Có thể bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập thất thường như quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng cơ tim, có thể dẫn tới đột quỵ, suy tim,... Các phương pháp điều trị nhịp tim gồm có dùng thuốc và cấy máy tạo nhịp tim. Bên cạnh đó, bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu xem có thể bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim trong bài viết dưới đây.

1. Rối loạn nhịp tim là gì?

Vào một thời điểm nào đó trong đời, hầu hết mọi người sẽ trải qua giai đoạn tim đập bất thường hay rối loạn nhịp tim, đây có thể là tình trạng vô hại. Tuy nhiên, một vài dạng tim đập bất thường có thể trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến mạng sống con người.

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập thất thường như đập quá nhanh, quá chậm hoặc đập không đều. Tùy theo mức độ, rối loạn nhịp tim có thể không có triệu chứng hoặc gây chóng mặt, hồi hộp, đánh trống ngực, ngất xỉu hoặc thậm chí gây tử vong.

Rối loạn nhịp tim nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giúp loại bỏ hoặc kiểm soát tốt. Ngoài sử dụng thuốc chống loạn nhịp, cấy máy tạo nhịp thì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn tốt cho tim mạch cũng giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Ngoài ra, chữa rối loạn nhịp tim bằng bấm huyệt có thể áp dụng cho bệnh nhân đã qua cơn cấp tính và trong thời gian chờ các can thiệp chuyên môn.

2. Các dạng rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim được phân loại dựa trên nơi bắt nguồn, tốc độ của nhịp tim, gồm có:

  • Nhịp tim nhanh khi nhịp tim lúc nghỉ ngơi > 100 lần/phút;
  • Nhịp tim chậm khi nhịp tim lúc nghỉ ngơi <60 lần/phút.

Trong rối loạn nhịp tim nhanh, có nhịp nhanh xuất phát từ tâm nhĩ và nhịp nhanh xuất phát từ tâm thất:

  • Nhịp nhanh xuất phát từ tâm nhĩ gồm: Cuồng nhĩ, rung nhĩ, hội chứng Wolff-Parkinson-White.
  • Nhịp nhanh xuất phát từ tâm thất gồm: Nhịp nhanh thất, rung tâm thất, hội chứng QT kéo dài

Nhịp tim chậm: Khi nhịp tim lúc nghỉ ngơi dưới 60 lần/phút. Tuy nhiên, đôi khi nhịp tim chậm phản ánh vấn đề sức khỏe bình thường khác như khi ngủ sâu, nghỉ ngơi sau khi vận động thể lực,... Ngoài ra, một số thuốc có thể làm chậm nhịp tim như thuốc điều trị tăng huyết áp. Các dạng nhịp tim chậm hay gặp là nhịp chậm xoang, hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất, ...

Nhịp tim sớm (ngoại tâm thu): Là rối loạn nhịp tim hay gặp, bao gồm ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu thất.

3. Chữa rối loạn nhịp tim bằng bấm huyệt

Y học cổ truyền chữa rối loạn nhịp tim có vai trò hỗ trợ trong việc điều trị và ngăn ngừa rối loạn nhịp tim. Người bệnh có thể tự xoa bóp, bấm huyệt để điều trị tình trạng này.

3.1. Bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim nhanh

Khi xuất hiện cơn nhịp nhanh kịch phát mà chưa có thuốc và chưa được can thiệp, người bệnh có thể sử dụng phương pháp y học cổ truyền chữa rối loạn nhịp tim.

  • Lập tức làm liệu pháp ấn nhãn cầu khi có cơn nhịp nhanh kịch phát (nhắm mắt lại và lấy hai tay đè lên nhãn cầu với lực vừa phải), đồng thời ngâm mặt vào nước lạnh sẽ giúp làm chậm lại ổn định nhịp tim. Theo y học cổ truyền, tim là tạng tâm thuộc hành hỏa, gan là tạng can thuộc hành mộc. Phần lớn rối loạn nhịp tim nhanh kịch phát là do can hỏa vượng hay âm hư hỏa vượng gây ra, tức là nhiều cây cối đốt ắt làm ngọn lửa to. Bệnh của can khiếu ra hai mắt, nên căn cơ sâu xa của tim đập nhanh là từ can ra, do đó khi làm liệu pháp ấn nhãn cầu tức là rút bớt củi ra, đồng thời thêm nước lạnh sẽ làm hỏa dịu và lui dần.
  • Khi nhịp tim ổn định, cần tiếp tục chữa rối loạn nhịp tim bằng bấm huyệt. Người bệnh nằm thả lỏng, chân cao hơn ngực, dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng lồng ngực theo chiều kim đồng hồ, sau đó vuột từ theo chiều lên xuống. Tiếp theo, bấm đồng thời huyệt nội quan và huyệt hạ quan đối tay, kế tiếp bấm huyệt lệ đoài trái. Mỗi huyệt bấm trong 5 – 7 phút để củng cố nhịp tim và tăng cường oxy cho tim. Kế tiếp, lần lượt bấm các huyệt mục phi, nhân nghinh, thần môn trong 3 – 5 phút. Trường hợp bệnh nhân đau chói, nặng tức ngực cần bấm thêm huyệt khích môn, đản trung.

Bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim nhanh cần được thực hiện đều đặn mỗi ngày với thao tác nhẹ nhàng, lực bấm từ nhẹ tới mạnh và ngược lại. Bên cạnh việc chữa rối loạn nhịp tim bằng bấm huyệt, người bệnh cần tập hít thở, giữ ấm bụng hạn chế ăn mặn và đồ cay nóng, kích thích. Sử dụng thực phẩm bổ âm, làm dịu thần kinh như ốc, ngao, sò, trai, hến, lá lạc tiên, lá vông,... Đồng thời, tránh căng thẳng trong cuộc sống, giữ tinh thần lạc quan.

3.2. Bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm do tắc nghẽn tim hoặc tổn thương cơ tim. Các phương pháp điều trị nhịp tim chậm gồm có dùng thuốc và đặt máy tạo nhịp tim. Các phương pháp giúp kiểm soát tiến triển của xơ vữa động mạch như ngăn ngừa thừa cân – béo phì, giảm mỡ máu, kiểm soát huyết áp, tập thể dục,... giữ vai trò quan trọng trong điều trị và dự phòng rối loạn nhịp chậm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bấm huyệt chữa rối loạn nhịp tim chậm.

  • Day bấm huyệt nội quan: Người bệnh ngồi thả lỏng, dùng ngón cái trái đặt vào huyệt nội quan tay phải và ngược lại và day, bấm huyệt này trong 2 – 3 phút với một lực tương đối mạnh sao cho cảm thấy căng tức, tê nặng lan xuống bàn tay. Cách xác định huyệt nội quan: Huyệt này ở mặt trước cẳng tay, giữa gân cơ gan tay lớn và gan tay bé, trên nếp gấp khuỷu hai thốn. Huyệt nội quan có tác dụng lý khí, an thần, thanh tâm, trấn thống, kích thích, điều chỉnh sự co bóp và tống máu oxy nuôi tế bào.
  • Day bấm huyệt hạ quan: Huyệt này có tác dụng tăng cường cung cấp oxy cho tim. Cách xác định huyệt nội quan: khi ngậm miệng lại, sẽ thấy huyệt ở chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má.
  • Day bấm huyệt nhân trung: Huyệt này có tác dụng kích thích thần kinh thực vật và trung khu hô hấp, tỉnh thần, khai khiếu, cung cấp oxy cho não.
  • Tiếp đến, bấm huyệt đản trung, khí hải, quan nguyên, túc tam lý: Nhóm huyệt này có tác dụng nâng cao và điều hòa khí đi nuôi cơ thể và thúc đẩy dưỡng khí nuôi tim, não.
  • Day huyệt hưng phấn: Huyệt hưng phấn có tác dụng kích thích thần kinh tim, giúp cơ tim khỏe và dẻo dai hơn trong việc tiếp thu oxy và đưa máu đi nuôi cơ thể. Cách xác định huyệt hưng phấn: Từ chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang đo ra 1,5cm.

Chữa rối loạn nhịp tim bằng bấm huyệt cần được kiên trì thực hiện hằng ngày, mỗi huyệt day bấm trong vòng 2 – 3 phút, làm nhẹ nhàng, chậm rãi, lực bấm từ nhẹ đến mạnh và ngược lại. Đối với huyệt hưng phấn có thể day bấm đến 5 phút.

4. Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn nhịp tim?

Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, cần có một lối sống lành mạnh và chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch, như tăng cường vận động thể lực, tránh hút thuốc lá và sử dụng rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn nhịp tim cần thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan