tục cho bú mẹ bình thường, trong khi đó mẹ cũng phải kiêng ăn đồ ngọt.
  • Nếu trẻ phải ăn sữa ngoài, mẹ nên chọn sữa không có đường lactoza (free lactose).
  • Bữa ăn của trẻ cần đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng, nên cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá như: thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, bí đỏ, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm... nên thay mỡ bằng dầu ăn.
  • Tránh không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn khó tiêu như ngô, đỗ nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ.
  • Ngoài ra có thể cho trẻ uống nước táo ép, hồng xiêm xay, chuối xay.
  • Chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ vệ sinh ăn uống.
  • Không nên cho trẻ ăn kiêng quá mức: Nhiều bậc cha mẹ cho trẻ ăn kiêng, không cho ăn dầu mỡ nên bé không hấp thụ được các vitamin và không bài tiết dịch tiêu hóa để hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn, do đó phân thường bị sống. Tốt nhất, các bữa ăn chính vẫn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn: tinh bột (gạo), đạm (thịt cá, trứng, sữa), dầu mỡ và vitamin (từ rau củ quả), trong đó lưu ý thịt gà nạc băm nhỏ và cà rốt cho vào bột cháo rất tốt cho trẻ tiêu chảy, phân sống kéo dài.
  • Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi: tinh bột được tiêu hóa nhờ men amylaza và ptyalin ở nước bọt mà nước bọt phải tới 6 tháng tuổi trẻ mới tiết ra nhiều. Vẫn có thể cho trẻ tập ăn dặm nhưng nên hạn chế.
  • Bé 11 tháng tuổi, có thể cho bé ăn thêm sữa chua sẽ kích thích thèm ăn và dễ tiêu hóa.

2.3. Khắc phục nguyên nhân gây loạn khuẩn ở trẻ

Trong trường hợp trẻ cần điều trị bằng kháng sinh mạnh hay trong thời gian dài, trẻ từng bị loạn khuẩn đường tiêu hóa từ trước đó, cha mẹ nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ để có biện pháp khắc phục sớm. Trường hợp tình trạng trẻ vẫn bị đi ngoài, phân sống không cải thiện dù đã áp dụng các biện pháp trên, cần đưa bé đến ngay các chuyên khoa tiêu hóa Nhi để được thăm khám, tránh hậu quả đáng tiếc.

Tại khoa Nhi của các bệnh viện Vinmec trên toàn quốc, trẻ mắc loạn khuẩn đường tiêu hóa sẽ được hăm khám lâm sàng và siêu âm tiêu hóa, xét nghiệm phân,... để tìm nguyên nhân chính xác và phát hiện ra những bất thường khác nếu có và kịp thời điều trị. Với đội ngũ chuyên gia Nhi khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, cha mẹ có thể yên tâm hoàn toàn khi đưa con tới khám chữa bệnh tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan