Các thuốc đông y điều trị cao huyết áp

Đông y là một lựa chọn dùng để hỗ trợ điều trị huyết áp cao. Việc sử dụng các thuốc đông y điều trị cao huyết áp làm giảm việc người bệnh phải sử dụng thuốc tây y với liều cao và giảm được nguy cơ tác dụng phụ của thuốc. Để biết các vị thuốc đông y điều trị cao huyết áp hãy tham khảo bài viết dưới đây.

1. Quan điểm của đông y về cao huyết áp

Tăng huyết áp theo đông y thuộc chứng huyễn vựng, đầu thống, can dương vượng...có nhiều nguyên nhân theo đông y có thể gây ra tăng huyết áp bao gồm:

  • Do âm hư dương xung: Đây là tình trạng tăng huyết áp hay gặp ở người trẻ tuổi, người bệnh rối loạn tiền mãn kinh. Do âm hư làm cho dương khí vương lên gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
  • Can dương vượng: Thường gặp ở những người hay cáu giận, căng thẳng thường xuyên là cho can khí bị uất kết lâu ngày tổn thương tạng can. Can âm hư can dương vượng lên gây ra các biểu hiện chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, miệng đắng, họng khô.
  • Đàm thấp: Nguyên nhân này là do chế độ ăn uống nhiều chất béo ngọt, khiến cho cơ thể đàm thấp xâm nhập, thường gặp ở những người béo và tăng mỡ máu.
  • Tâm tỳ hư: Thường gặp ở người già, kèm theo các triệu chứng như mất ngủ, ăn không ngon miệng, đau vùng thượng vị.

Đông y điều trị tăng huyết áp tùy thuộc vào từng thể, thường phối hợp thuốc theo bài và có thể kết hợp các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt, khí công dưỡng sinh.

2. Thuốc đông y điều trị cao huyết áp

Việc sử dụng thuốc đông y để điều trị cao huyết áp có thể áp dụng việc dùng các vị thuốc đơn lẻ có tác dụng hạ áp hay dùng theo bài thuốc. Dưới đây là một số vị thuốc và bài thuốc đông y điều trị cao huyết áp.

2.1 Điều trị cao huyết áp bằng thuốc nam

Thuốc nam bao giờ cũng được nhiều người ưa chuộng sử dụng vì dễ kiếm, khá lành tính và dễ dàng cho việc sử dụng. Một số thuốc nam bạn có thể lựa chọn để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp bao gồm:

  • Cúc hoa vàng

Cúc hoa vàng có tác dụng điều trị bệnh rất tốt trên bệnh nhân tăng huyết áp. Tác dụng của cúc hoa theo đông y là thanh nhiệt, sáng mắt, hạ áp, làm tăng độ bền mao mạch. Liều dùng mỗi ngày từ 8-16g, dạng trà uống thay nước, dùng riêng hay phối hợp với các vị khác.

  • Một số vị thuốc lợi tiểu

Lợi tiểu là một biện pháp điều trị tình trạng tăng huyết áp. Do làm giảm khối lượng tuần hoàn nên giảm áp lực lên thành động mạch.

Một số vị thuốc nam có tác dụng lợi niệu bao gồm: Râu ngô, rễ cỏ tranh, bông mã đề...Những vị thuốc này nên được dùng nếu như có thêm tình trạng sỏi thận. Mỗi vị có thể dùng riêng hay phối hợp từ 15-20g sắc uống mỗi ngày, nên uống vào ban ngày tránh uống tối vì gây tiểu đêm.

  • Ngưu tất nam

Ngưu tất nam là vị thuốc hay được sử dụng trong đông y, ngưu tất nam có tác dụng giãn mạch, hạ áp, hạ mỡ máu, giúp giảm đau nhức xương khớp. Dùng mỗi ngày từ 10-15g dạng sắc uống, dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

  • Đỗ trọng

Vỏ thân của cây đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp do ảnh hưởng trên trung tâm vận mạch ở hành tủy, tác động cả trên dây thần kinh phế vị, những tác động trên gây giãn mạch ngoại vi và lợi tiểu. Để trị tăng huyết áp, bạn nên dùng 12-20g sắc uống mỗi ngày.

  • Thảo quyết minh hay hạt muồng muồng

Hạt của cây thảo quyết minh sao vàng lên có tác dụng thanh nhiệt, hạ áp và nhuận tràng. Để dùng hạ áp bạn nên dùng từ 8-12g sắc uống mỗi ngày, vị thuốc này phù hợp với những người tăng huyết áp kèm theo bị táo bón.

  • Hòe hoa

Hoè hoa là nụ của cây hoè, nghiên cứu thấy cao chiết từ nụ hòe có tác dụng hạ huyết áp rõ trên thực nghiệm. Hòe hoa còn có tác dụng tăng vững bệnh thành mạch và thường được dùng chữa tăng huyết áp thể nhẹ, vừa. Ngày dùng với lượng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc uống hoặc hãm uống như hãm chè.

  • Đương quy

Rễ của cây đương quy có tác dụng hạ huyết áp trên thực nghiệm và đây là vị thuốc được dùng làm thuốc trị tăng huyết áp trong y học cổ truyền, ngoài ra đây còn là vị thuốc bổ huyết, giúp điều trị thiếu máu. Ngày dùng 10-20g đương quy, thường phối hợp với các vị khác, dạng thuốc sắc hay dùng với dạng rượu thuốc.

  • Lá sen

Hầu hết các bộ phận có trên cây sen đều có tác dụng an thần nhẹ và hạ huyết áp. Lá sen có tác dụng an thần, hạ áp, hạ mỡ máu. Cách dùng: Bạn lấy lá sen về xé nhỏ phơi khô, rồi sao lên. Sau đó lấy từ 10-12g sắc uống mỗi ngày hay có thể uống hãm như chè.

2.2 Điều trị tăng huyết áp bằng bài thuốc

Vì mỗi người bệnh có một triệu chứng khác nhau và nguyên nhân gây ra tăng huyết áp khác nhau. Chính vì vậy mà trong đông y dùng các bài thuốc khác nhau để điều trị tăng huyết áp theo nguyên nhân bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc được dùng điều trị cao huyết áp:

Long đởm tả can thang

Điều trị cao huyết áp bằng thuốc đông y không thể bỏ qua bài thuốc long đởm tả can thanh.

Bài này bao gồm các vị: Long đởm thảo tẩm rượu sao 9 gam, sài hồ 6 gam, trạch tả 12 gam, xa tiền tử sao 9gam, mộc thông 9 gam, sinh địa hoàng sao rượu 9 gam, quy vĩ sao rượu 3 gam, chi tử sao rượu 9g, hoàng cầm sao rượu 9 gam, cam thảo sống 6 gam. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần.

Bài long đởm tả can thang có tác dụng tả hỏa ở can, thanh thấp nhiệt. Được dùng trong trường hợp tăng huyết áp do can dương vượng lên gây chứng nhức đầu, chóng mặt, đau rát ngực sườn, miệng đắng, mắt đỏ, tai ù; tiểu tiện buốt, đục... Có thể gia giảm bài thuốc gốc tùy theo triệu chứng của từng người.

Lục vị kỷ cúc

Các vị thuốc: Thục địa 16 gam, sơn thù du 12 gam, hoài sơn 8 gam, trạch tả 8 gam, mẫu đơn bì 8 gam, phục linh 9 gam, câu kỷ tử 12 gam, cúc hoa 12 gam. Bài thuốc dạng thuốc thang thì sắc lên uống, ngày sắc uống 1 thang, chia 2 - 3 lần và uống khi thuốc còn ấm. Nếu làm hoàn thì các vị thuốc trên cùng tán bột nhỏ, làm với mật ong làm viên bằng hạt ngô đồng, ngày uống 10 - 15 viên/lần x 2 lần/ngày, nên uống với nước ấm.

Bài thuốc này được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp do âm hư dương xung, nhưng các triệu chứng âm hư nhiều hơn. Các biểu hiện bao gồm: Chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau lưng mỏi gối, hay quên, mất ngủ, mặt đỏ, miệng đắng, họng khô.

Thiên ma câu đằng ẩm

Các vị thuốc: Thiên ma 6g, câu đằng, phục linh, ngưu tất, đỗ trọng, hoàng cầm mỗi vị 12g, tang ký sinh, dạ giao đằng, ích mẫu mỗi vị 16g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 2 đến 3 lần uống. Tùy triệu chứng mà có thể gia giảm thêm các vị thuốc khác.

Bài thiên ma câu đằng ẩm được dùng trị nguyên nhân do âm hư dương xung nhưng biểu hiện dương xung nhiều hơn. Với các biểu hiện như đau đầu nhiều, họng khô, đầu lưỡi đỏ nhiều.

Quy tỳ thang

Các vị thuốc: đẳng sâm 12 gam, đại táo 12gam, hoàng kỳ 12 gam, bạch truật 12g, phục thần 12 gam, toan táo nhân 12 gam, mộc hương 2 gam, chích cam thảo 2 gam, đương quy 8 gam, viễn chí 4 gam, gừng sống 3 lát. Các vị thuốc có thể sắc uống ngày 1 thang chia 2 đến 3 lần. Nếu làm dạng hoàn thì các vị thuốc trên tán bột, ngày uống 3 lần mỗi lần 3-5g.

Bài thuốc này được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp do tâm tỳ hư gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mắt hoa, ngủ ít, ăn kém, đại tiện lỏng.

Bán hạ bạch truật thiên ma thang

  • Các vị thuốc: Bạch truật 12 gam; Bán hạ 4 gam; Cam thảo 4 gam; Phục linh 12 gam; Thiên ma 8 gam; Trần bì 8 gam. Khi sắc cho thêm Sinh khương 3 lát và Đại táo 12g sắc cùng, ngày uống 1 thang chia 2 lần.
  • Bài thuốc bán hạ bạch truật thiên ma thang có tác dụng trừ đàm thấp, bình can, tức phong được dùng trong trường hợp huyết áp cao do đàm thấp. Người béo bệu, tăng mỡ máu, mệt mỏi, ngủ kém, ngực sườn đầy tức, lợm giọng. Lưu ý trong bài thuốc có vị bán hạ có chút độc, nên cần mua thuốc ở nơi uy tín, đảm bảo bào chế đúng để hạn chế độc tính và không dùng cho phụ nữ mang thai.

3. Một số lưu ý khi điều trị cao huyết áp bằng thuốc đông y

  • Các vị thuốc đông y được sử dụng với tác dụng hạ áp trong các trường hợp huyết áp tăng nhẹ. Nếu có chỉ định dùng thuốc tăng huyết áp bạn vẫn cần tuân thủ điều trị và theo dõi huyết áp thường xuyên. Việc dùng các loại thuốc hạ áp đông y có thể giúp bạn giảm thiểu phải dùng nhiều loại hạ áp từ tây y chứ không thay thế.
  • Nếu dùng thuốc theo thang cần được bác sĩ đông y thăm khám để xác định nguyên nhân và dùng bài thuốc phù hợp.
  • Một số vị thuốc không nên dùng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú nên cần chú ý khi lựa chọn.
  • Nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể kiểm soát tốt huyết áp. Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn và tập luyện thể dục thể thao.
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên để có thể theo dõi được đáp ứng điều trị với thuốc.

Trên đây là một số thuốc đông y điều trị cao huyết áp. Khi dùng để đảm bảo an toàn bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc đông y trước khi dùng. Ngoài ra, nên dùng một cách kiên trì để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan