Nong mạch vành: Những điều cần biết

Nong mạch vành và đặt stent là một cách can thiệp triệt để, giúp máu lưu thông tốt trở lại, cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Dưới đây là những điều bạn cần biết về biện pháp này.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Nong mạch vành là gì?

Nong mạch vành hay còn được gọi là can thiệp động mạch vành qua da hay đặt stent mạch vành là một can thiệp tối thiểu giúp mở rộng lòng các động mạch vành bị tắc hẹp, tương đối ít xâm lấn so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Bản chất của nong mạch vành chỉ là một thủ thuật qua da, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Thông qua động mạch quay ở cổ tay hay động mạch đùi dưới nếp bẹn, bác sĩ sẽ tiếp cận bằng cách đưa một ống thông dẫn đường đi trước, ngược dòng động mạch trở về động mạch chủ và đi vào lỗ động mạch vành trái và phải. Một lượng thuốc cản quang sẽ bơm vào đây để bác sĩ có thể quan sát thấy đoạn tắc hẹp. Trong trường hợp tắc nghẽn cục bộ và nằm ở gần đoạn hẹp, bác sĩ sẽ đưa vào một bóng tại vị trí hẹp và bơm hơi lên với áp lực phù hợp.

Mảng xơ vữa lúc này sẽ bị ép sát vào thành mạch. Sau đó, stent, bản chất là một khung hợp kim có phủ thuốc, sẽ được đưa vào và bung ra tại vị trí này, giúp duy trì lâu dài việc lưu thông dòng máu vừa được nong mạch vành. Bước cuối cùng, bác sĩ sẽ tháo toàn bộ dụng cụ ra ngoài và băng ép cầm máu cho vị trí chọc kim.

Nong mạch vành
Nong động mạch vành và đặt stent là một cách can thiệp triệt để, giúp máu lưu thông tốt trở lại, cải thiện đáng kể triệu chứng của người bệnh

2. Công dụng của nong mạch vành

Bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, là một tình trạng nguy hiểm mang theo nguy cơ tử vong cao. Tình trạng tắc nghẽn các mạch máu gây ra sự mất cân bằng giữa nhu cầu của con người và khả năng cung cấp oxy cơ của tim do tưới máu không đủ. Về lâu dài sẽ dẫn đến ​​thiếu máu cơ tim hay thậm chí hoại tử cơ tim.

Nong mạch vành là biện pháp được thực hiện để nhằm khôi phục lưu lượng máu trong động mạch vành khi động mạch bị co hẹp. Đây là một cách thức can thiệp tối thiểu giúp bệnh nhân tránh không phải đối mặt với mổ mở lồng ngực để điều trị bệnh động mạch vành.

3. Nong mạch vành được chỉ định trong trường hợp nào?

Nong mạch vành thường được chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau:

3.1 Bệnh tim thiếu máu cục bộ

Khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh nhân sẽ nhận được điều trị bao gồm thuốc chống cơn đau ngực và điều trị ngăn ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp động mạch vành để kiểm tra mức độ hẹp bao gồm: Sức co bóp cơ tim < 50%, bệnh nhân đau thắt ngực không đáp ứng với điều trị nội khoa, bệnh nhân có bệnh mạch vành nguy cơ cao. Sau khi bệnh nhân được chụp hình động mạch vành, nong mạch vành sẽ có chỉ định sau đây:

  • Mức độ hẹp mạch vành ≥ 70%
  • Chức năng mạch vành suy giảm: FFR ≤ 0.8 hoặc iFR ≤ 0.89
bệnh tim thiếu máu cục bộ
Nong động mạch vành có chỉ định ở những bệnh nhân có chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

3.2 Nhồi máu cơ tim cấp

Hơn nữa, nong mạch vành cũng thường được áp dụng như một biện pháp can thiệp cấp cứu trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Điều này là một điểm mạnh nổi bật vì giúp khắc phục ngay lập tức tình trạng thiếu máu cơ tim, so với phẫu thuật bắc cầu. Do đó, ở các bệnh nhân gặp đau ngực cấp tính trong những giờ đầu, khi xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao, quy trình chụp mạch và đặt stent tại động mạch có vấn đề sẽ được thực hiện. Việc này đảm bảo vùng cơ tim nhận được dòng máu trở lại ngay lập tức, duy trì khả năng co bóp và giảm nguy cơ diễn tiến hoại tử làm suy tim.

Tuy nhiên, nong mạch vành không phải lúc nào cũng là biện pháp tối ưu cho mọi bệnh nhân. Trong trường hợp nhiều nhánh mạch vành bị hẹp cùng lúc hoặc một nhánh mạch vành bị hẹp nhiều vị trí, đặc biệt trên người bệnh mắc tiền căn bệnh đái tháo đường, có thời gian sống dài, hoặc tồn tại các vấn đề khác cần phải sửa chữa trong tim, và đặc biệt nếu nguy cơ phẫu thuật là chấp nhận được, thì phẫu thuật bắc cầu mạch vành nên được xem xét cẩn thận hơn.

4. Các biến chứng sau khi nong mạch

Các phương pháp can thiệp nong mạch và mạch vành hiện đại thường mang lại tỷ lệ biến chứng thấp; tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện các vấn đề sau:

  • Đau và bầm tím: bệnh nhân thường bị đau và xuất hiện bầm máu tại vị trí chọc dò mạch. Vết thương thường tự giảm sau một khoảng thời gian mà không cần phải can thiệp đặc hiệu
  • Tụ máu: Máu có thể tập trung tại khu vực chọc dò, thậm chí hình thành một ổ máu lớn. Những trường hợp này đòi hỏi phẫu thuật khâu mạch máu để giải phóng áp lực.
  • Suy thận cấp: Thuốc cản quang có thể gây suy thận cấp. Do đó, sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân cần uống nước đầy đủ để đẩy thuốc cản quang ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Trong trường hợp suy thận cấp nặng, bệnh nhân có thể cần đến chạy thận nhân tạo cấp cứu.
  • Dị ứng: thuốc cản quang có thể khiến bệnh nhân bị phát ban, ngứa hoặc các triệu chứng dị ứng khác. Thuốc có thể ảnh hưởng đến da hoặc các cơ quan khác như đường hô hấp, mạch máu và gây nguy hiểm.
  • Đột quỵ và thuyên tắc mạch: can thiệp vào mạch máu có thể tăng nguy cơ thuyên tắc mạch do mảng xơ vữa.
  • Chèn ép tim và tràn máu màng ngoài tim: nếu trong quá trình thực hiện làm thủng thành tim hoặc gây rách mạch vành, có thể dẫn đến chảy máu mạnh vào khoang màng ngoài tim. Đây là tình trạng cấp cứu, đòi hỏi mở và dẫn lưu màng tim để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Dị ứng do thuốc cản quang là một trong những biến chứng sau khi nong mạch (Ảnh minh họa)
Dị ứng do thuốc cản quang là một trong những biến chứng sau khi nong mạch (Ảnh minh họa)

5. Quy trình nong mạch vành

Trước khi thực hiện nong mạch vành, nếu không phải là một can thiệp cấp cứu, mọi bệnh nhân đều được thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để đánh giá có thực sự là một “ứng cử viên” lý tưởng cho can thiệp này hay không. Nếu chẩn đoán không rõ ràng hay các triệu chứng của tim bị thiếu máu cục bộ thể hiện quá mơ hồ, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra gắng sức để đánh giá trình trạng đáp ứng của cơ tim.

Khi đã có kết quả chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được sắp xếp lịch để có thời gian chuẩn bị, để bụng đói và vệ sinh cơ thể trước khi tiến hành. Đến đúng hẹn, người bệnh sẽ được đưa lên phòng mổ, gây tê tại chỗ cổ tay hay đùi và thời lượng thực hiện thủ thuật sẽ tùy vào vị trí, mức độ tắc nghẽn mạch vành cũng như số lượng stent mạch vành cần dùng. Toàn bộ quá trình này đều được thực hiện dưới màn chiếu xquang.

Kết thúc cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng ép tại vị trí chọc dò (cổ tay, bẹn đùi,...) và được chuyển về phòng nghỉ ngơi để phục hồi sức khoẻ. Lúc này, bệnh nhân ăn uống trở lại bình thường và uống thất thật nhiều nước để thuốc cản quang được đào thải nhanh chóng ra ngoài. Băng ép sẽ được giữ ít nhất trong vòng 24 giờ; nếu chọc dò ở vị trí nếp bẹn, bệnh nhân cần thực hiện mọi sinh hoạt tại giường để hạn chế cử động chân phía can thiệp.

Thời gian lưu viện chỉ kéo dài trong vài ngày. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập luyện vận động với mức độ cường độ tăng dần. Ngoài ra, việc tuân thủ điều trị nội khoa là vô cùng quan trọng và cần phải tái khám kiểm tra chức năng tim mạch mỗi tháng sau đó.

6. Ưu điểm và nhược điểm của quá trình nong mạch vành

6.1 Ưu điểm

Kỹ thuật nong mạch vành và đặt stent là phương pháp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Bệnh nhân thường phục hồi nhanh chóng sau khi thực hiện nong mạch và có thể xuất viện và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vòng một hoặc hai ngày sau can thiệp. Các lợi ích quan trọng của thủ thuật nong mạch và đặt stent bao gồm:

  • Kỹ thuật này được chỉ định khi người bệnh có cơn đau tim đe dọa tính mạng thì phương pháp nong mạch thực hiện nhanh chóng việc khôi phục lưu lượng máu đến tim và cứu người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
  • Kỹ thuật này làm giảm các triệu chứng của bệnh tim.
  • Kỹ thuật này làm giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
  • Kỹ thuật này giúp cải thiện chức năng thận.
  • Kỹ thuật này ngăn ngừa hoại thư (gangrene) bằng cách tăng lưu lượng máu đến chân.
Nong mạch vành và đặt stent ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành
Nong mạch vành và đặt stent ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành

6.2 Nhược điểm

So với phẫu thuật bắc cầu, nong mạch vành là phương pháp ít xâm lấn để mở rộng các động mạch nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Những rủi ro nong mạch vành phổ biến nhất bao gồm:

  • Tái thu hẹp động mạch (restenosis). Với nong bóng mạch đơn thuần mà không đặt stent thì khoảng 30% người bệnh sẽ bị tái thu hẹp động mạch. Do đó, đặt stent giảm được nguy cơ này. Stent kim loại trần (Bare-metal stents) làm giảm nguy cơ tái thu hẹp xuống khoảng 15% và nếu sử dụng stent phủ thuốc (drug-eluting stents) thì tỷ lệ chỉ còn 10%.
  • Cục máu đông: Các cục máu đông có thể hình thành trong stent ngay cả đã được đặt stent mạch vành. Những cục máu đông này có thể chặn dòng máu chảy trong động mạch, gây ra triệu chứng đau tim. Tuy nhiên với những stent thế hệ mới, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, kỹ thuật đặt stent với sự hỗ trợ của hình ảnh kết quang mạch vành (OCT) đã làm giảm đáng kể biến chứng cục máu đông và tái hẹp
  • Chảy máu: Có thể xảy ra chảy máu ở vị trí đặt ống thông trên chân hoặc cánh tay. Thông thường, điều này chỉ dẫn đến một vết bầm tím đơn giản, tuy nhiên, đôi khi chảy máu nghiêm trọng có thể xảy ra và có thể yêu cầu việc truyền máu hoặc thực hiện phẫu thuật.

Mặc dù không có một phương pháp điều trị bệnh tim mạch nào phù hợp với tất cả các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, kỹ thuật nong mạch vành và đặt stent đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả cao, ít xâm lấn, giúp giảm đau và hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên, mặc dù nong mạch vành có thể là một phương pháp lý tưởng cho nhiều người, nó không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất cho mọi bệnh nhân, do đó, bạn nên luôn thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị.

7. Lưu ý sau khi nong mạch vành

Sau khi tiến hành thủ thuật nong mạch vành, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu, máu sẽ được lưu thông lại nuôi dưỡng cơ tim. Điều này dẫn đến cải thiện hoàn toàn các triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim. Ngay cả đối với những bệnh nhân đã trải qua suy tim trước đó, cảm giác mệt mỏi và khó thở liên tục cũng sẽ nhanh chóng giảm đi.

Bệnh nhân có thể trở lại hoạt động hàng ngày mà không gặp khó khăn gì. Bằng cách tuân thủ các bài tập tăng cường thể lực để phục hồi chức năng tim mạch, khả năng gắng sức sẽ được cải thiện và chất lượng sống sẽ được nâng cao đáng kể.

Tuy nhiên, trong mỗi lần tái khám sau đó, bác sĩ vẫn sẽ theo dõi kỹ lưỡng để xem liệu các triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim có còn tái diễn hay không, và liệu bệnh nhân có giảm hoặc không phục hồi khả năng gắng sức hay không, cũng như có nghi ngờ về các dấu hiệu của loạn nhịp tim, biến chứng từ thủ thuật... Nếu có bất kỳ biểu hiện nào, bệnh nhân cần đến kiểm tra lại sớm. Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu chụp mạch vành để kiểm tra sự thông nối của stent, tầm soát khả năng bị tái hẹp trong stent cũng như các biến chứng khác.

Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Theo dõi vết chèn của bạn để phát hiện ngay những dấu hiệu bất thường. Hãy kiểm tra xem vết chèn có chảy máu, có đau hơn bình thường hay không, có sưng tấy, có biểu hiện màu sắc không bình thường, hay có sự thay đổi nhiệt độ nào không. Mặc dù một vết bầm nhỏ là điều bình thường, nhưng nếu bạn thấy một lượng máu lớn hoặc máu chảy liên tục mà không thể kiểm soát bằng một miếng băng nhỏ, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Đảm bảo giữ vị trí chèn sạch sẽ và khô ráo, hạn chế việc sử dụng bồn tắm hoặc nước nóng và tránh việc bơi lội cho đến khi vết thương đã được lành.
  • Trong khoảng một tháng đầu sau thủ thuật, hạn chế hoạt động mạnh để đảm bảo sự ổn định và phục hồi của vùng chèn.
  • Hãy thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn trải qua bất kỳ trong những dấu hiệu sau đây: sốt hoặc cảm giác ớn lạnh; cảm giác đau tăng hơn; vết thương đỏ, sưng, chảy máu hoặc có dấu hiệu chảy dịch khác từ vị trí chèn; đau hoặc tức ngực; buồn nôn hoặc nôn; đổ mồ hôi nhiều; chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Thông báo cho bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng đau, buồn nôn, vết thương sưng, đỏ, chảy máu sau khi phẫu thuật
Thông báo cho bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng đau, buồn nôn, vết thương sưng, đỏ, chảy máu sau khi phẫu thuật

8. Nong mạch vành tại Vinmec

Bệnh lý tim mạch là một chuyên ngành phức tạp và các can thiệp tim ngoại khoa đòi hỏi kỹ thuật tinh vi và cao cấp. Do đó, hiểu biết về các lợi ích và rủi ro của can thiệp tim mạch, cũng như việc lựa chọn nơi thực hiện với đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại là vô cùng quan trọng.

Trung Tâm Tim Mạch của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong những trung tâm tiên tiến tại Việt Nam, với đội ngũ bác sĩ chuyên gia hàng đầu. Các chuyên gia tại đây đều là Giáo sư, Tiến sĩ, và bác sĩ chuyên khoa 2, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị tim mạch cả nội khoa và ngoại khoa, cũng như trong việc sử dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Trung Tâm không ngừng hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện chuyên khoa trong và ngoài nước, để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và ứng dụng mới nhất về can thiệp tim mạch.

Hơn nữa, Vinmec Times City đã đầu tư mạnh về trang thiết bị y tế, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế JCI. Hệ thống phòng khám, phòng mổ và phòng nội trú được tổ chức hợp lý và tiện lợi để đảm bảo quy trình chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.

Nhìn chung, can thiệp nong mạch vành và đặt stent mạch vành là phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh tim mạch, giúp cải thiện chức năng tim, giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc lựa chọn bệnh viện có uy tín, đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị tốt là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan