Sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh có những biểu hiện gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh có những biểu hiện gì? Khi phát hiện các triệu chứng đó em cần làm gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hoàng Huy - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh có những biểu hiện gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Để hiểu được về sốc phản vệ là gì trước tiên cần phải hiểu một số thuật ngữ: Dị nguyên là yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc và các yếu tố khác. Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản có thể gây tử vong trong vòng một vài phút. Như vậy sốc phản vệ là tình trạng nặng nhất của phản vệ, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không xử trí đúng và kịp thời.

Sốc phản vệ sau khi dùng thuốc kháng sinh là tình trạng phản vệ hay gặp trong các cơ sở chăm sóc y tế. Tỷ lệ mắc sốc phản vệ châu Âu là 4 - 5 trường hợp/ 10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân, còn ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê.

Vậy dị ứng kháng sinh là trường hợp sau khi sử dụng kháng sinh như uống, tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch, thậm chí bôi ngoài da sẽ có các biểu hiện sau: Nổi mày đay, sẩn ngứa, phù môi mắt, ngứa, đỏ da vùng tiêm, tê bì môi lưỡi, nói khó, khó thở, mệt thỉu, đau bụng, nặng có thể ngừng thở, ngừng tim,....là các biểu hiện có thể gặp nếu bị dị ứng với kháng sinh.

Sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh là mức độ dị ứng nặng nhất, người bệnh sau tiêm kháng sinh sau vài giây đến vài giờ có biểu hiện sau:

  • Trên da có thể xuất hiện như mày đay, phù mạch, ngứa.
  • Về huyết động có tụt huyết áp, mạch nhanh nhỏ.
  • Biểu hiện đường thở: Thở rít thanh quản, phù thanh quản, khó thở, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
  • Rối loạn ý thức như vật vã, hôn mê, co giật, đái ỉa không tự chủ.

Khi xuất hiện biểu hiện phản vệ với kháng sinh cần phải nhanh chóng xử trí theo phác đồ hướng dẫn của bộ y tế. Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên. Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ. Nếu trường hợp dùng kháng sinh tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện theo dõi và chăm sóc bạn cần nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế cao hơn và gần nhất để đảm bảo an toàn cho người bệnh hoặc gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ vận chuyển.

Nếu bạn còn thắc mắc về sốc phản vệ sau tiêm thuốc kháng sinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan