Mục đích kích thích tim với tần số cao ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kích thích tim tần số cao ở trẻ em được thực hiện nhằm cắt cơn loạn nhịp nhanh khi các biện pháp cấp cứu khác không hiệu quả. Vậy quy trình kích thích tim với tần số cao ở trẻ em được thực hiện như thế nào?

1. Mục đích kích thích tim với tần số cao ở trẻ em

Kích thích tim với tần số cao là kỹ thuật được sử dụng trong hồi sức để cắt các cơn loạn nhịp nhanh (như nhịp nhanh nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất) mà các biện pháp điều trị cấp cứu khác không hiệu quả. Kích thích tim với tần số cao cũng đồng thời giúp điều chỉnh các rối loạn nhịp tim có chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời (Pacemacker) để đảm bảo nhịp và huyết động cho trẻ.

Tuy nhiên kích thích tim tần số cao không phải phù hợp với tất cả trường hợp loạn nhịp nhanh ở trẻ em. Kỹ thuật này chống chỉ định thực hiện với những trẻ có nhịp nhanh thất, rung thất, vô tâm thu.

2. Các bước chuẩn bị kích thích tim với tần số cao

2.1. Nhân sự và phương tiện

Ê-kíp thực hiện kích thích tiêm với tần số cao gồm 1 bác sĩ có kinh nghiệm và 1-2 điều dưỡng hỗ trợ.

Các trang thiết bị cần thiết gồm:

  • Máy theo dõi điện tim, máy đo huyết áp, SPO2, máy Pacemacker, điện cực, máy monitoring, các phương tiện cấp cứu ngừng tim phổi (bóng, mask, oxy, bộ đặt nội khí quản...); máy siêu âm doppler đánh giá chức năng tim,...
  • Dịch truyền đẳng trương, thuốc trợ tim, thuốc vận mạch: dopamine, adrenalin, dobutamin,...

2.2. Chuẩn bị người bệnh

Trước khi thực hiện kích thích tim với tần số cao, bác sĩ sẽ thăm khám lại bệnh nhi, giải thích cho trẻ và người nhà về tình trạng bệnh, mục đích thực hiện kỹ thuật và các nguy cơ có thể xảy ra. Hướng dẫn gia đình ký cam kết điều trị.

Bác sĩ sẽ tiên hành thăm khám
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám về tình trạng nhịp tim của trẻ

3. Các bước tiến hành kích thích tim với tần số cao

3.1. Kiểm tra tình trạng của trẻ

  • Đánh giá lại tình trạng của trẻ theo trình tự ABC. Trong đó, A là viết tắt của Airway, nghĩa là làm sạch đường thở. B là viết tắt của Breathing, nghĩa là duy trì thở cho bệnh nhân. C là viết tắt của circulation, nghĩa là duy trì hoạt động của hệ tuần hoàn.
  • Kiểm tra lại các yếu tố về tình trạng loạn nhịp ở trẻ như: nhịp điện cực, điện tâm đồ, điện giải đồ, loại loạn nhịp, các yếu tố của tình trạng loạn nhịp lên huyết động, tình trạng hô hấp.
  • Thực hiện đặt điện cực qua da nếu trẻ chưa có điện cực.

3.2. Tiến hành kích thích tim với tần số cao

  • Dựa vào điện tâm đồ để xác định lại chính xác loại loạn nhịp của trẻ.
  • Kết nối điện cực trên người trẻ với cáp nối máy pacemaker. Chọn chế độ kích thích nhịp với tần số cao. Cài đặt tần số > 100 lần so với nhịp cơ sở của trẻ.
  • Ấn nút tạo xung động kích thích tần số tim theo như tần số mới mong muốn và giữ trong vòng 10 giây. Sau đó đột ngột ngừng ấn nút và theo dõi nhịp tim của trẻ. Nếu nhịp không trở lại có thể làm lặp lại nếu cần thiết.

Sau khi kích thích tim với tần số cao, trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ tần số tim, điện tâm đồ, huyết áp, nước tiểu, khí máu, cung lượng tim sau mỗi giờ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Bộ Y tế

88 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan