Nong van động mạch phổi thực hiện thế nào?

Nong van động mạch phổi là kỹ thuật được chỉ định thực hiện để điều trị tình trạng hẹp van động mạch phổi. Phương pháp này có hiệu quả thành công cao, giảm nguy cơ phát sinh những tai biến không mong muốn.

1. Sơ lược về kỹ thuật nong van động mạch phổi

Van động mạch phổi là van tổ chim nằm ở vị trí ngăn cách giữa động mạch phổi với thất phải. Hẹp van động mạch phổi là một bệnh lý van động mạch phổi thường gặp, khi bị hẹp nặng có thể gây suy tim phải. Đây là bệnh đứng hàng thứ 4 trong số các bệnh tim bẩm sinh thường gặp (tỷ lệ 8 - 12%). Hẹp van động mạch phổi là do dính các mép van động mạch phổi, khiến lá van động mạch phổi không mở ra được trong thì tâm thu, làm cản trở dòng máu đi từ thất phải lên động mạch phổi trong thì tâm thu.

Phương pháp điều trị chính cho các trường hợp bị hẹp van động mạch phổi là nong van động mạch phổi. Kỹ thuật này có tỷ lệ thành công cao, kết quả khả quan và giảm tới 75% tình trạng chênh áp qua van. Đây được xem là lựa chọn điều trị đầu tiên cho các bệnh nhân bị hẹp van động mạch phổi đơn độc.

2. Quy trình kỹ thuật nong van động mạch phổi

2.1 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: 2 bác sĩ thành thạo về tim mạch can thiệp, 1 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm;
  • Bệnh nhân: Được giải thích về thủ thuật, đồng ý làm thủ thuật và ký cam kết. Người bệnh và gia đình cần chuẩn bị hoàn thiện bệnh án theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh nhân cũng được đánh giá bằng phương pháp siêu âm trước khi thực hiện thủ thuật;
  • Dụng cụ kỹ thuật: Bàn để dụng cụ (gồm bộ bát vô khuẩn, găng tay vô khuẩn, áo phẫu thuật và toan vô khuẩn), dụng cụ ba chạc, băng gạc vô trùng, bơm các dung tích 5ml - 10ml - 20ml - 50ml, bộ dụng cụ mở đường vào động mạch (gồm 1 kim chọc mạch, 1 bộ sheath và thuốc gây tê tại chỗ), dụng cụ thông tim phải, dụng cụ nong van động mạch phổi (gồm bóng nong, dụng cụ căng bóng và wire vòng), kim chỉ để khâu vị trí tĩnh mạch đường vào.
Bóng nong van động mạch phổi
Hình ảnh bóng nong van động mạch phổi

2.2 Tiến hành kỹ thuật

  • Sát trùng ra diện rộng tại khu vực đường vào mạch máu;
  • Mở đường vào tĩnh mạch đùi phải;
  • Tiêm Heparin 50 đơn vị/kg hoặc 5000 đơn vị đối với người lớn;
  • Thông tim phải đo áp lực thất phải, áp lực động mạch phổi, đánh giá chênh áp qua van động mạch phổi;
  • Chụp buồng thất phải ở tư thế AP và tư thế nghiêng trái 90°. Bác sĩ đánh giá van động mạch phổi, đường ra thất phải và vị trí hẹp van động mạch phổi;
  • Thực hiện đo kích thước vòng van động mạch phổi;
  • Lái ống thông MP kèm guidewire 0,018 - 0,035 lên động mạch phổi. Tốt nhất là tránh động mạch phổi trái để đảm bảo cố định guidewire tốt nhất. Ở trẻ sơ sinh, nếu trẻ còn ống động mạch thì bác sĩ thực hiện đẩy guidewire qua ống động mạch, xuống động mạch chủ xuống;
  • Pha thuốc cản quang với nước muối sinh lý để bơm rửa bóng nong;
  • Đưa bóng nong đến buồng nhĩ phải của bệnh nhân với wire vòng. Thực hiện đưa bóng nong qua lỗ van động mạch phổi rồi từ từ bơm bóng nong từng bước để tách mép van động mạch phổi. Bác sĩ thường bơm bóng khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần bơm bóng không quá 10 giây;
  • Ở người trưởng thành, nếu đường kính vòng van động mạch phổi trên 20mm thì có thể sử dụng kỹ thuật nong 2 bóng, dùng 2 bóng để nong van cùng lúc. Khi đó, cần phải đưa cả 2 guidewire lên động mạch phổi và trượt 2 bóng cùng lúc;
  • Kỹ thuật sử dụng bóng Inoue: Ở người trưởng thành, bác sĩ có thể lái bóng Inoue trực tiếp lên qua van động mạch phổi nếu van không quá hẹp hoặc dùng wire vòng đưa lên thân động mạch phổi rồi trượt bóng Inoue lên để nong van động mạch phổi;
  • Sau khi nong van động mạch phổi, bác sĩ kéo bóng ra, giữ guidewire lại bên trong động mạch phổi;
  • Chụp lại thất phải, đánh giá tình trạng chênh áp qua van động mạch phổi, áp lực động mạch phổi, chênh áp qua van sau nong;
  • Tiến hành tháo các dụng cụ và khâu vị trí đường vào tĩnh mạch.

2.3 Theo dõi sau thủ thuật

  • Theo dõi các chức năng sống còn như mạch, huyết áp, SpO2;
  • Theo dõi bệnh nhân, phát hiện sớm các biến chứng sau nong van động mạch phổi như tràn dịch màng ngoài tim hay dị ứng thuốc cản quang;
  • Theo dõi vị trí đường vào tĩnh mạch xem có tình trạng tụ máu, chảy máu, nhiễm trùng, thông động tĩnh mạch,... hay không.
Sau nong van động mạch phổi, người bệnh cần được theo dõi các chỉ số chức năng sống
Sau nong van động mạch phổi, người bệnh cần được theo dõi các chỉ số chức năng sống

2.4 Nguy cơ tai biến và cách can thiệp

Nong van động mạch phổi có thể xảy ra một số nguy cơ tai biến, vì vậy cần có phương pháp can thiệp kịp thời:

  • Vỡ đường ra thất phải gây tràn dịch màng tim: Cần xử trí tràn dịch màng tim cấp bằng cách chọc dẫn lưu và gửi phẫu thuật ngay;
  • Hở van động mạch phổi sau nong van: Thường không gây ảnh hưởng đáng kể, cần theo dõi và can thiệp nếu cần thiết;
  • Co thắt đường ra thất phải gây tụt áp và thiếu oxy: Cần xử trí bằng cách truyền dịch và sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm;
  • Tai biến khác: Hở van ba lá do thao tác gây đứt dây chằng, chảy máu hoặc huyết khối tĩnh mạch đùi, rối loạn nhịp thoáng qua,... cần xử trí theo phác đồ chuẩn.

Nong van động mạch phổi là thủ thuật an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh hẹp van động mạch phổi đơn thuần. Tuy nhiên, để đảm bảo thời gian làm thủ thuật nhanh hơn, an toàn hơn và ít nguy cơ xảy ra biến chứng hơn người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế đảm bảo uy tín, có bác sĩ giỏi và thiết bị tốt là vô cùng cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan