Hình dạng và cơ chế hình thành các sóng trên điện tâm đồ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Điện tâm đồ là đồ thị ghi lại hoạt động của điện tim, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh tim mạch, theo dõi hiệu quả điều trị, phản ứng của người bệnh với điều trị bằng thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc,...

1. Điện tâm đồ là gì?

Quả tim co bóp theo nhịp do được điều khiển bởi một hệ thống dẫn truyền trong cơ tim. Những dòng điện này tuy rất nhỏ (chỉ khoảng một phần nghìn volt) nhưng có thể được nhận biết nhờ các điện cực đặt trên tay, chân và ngực người bệnh. Những dòng điện này được chuyển đến máy ghi, được máy khuếch đại lên và ghi lại trên điện tâm đồ. Như vậy, điện tâm đồ (ECG) là đồ thị ghi lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ gồm 12 chuyển đạo riêng biệt gồm:

  • 6 chuyển đạo chi: DI, DII, DIII, aVR, aVF
  • 6 chuyển đạo ngực: V1, V2, V3, V4, V5, V6

Các chuyển đạo này giúp tạo ra một cái nhìn đa chiều về hoạt động điện tim.

Điện tâm đồ có nhiều ý nghĩa trong lâm sàng, được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim, theo dõi hiệu quả điều trị, phản ứng của người bệnh với điều trị bằng thuốc và theo dõi tác dụng phụ của thuốc,...

Điện tâm đồ ecg
Các chuyển đạo biểu thị trên kết quả ECG

2. Cơ chế hình thành các sóng trên điện tâm đồ

Tâm nhĩ bên phải tim có các nút xoang là các tế bào có khả năng tự tạo xung điện. Xung điện này truyền sang các cơ xung quanh làm co bóp hai tâm nhĩ tạo nên sóng P trên điện tâm đồ. Dòng điện sau đó tiếp tục truyền theo một chuỗi tế bào đặc biệt tới nút nhĩ thất (AV) nằm gần vách liên thất rồi theo chuỗi tế bào sợi Purkinje chạy dọc vách liên thất lan vào các cơ chung quanh (tạo nên phức bộ QRS) làm hai thất này co bóp. Xung điện sau đó giảm đi, tâm thất giãn ra, tạo nên sóng T. Như vậy, một chu kỳ tim biểu hiện trên điện tâm đồ gồm: sóng P, phức bộ QRS, sóng T và sóng U (có thể xuất hiện trong một số bệnh lý).

3. Ý nghĩa các sóng trên điện tâm đồ

3.1. Sóng P

Bình thường sóng P ở:

  • D1, D2, V3, V4, V5, V6, aVF: bao giờ cũng dương
  • D3, aVL, V1, V2: đa số dương, có thể âm nhẹ, 2 pha
  • aVR: bao giờ cũng âm

Dù dương, âm hay 2 pha, sóng P có thể móc nhẹ hoặc chẻ đôi. Biên độ sóng P thường cao nhất ở D2. Sóng P được hình thành do quá trình khử cực tâm nhĩ. Sóng P bình thường có biên độ dưới 2mm (0.2 mmV), thời gian từ 0.08-0.11 giây. Khi sóng P tăng biên độ hoặc kéo dài thời gian có thể bệnh nhân đang có tình trạng tâm nhĩ lớn. Nếu tăng biên độ có thể bệnh nhân lớn nhĩ phải, nếu kéo dài thời gian khử cực có thể bệnh nhân lớn nhĩ trái.

Sóng P
Sóng P

3.2. Phức bộ QRS

Phức bộ QRS thể hiện quá trình khử cực của tâm thất, bình thường QRS kéo dài từ 0.06-0.1 giây. Tùy vào chiều khử cực và vị trí đặt điện cực mà trên giấy ghi sẽ cho thấy các phức bộ khác nhau.

  • Sóng Q: là sóng âm đầu tiên của phức bộ QRS, hình thành do quá trình khử cực vách liên thất. Ở người bình thường, sóng Q thường nhỏ và ngắn. Nếu sóng Q biên độ âm lớn và kéo dài có thể đang có tình trạng hoại tử cơ tim.
  • Sóng R là sóng dương đầu tiên của phức bộ, theo sau nó là sóng âm S. Đây là hai sóng hình thành do khử cực thất, có bản chất giống nhau.

3.3. Sóng T

Sóng T bình thường rộng, đỉnh tày, hai sườn không đối xứng, sườn lên thoải, sườn xuống dốc hơn. Bao giờ cũng dương ở D1, aVF, V3, V4, V5, V6, biên độ lớn nhất ở V3, V4 và bao giờ cũng âm ở aVR. Ở D2 đa số dương, một số nhỏ hai pha. Ở D3, aVL đa số là dương, một số hai pha hoặc âm. Ở V1, đa số là âm, một số nhỏ dương hay hai pha.

Sóng T là sóng theo sau phức bộ QRS, thể hiện quá trình tái cực muộn của hai tâm thất. Sóng T có vai trò quan trọng trong nhận định tình trạng thiếu máu cơ tim.

3.4. Sóng U

Bình thường trên điện tâm đồ không có sóng U, nếu có thì chỉ là sóng nhỏ sau sóng T. Trong một số bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, bệnh van tim, bệnh lý cơ tim,... khi đo điện tâm đồ, có thể có sóng U đảo ngược hay nhô cao nhọn.

ECG điện tim điện tâm đồ
Vị trí các cực EGC

3.5. Khoảng PQ

Khoảng PQ là thời gian dẫn truyền từ nhĩ đến thất. Cách đo khoảng PQ là từ khởi điểm sóng P đến khởi điểm sóng Q hoặc sóng R khi không có Q. Ở người bình thường, khoảng PQ kéo dài từ 0.12-0.2 giây. Nếu PQ ngắn, có thể bệnh nhân có hội chứng kích thích sớm (Wolf-Parkinson-White), nếu PQ kéo dài thể hiện quá trình chậm dẫn truyền.

3.6. Đoạn ST

Đoạn ST là một đoạn thẳng đi từ điểm J tới khởi điểm sóng T. Đoạn ST có ý nghĩa là giai đoạn tái cực thất sớm, bình thường đoạn ST rất ít nằm chênh lệch lên hoặc xuống đường đẳng điện. Trong một số trường hợp bệnh lý, đoạn ST có thể chênh lên hoặc chênh xuống, do đó đoạn ST có nhiều giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý tim mạch.

3.7. Đoạn QT

Đoạn QT là thời gian tâm thu điện học của tâm thất. Giá trị bình thường của QT phụ thuộc vào tần số tim. Nếu QT kéo dài bất thường, bệnh nhân có thể có nguy cơ loạn nhịp thất, đặc biệt là xoắn đỉnh.

Khám tim mạch Vinmec
Khám sức khỏe tim mạch giúp người bệnh phát hiện sớm bệnh lý bất thường

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan