Nguyên nhân và dấu hiệu giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chân còn gọi là giãn tĩnh mạch chi dưới, đây là một bệnh lý rất phổ biến của con người ở thế kỷ 21. Tuy nhiên căn bệnh này lại chưa được nhận sự quan tâm chú ý của nhiều người, người bệnh thường vô tình bỏ qua hoặc cố gắng chịu đựng các dấu hiệu của bệnh.

1. Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thường gặp ở nữ giới

Giãn tĩnh mạch nông chi dưới là bệnh thường xảy ra ở độ tuổi trên 30, tùy vào công việc của mỗi người mà nguy cơ mắc bệnh sẽ khác nhau, đặc biệt bệnh thường thấy ở những người làm các công việc đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động.

Hiện nay, bệnh lý suy giãn tĩnh mạch nông tuy phổ biến, nhưng đại đa số người bệnh lại không hề biết mình bị bệnh do các triệu chứng không rõ ràng, rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý cơ xương khớp khác như viêm khớp, đau khớp, đau thần kinh – cơ. Người bệnh chỉ đi khám khi thấy các triệu chứng ngày càng nặng hơn, thậm chí có bệnh nhân chịu đừng đến giai đoạn biến chứng loét chân mới đi khám.

Suy giãn tĩnh mạch nông là gì? Đây là tình trạng tĩnh mạch nông ở chân bị giãn khiến cho máu chảy theo những đường ngược nhau, bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và các van một chiều bên trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương vì một nguyên nhân nào đó.

Trên thế giới tỷ lệ nam mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nông là 1%, trong khi đó tỉ lệ nữ giới suy giãn tĩnh mạch nông là 4,5%. Tần suất mắc bệnh sẽ gia tăng theo tuổi tác, cụ thể hơn ở tuổi lao động là 35% trong khi đó ở tuổi nghỉ hưu là 50% bị suy giãn tĩnh mạch nông.

Nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nông gấp 3 lần so với nam giới. Những phụ nữ làm việc văn phòng là những người dễ mắc bệnh hơn cả, do yêu cầu công việc thường xuyên phải đứng hay ngồi một chỗ quá lâu, kết hợp với việc đi giày cao gót và tình trạng thừa cân sẽ càng làm nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nông tăng lên. Đặc biệt nguy cơ mắc bệnh càng gia tăng khi phụ nữ mang thai, thực tế tỷ lệ phụ nữ mang thai bị phù chân là 50%, tỷ lệ bị giãn tĩnh mạch chi dưới 20 - 30%.

giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Giãn tĩnh mạch nông chi dưới là một bệnh lý rất phổ biến của con người ở thế kỷ 21

2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới là tình trạng tĩnh mạch giãn to dài ra, chạy quanh co và có thể quan sát thấy rõ ngay dưới da. Tình trạng này dẫn đến các dòng máu trào ngược trong lòng tĩnh mạch. Ngoài vấn đề về mặt thẩm mỹ do tĩnh mạch giãn dưới da, bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới còn gây ra cảm giác đau nhức, phù, viêm loét... rất khó chịu cho người bệnh.

Trong lòng các tĩnh mạch luôn tồn tại các van một chiều có nhiệm vụ giúp máu chảy theo chiều từ dưới lên trên, từ nông vào sâu, ngăn không cho hiện tượng máu chảy ngược lại, khi các van bị suy yếu, dòng máu sẽ bị trào ngược và có xu hướng ứ đọng ở phần thấp hơn của chân, gây nặng, tê/phù và giãn tĩnh mạch nông chi dưới.

Thói quen hoặc nghề nghiệp cần phải đứng hoặc ngồi lâu, ít đi lại, phụ nữ mang thai, béo phì và cao tuổi là những yếu tố góp phần gây nên bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới. Bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới có yếu tố gia đình (80% bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân mãn tính có cha hoặc mẹ mắc bệnh), tần suất gặp nữ giới nhiều hơn nam (do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ và các loại thuốc ngừa thai).

Thói quen như hút thuốc, ít vận động, mặc quần áo quá chật, mang giày cao gót, ăn ít chất xơ, cơ thể không đủ dưỡng chất và uống ít nước làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới.

Tăng cân quá mức cũng là một nguyên nhân tác động đến chân, khiến máu dồn nhiều về phía chân, tăng tình trạng trào ngược do sự gia tăng áp lực từ ổ bụng.

Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, đặc biệt là các phẫu thuật sản và niệu khoa, thủ thuật bó bột, bệnh nhân bất động lâu ngày trong gãy xương...

Người ăn nhiều tinh bột, hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch nông chi dưới.

3. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nông

Bệnh nhân nên nghĩ đến bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới và thăm khám định bệnh ngay khi nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Đau tức 1 hoặc 2 chân, cảm giác như bị chuột rút;
  • Nặng 2 chân sau khi nằm/đứng/ngồi lâu, tình trạng này sẽ mất hoặc giảm đi khi bệnh nhân di chuyển;
  • Chi dưới nổi các búi tĩnh mạch có thể quan sát được;
  • Xuất hiện những đám xuất huyết trên da hoặc có những vết loét;
  • Sờ thấy các tĩnh mạch trên da hoặc cảm thấy tĩnh mạch xơ cứng;

Các triệu chứng phân theo giai đoạn bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới:

  • Ở giai đoạn sớm của bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới, người bệnh thường chỉ có các dấu hiệu đau chân, nặng chân, nhức mỏi chân, ban đêm bị chuột rút, tê chân, châm chích như có kiến bò ở cẳng chân...
  • Ở giai đoạn tiến triển của bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới, các triệu chứng giống như giai đoạn đầu nhưng nặng dần lên, phù chân khi đứng lâu, ngồi nhiều liên tục hoặc phù vào buổi chiều sau một ngày làm việc. Phù thường xuất hiện ở vùng mắt cá chân, bàn chân hoặc phù kín đáo hơn, chỉ cảm thấy khi mang giày dép chật so với bình thường.Vùng cẳng chân có thể xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da, tĩnh mạch nông dưới da giãn to, ngoằn ngoèo, tĩnh mạch nổi li ti nhất là vùng cổ chân và bàn chân.
  • Ở giai đoạn cuối sẽ giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da gây viêm loét, nhiễm trùng. Có thể xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, cục máu này có thể trôi về tim và gây tắc mạch máu phổi (biến chứng rất nặng) có thể dẫn đến tử vong.

Giãn tĩnh mạch nông chi dưới phân độ theo CEAP như sau:

  • Độ 0: xuất hiện các triệu chứng cơ năng;
  • Độ 1: Giãn mao mạch, có tĩnh mạch dạng lưới;
  • Độ 2: Giãn rõ các tĩnh mạch dưới da;
  • Độ 3: Phù, không đổi màu sắc da;
  • Độ 4: Da sạm, chàm, xơ mỡ bì;
  • Độ 5: giống độ 4 kèm vết loét đã lành;
  • Độ 6: giống độ 4 kèm vết loét đang tiến triển, không lành.
giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Gác chân cao khi ngủ để phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới

4. Phòng tránh bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới như thế nào?

  • Không đứng/ ngồi quá lâu, càng nhiều áp lực dồn lên chân càng gây sức ép lên các tĩnh mạch, gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch;
  • Kiểm soát cân nặng, không để cân nặng tăng quá nhanh trong thời gian ngắn;
  • Lúc nghỉ ngơi nên để chân cao hơn ngực, gác chân cao khi ngủ;
  • Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để chống táo bón;
  • Tăng cường hoạt động thể dục thể thao, nên đi bộ mỗi ngày 15 phút, các bài Yoga cũng rất tốt cho việc phòng và chữa chứng suy giãn tĩnh mạch chân;
  • Tập hít thở sâu và đúng;
  • Xoa bóp và ngâm chân với nước ấm;
  • Hạn chế đi giày cao gót;
  • Đi tất/vớ đặc biệt có thể giúp đôi chân cảm thấy dễ chịu và giảm bớt áp lực;
  • Tránh các loại thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao do estrogen có thể thay đổi lưu thông máu, góp phần phát triển giãn tĩnh mạch.
  • Tránh bắt chéo chân khi ngồi sẽ tạo nhiều áp lực lên đùi, xương chậu, gây kém lưu thông máu, tê mỏi, gây tình trạng da sần vỏ cam và chứng suy tĩnh mạch.
  • Tăng cường những trái cây họ cam quýt, vì chúng chứa nhiều hesperidin, rutin, diosmin sẽ giúp giảm thiểu tình trạng suy tĩnh mạch nhờ tác dụng tăng cường sức khỏe tĩnh mạch.

Khi phát hiện ra các triệu chứng mắc bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới cần phải đến bệnh viện ngay, hiện nay có đến 70% các trường hợp mắc bệnh giãn tĩnh mạch nông chi dưới không biết mình có bệnh, chỉ khi có những biến chứng mới bắt đầu điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan