Những biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành cấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Đức Hiệp - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Bệnh mạch vành cấp tính, hay thuật ngữ chuyên môn là Hội Chứng Mạch Vành cấp, là một tình trạng bệnh lý cấp tính, đây là một trong những tình huống lâm sàng hay gặp trên thực tế. Nếu không được xử trí kịp thời sẽ đối diện với những biến chứng đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

1. Những biến chứng của bệnh mạch vành cấp

Bệnh mạch vành cấp hay nhồi máu cơ tim là hậu quả do sự tắc nghẽn hệ mạch máu nuôi tim (hệ mạch vành), thường liên quan đến xơ vữa mạch máu, khiến cơ tim hoại tử - chết không phục hồi.

Do đó, chức năng tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng mạch vành cấp nguy hiểm, thậm chí tử vong. Biến chứng mạch vành cấp cơ bản bao gồm:

  • Bất thường chức năng điện học tim như rối loạn nhịp hoặc rối loạn dẫn truyền;
  • Bất thường chức năng cơ học gồm: suy tim, vỡ tim, hở van cấp do sa hoặc đứt dây chằng cột cơ của van tim, phình mỏm tim
  • Hình thành huyết khối, cục máu đông trong buồng tim đặc biệt trong trường hợp có suy tim nặng hoặc biến chứng phình mỏm thất trong nhồi máu cơ tim
  • Các phản ứng viêm thứ phát như viêm màng ngoài tim, hội chứng Dressler...

Trong những biến chứng của bệnh mạch vành cấp kể trên, đa số là các bất thường chức năng điện học tim, xảy ra ở trên 90% trường hợp. Đây là những biến chứng của bệnh mạch vành nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng trong 72 giờ đầu sau khởi phát nhồi máu với các biểu hiện: rối loạn nhịp tim từ nhịp nhanh hoặc đủ nhanh, làm giảm cung lượng tim, tụt huyết áp hoặc rối loạn nhịp chậm như block nhĩ thất độ 2 trở lên.

Nguy hiểm nhất bệnh nhân có thể vào cơn nhịp nhanh thất (VT), rung thất (VF) gây ngưng tim. Rối loạn nhịp tim có thể do cơ tim hoại tử hoặc do những rối loạn theo sau nhồi máu cơ tim (bao gồm suy hô hấp, rối loạn điện giải...).

1.1. Suy nút xoang

Đây là biến chứng mạch vành cấp xảy ra khi nhánh mạch vành cung cấp máu cho nút xoang bị tắc nghẽn. Bên cạnh những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, nhịp tim bệnh nhân sẽ chậm dưới 60, thậm chí có thể dưới 50 lần/phút. Đặc biệt biến chứng của mạch vành cấp dạng suy nút xoang dễ xảy ra trên nền bệnh nhân đã có suy nút xoang trước đó (hay gặp ở người già).

Trong số các dạng suy nút xoang, tỷ lệ gặp nhiều nhất là nhịp chậm xoang đơn thuần. Nếu nhịp tim vẫn còn trên 50 lần/phút thì không có chỉ định điều trị, bên cạnh đó nhịp tim ở mức độ này có thể giảm công cơ tim và vô tình giảm mức độ thiếu máu cơ tim. Nặng hơn khi có tụt huyết áp hoặc nhịp tim dưới 50 nhịp/phút cần hỗ trợ bằng một số thuốc hoặc máy tạo nhịp tim.

Hình ảnh suy nút xoang trên kết quả ECG
Hình ảnh suy nút xoang trên kết quả ECG

1.2. Loạn nhịp nhĩ

Loạn nhịp nhĩ là biến chứng mạch vành cấp gặp ở khoảng 10% bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy chức năng thất trái hoặc nhồi máu nhĩ phải.

  • Cơn nhịp nhanh nhĩ kịch phát ít gặp, dễ xảy ra ở những bệnh nhân có tiền căn mắc bệnh này trước đó;
  • Ngoại tâm thu nhĩ: Đa số lành tính, nhưng cũng có thể gợi ý suy tim kèm theo nếu số lượng ngoại tâm thu tăng lên;
  • Rung nhĩ thoáng qua là biến chứng của bệnh mạch vành cấp xuất hiện trong 24 giờ đầu sau nhồi máu. Những bệnh nhân có các yếu tố như tuổi trên 70, suy tim, nhồi máu cơ tim diện rộng hoặc nhồi máu nhĩ, viêm màng ngoài tim, rối loạn điện giải... làm tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ. Nếu rung nhĩ tái diễn hoặc mạn tính sẽ có tiên lượng không tốt và tăng nguy cơ huyết khối trong tim.

1.3. Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất

Biến chứng mạch vành cấp gây rối loạn dẫn truyền hay gặp chính là block nhĩ thất. Trong đó, block nhĩ thất độ I , hoặc block nhĩ thất độ 2 Mobitz I khá phổ biến trong nhồi máu thành trước hoặc thành sau dưới và hiếm khi tiến triển thành block cao độ hơn.

Block nhĩ thất độ 2 Mobitz II và block nhĩ thất độ 3 hoàn toàn ít gặp nhưng nguy hiểm hơn. Block nhĩ thất độ 3 liên quan vị trí ổ nhồi máu, gặp ở khoảng 5-10% trường hợp nhồi máu thành trước.

1.4. Rối loạn nhịp thất

Rối loạn nhịp thất hay gặp, đây có thể là biến chứng của thiếu oxy máu, rối loạn điện giải hoặc các tế bào cơ tim thiếu máu lân cận vùng nhồi máu có hoạt động hệ giao cảm quá mức để bù trừ. Các dạng rối loạn nhịp thất hay gặp bao gồm:

  • Ngoại tâm thu thất rất hay gặp sau nhồi máu cơ tim và thường không cần điều trị.
  • Nhịp nhanh thất dưới 30 giây và thậm chí nhịp nhanh thất kéo dài hơn nhưng huyết động bình thường thì không cần can thiệp trong 24 đến 48 giờ đầu tiên.
  • Nhịp nhanh thất đa dạng, kéo dài trên 30 giây hoặc bất kỳ loại nhịp nhanh thất nào mà có dấu hiệu rối loạn huyết động đều cần phải điều trị bằng shock điện đồng bộ.
  • Rung thất gặp ở 5-12% bệnh nhân, xảy ra trong 24 giờ đầu khi cơ tim bị thiếu máu. Đây là biến chứng của bệnh mạch vành cấp có tiên lượng xấu, cần điều trị cấp cứu ngay lập tức bằng shock điện không đồng bộ.

1.5. Suy tim

Khi ổ nhồi máu cơ tim lớn hoặc xuất hiện biến chứng mạch vành cấp dạng cơ học, rối loạn chức năng tâm trương sẽ dễ dẫn suy tim. Mức độ nặng của suy tim liên quan mật thiết đến kích thước ổ nhồi máu, sự tăng áp lực đổ đầy thất trái và mức độ giảm cung lượng tim.Bệnh nhân thường mệt khi gắng sức, khó thở, nghe phổi có rale ẩm và các dấu hiệu giảm oxy máu là những triệu chứng suy tim thường gặp.

Suy tim ứ huyết
Suy tim là một trong những biến chứng của bệnh mạch vành gây ra

1.6. Vỡ tim

Biến chứng của bệnh mạch vành gây vỡ tim ở các vị trí như vách liên thất hoặc thành tự do, tỷ lệ hiếm gặp dưới 1%. Đặc biệt đây là biến chứng mạch vành cấp rất nguy hiểm, làm khoảng 15% bệnh nhân tử vong tại bệnh viện.

  • Vỡ vách liên thất hay gặp hơn đứt cột cơ khoảng 8-10 lần. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như tiếng T1 lớn lan từ mỏm tim dọc theo bờ trái xương ức ở khoang liên sườn 3 hoặc 4, hạ huyết áp hoặc suy chức năng thất trái.
  • Biến chứng vỡ thành tự do gia tăng theo tuổi, hay gặp ở nữ giới. Đặc trưng bởi đột ngột người bệnh mất huyết áp động mạch trong khi vẫn còn nhịp xoang. Hầu hết đều gây tử vong, hiếm khi phẫu thuật kịp thời.

1.7. Choáng tim

Hạ huyết áp hay choáng tim xảy ra khi thất trái giảm đổ đầy, mất khả năng co cơ thứ phát sau một nhồi máu cơ tim diện rộng. Choáng tim xảy ra khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg, nhịp tim nhanh và các dấu hiệu suy đa tạng như giảm lượng nước tiểu, giảm tri giác, toát mồ hôi, chân tay lạnh...

Có khoảng 5-10% người bệnh xảy ra biến chứng mạch vành cấp dạng choáng tim.

1.8. Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài timbiến chứng của mạch vành cấp xảy ra ở những trường hợp ổ nhồi máu lan rộng qua lớp cơ tim đến màng ngoài tim. Gặp ở khoảng 1⁄3 bệnh nhân nhồi máu cơ tim xuyên thành và giảm tần suất ở những bệnh nhân được điều trị tái tưới máu sớm.

2. Làm thế nào để phòng ngừa biến chứng của bệnh mạch vành

Để giảm những biến chứng của bệnh mạch vành cấp, việc đầu tiên và quan trọng nhất là người bệnh cần được chuyển tới cơ sở y tế có đầy đủ các phương pháp can thiệp hoặc phẫu thuật nhằm tái thông mạch vành (tiêu huyết khối, đặt Stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành) đây là vấn đề then chốt trong điều trị và cải thiện được tiên lượng tử vong cho người bệnh. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng, không tự ý bỏ thuốc. Trong đó, các thuốc chống kết tập tiểu cầu kép rất quan trọng trong dự phòng các biến chứng. Ngoài ra, người bệnh sẽ được kiểm soát tối ưu các yếu tố nguy cơ như: bỏ hút thuốc lá, kiểm soát huyết áp, kiểm soát đường huyết, mỡ máu,... bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn, thay đổi thói quen sinh hoạt để góp phần giảm được các nguy cơ tim mạch và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Khám sàng lọc tim mạch, khám bệnh
Khám sức khỏe định kỳ giúp người bệnh phát hiện bệnh lý sớm bệnh lý tim mạch

3. Khi nào cần tìm đến bác sĩ?

Khi người bệnh có các triệu chứng như đau ngực thành cơn hoặc đau ngực dữ dội, khó thở, mệt. Đặc biệt là các triệu chứng trên diễn ra một cách cấp tính, đột ngột. Việc khám và tư vấn sớm với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có được chẩn đoán sớm nhất và giảm được các biến chứng cho người bệnh.

Với những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như: hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, thừa cân, tiểu đường, có rối loạn Lipid máu, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên thì nên được khám, sàng lọc bệnh lý mạch vành cho dù người bệnh có hay không có triệu chứng đau tức ngực.

Đối với bệnh nhân ra viện sau can thiệp mạch vành, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần được điều chỉnh các bệnh lý nền kèm theo như đái tháo đường, rối loạn lipid máu... Do đó, để quản lý tốt một bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim cần có sự phối hợp điều trị của nhiều bác sĩ chuyên khoa và sự phối hợp tích cực từ phía người bệnh và gia đình. Việc theo dõi, quản lý, nhận biết sớm những biến chứng bệnh mạch vành là việc làm việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người bệnh. Hiện nay, tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đang triển khai các chương trình khám, sàng lọc, quản lý, theo dõi, nhận biết sớm các biến chứng bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành cấp nói riêng. Toàn bộ quy trình đều được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa hàng đầu và được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm sinh hóa, Miễn dịch, chuyên khoa Nội tiết, khoa Dinh dưỡng... để đem lại hiệu quả cũng như đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người bệnh. Sau khi trải qua giai đoạn điều trị, bệnh nhân cũng sẽ được theo dõi, tái khám để nhận định việc điều trị hay có phát hiện thêm các biến chứng mạch vành cấp hay không?

Nếu bạn có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh có thể trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City hoặc đăng ký khám trực tuyến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

629 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan