Hướng đi hợp thời

Sự quá tải ở các bệnh viện công ở những TP lớn có thể thấy rõ và đi kèm đó là sự xuống cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế kỹ thuật cao. Tuy nhiên con số các dự án bệnh viện tư chất lượng, đằng cấp và quy mô được đầu tư xây dựng vẫn rất hạn chế. Do đâu mà DN kém mặn mà?


Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC mới đưa vào sử dụng.

Để thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, Chính phủ đã có những thay đổi về chính sách nhằm khuyến khích DN đầu tư như thuế thu nhập DN trong đầu tư y tế chỉ là 10%; Một số loại dự án mở rộng, xây dựng bệnh viện cũng được ưu đãi với mức vốn vay tối đa tới 70% tổng vốn dự án hay DN nước ngoài có thể thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam... Do vậy vấn đề khó khăn nhất nằm ở thủ tục hành chính và quỹ đất. Dự án xây dựng luôn kén vị trí trong khi đó tại các đô thị lớn và ở các địa phương đều đang thiếu quỹ đất sạch để quy hoạch xây dựng. Vì vậy, DN sẽ phải tự đi tìm đất, thực hiện công tác GPMB để tiến hành xây dựng. Thậm chí nếu không xuôi chèo mát mái thì rất dễ dẫn đến tranh chấp quyền lợi đền bù giữa người dân và DN như trong công tác GPMB tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Kinh Bắc (P.Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) do Cty TNHH Ngọc Sơn làm chủ đầu tư vừa qua.

Theo thống kê của Bộ Y tế hàng năm nước ta chịu thất thoát một khoảng tiền lên tới gần 1 tỷ USD khi người dân lựa chọn sang các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore... để khám chữa bệnh. Trong khi kỹ thuật y tế Việt Nam không hề thua kém bạn bè thế giới chứng tỏ nước ta đang thiếu các bệnh viện đẳng cấp, quốc tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cô Dương Thị Phượng (Việt kiều Đức) chia sẻ: “Bản thân tôi bị bướu cổ, chữa đi chữa lại bên kia không được nên quyết định về mổ tại bệnh viện Quân y 103. Bác sĩ tay nghề cao, tận tình và chi phí tính ra rẻ hơn rất nhiều khi thực hiện ở Đức. Bạn bè tôi cũng nhiều người hay tranh thủ về Việt Nam dịp hè vừa kết hợp du lịch rồi làm phẫu thuật thẩm mỹ hay nha khoa thẩm mỹ tại đây, đặc biệt là ở Sài Gòn với một khoản chi phí rất hợp lý”.

Thấy rõ được khó khăn nhưng cũng là cơ hội nên trong thời gian qua đã có nhiều DN hưởng ứng tích cực lời kêu gọi xã hội hóa y tế, đặc biệt là 2 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM. Bệnh viện đa khoa Vũ Anh, Bệnh viện tim Tâm Đức, Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn, Bệnh viện Tràng An, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc... đã lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của những người có thu nhập khá trong xã hội.


Hình ảnh thường thấy ở bệnh viện công.

Tháng 1 vừa qua, Tập đoàn VINGROUP đã cho ra mắt Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC - bệnh viện khách sạn quốc tế (thuộc khu phức hợp đô thị Times City). Theo ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn thì VINMEC hứa hẹn sẽ trở thành bệnh viện quốc tế Việt Nam và Đông Nam Á; là địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy cho người dân thủ đô và cả nước. Mô hình bệnh viện khách sạn đã trở nên quen thuộc và là sự lựa chọn của những người dân có điều kiện kinh tế và yêu cầu cao trong chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Một bác sĩ trong bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Việc xây dựng bệnh viện tư đang góp phần giảm tải cho các bệnh viện công một cách hiệu quả. Do vậy các DN đầu tư vào lĩnh vực này rất cần được ủng hộ.

Theo như công bố của Bệnh viện FV ở Phú Mỹ Hưng (Sài Gòn), năm 2011 doanh thu đạt khoảng hơn 35 triệu USD và dự kiến năm 2012 là gần 40 triệu USD cho thấy tiềm năng rộng mở của mảng thị trường này. Sau sự ra mắt Bệnh viện đa khoa quốc tế VINMEC, nhiều dự án cũng đang được triển khai như dự án Bệnh viện An Sinh tại trung tâm đô thị Mễ Trì với tổng mức đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng của Cty CP đầu tư Lạc Hồng; dự án Bệnh viện đa khoa Trung Tín tại KĐT Mỹ Đình của Cty CP Trung Tín... hứa hẹn mang tới những địa chỉ khám chữa bệnh uy tín cho người dân.

Tường Vy

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hồ Chí Minh.

112 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan