19 thói quen làm hỏng răng của bạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Việc chăm sóc răng miệng từ lâu đã được chú trọng. Răng rất nhạy cảm với nhiệt độ, thực phẩm, thậm chí đánh răng sai cũng làm tổn thương men răng. Mặc dù đánh răng hàng ngày, nhưng một số thói quen, như ăn đá lạnh, nhai đồ cứng, hút thuốc,... sẽ khiến răng nhanh bị hỏng.

1. Nhai đá

Nhiều người thường nghĩ rằng đá là vô hại vì thành phần hoàn toàn tự nhiên, không đường và không hóa chất. Tuy nhiên việc nhai đồ cứng và lạnh như đá có thể làm sứt mẻ, thậm chí làm nứt răng của bạn. Thói quen nhai đá cũng làm kích thích các mô mềm bên trong răng, khiến răng bị đau thường xuyên. Thực phẩm quá nóng và quá lạnh sẽ kích hoạt cơn đau nhanh, mạnh hoặc kéo dài. Vì vậy, nếu cảm thấy “buồn miệng” và muốn ăn đá lạnh thì bạn nên chọn kẹo cao su không đường thay thế.

2. Không đeo bảo hộ miệng khi chơi thể thao

Nên đeo dụng cụ bảo hộ răng miệng khi chơi bóng đá, khúc côn cầu hay bất kỳ môn thể thao tiếp xúc và va chạm nào khác. Nếu không có miếng nhựa đúc bảo vệ hàm trên, răng của bạn có thể bị sứt mẻ, thậm chí bị đánh bật ra khi có tác động mạnh bạo. Bạn có thể mua dụng cụ bảo vệ miệng tự lắp tại cửa hàng thể thao, hoặc nhờ nha sĩ thiết kế một miếng riêng cho bản thân.

3. Bú sữa trước khi ngủ

Không bao giờ là quá sớm để bảo vệ răng. Việc cho bé bú một bình nước trái cây hoặc sữa công thức trước khi ngủ có thể khiến những chiếc răng sữa dễ bị sâu. Em bé quen với việc bú sữa trước khi ngủ sẽ tạo điều kiện cho răng ngập trong chất đường cả đêm. Vì thế, tốt nhất là nên để bình sữa tránh xa khỏi chiếc cũi.

4. Xỏ lỗ lưỡi

Xỏ lỗ lưỡi là xu hướng của giới trẻ, nhưng vô tình cắn vào đinh kim loại có thể làm nứt răng. Xỏ môi cũng có nguy cơ tương tự. Hơn nữa, kim loại cọ xát vào nướu có thể gây tổn thương, dẫn đến mất răng.

Miệng cũng là nơi trú ẩn của vi khuẩn, do đó việc xỏ khuyên sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và lở loét. Một rủi ro khác khi xỏ lưỡi là vô tình đâm vào mạch máu lớn, gây chảy máu nghiêm trọng. Vì vậy nên hỏi ý kiến nha sĩ về những nguy cơ sức khỏe trước khi quyết định xỏ khuyên môi hoặc lưỡi.

5. Nghiến răng

Nghiến răng có thể làm mòn răng theo thời gian. Nguyên nhân của thói quen này thường là do căng thẳng, stress hoặc hành động vô thức trong khi ngủ, khó kiểm soát. Nên tránh ăn các thực phẩm cứng để giúp giảm đau và hạn chế thiệt hại răng từ thói quen này. Ngoài ra, đeo dụng cụ bảo vệ miệng vào ban đêm có thể ngăn ngừa tổn thương do nghiến răng khi ngủ.

19-thoi-quen-lam-hong-rang-cua-ban-1
Nghiến răng khi ngủ

6. Sirô ho, kẹo ngậm đau họng

Những loại dược phẩm này được bán rộng rãi nhưng không hoàn toàn lành mạnh, hầu hết đều được thêm nhiều đường. Vì vậy, sau khi ngậm kẹo làm dịu cổ họng hoặc uống siro ho thì bạn hãy đánh răng cẩn thận. Đường trong thuốc ho hoặc kẹo cứng sẽ bao bọc với các mảng bám dính trên răng. Sau đó, vi khuẩn trong mảng bám sẽ chuyển đổi đường thành một loại axit ăn mòn men răng. Cuối cùng là dẫn đến sâu răng.

7. Kẹo dẻo

Tất cả các món ăn ngọt đều thúc đẩy sâu răng, đặc biệt là một số loại kẹo. Kẹo dẻo dính trong răng, khiến đường và axit tiếp xúc với men răng trong nhiều giờ. Nếu muốn ăn kẹo dẻo, hãy dùng vài viên cùng lúc với bữa ăn chính, thay vì ăn riêng giữa giờ. Nước bọt được sản xuất nhiều hơn trong bữa ăn, nhờ đó giúp rửa sạch mảnh vụn kẹo và axit.

8. Soda

Kẹo không phải là thủ phạm duy nhất chứa nhiều đường. Nước soda có thể làm tăng thêm tới 11 muỗng cà phê đường trong mỗi khẩu phần. Hơn nữa, soda cũng chứa axit photphoric và citric - hai chất làm ăn mòn men răng. Lưu ý, nước ngọt ăn kiêng sẽ cắt giảm lượng đường nhưng lại có nhiều axit gây hại hơn trong chất tạo ngọt nhân tạo.

19-thoi-quen-lam-hong-rang-cua-ban-2
Nước soda có thể ăn mòn men răng

9. Dùng răng xé bao bì

Mở nắp chai hoặc bao bì nhựa bằng răng có thể thuận tiện, nhưng tất cả các nha sĩ đều không ủng hộ thói quen này. Dùng răng để xé bao bì có thể khiến chúng bị nứt hoặc sứt mẻ. Thay vào đó, bạn nên mở bao nhựa bằng kéo và dụng cụ mở nắp chai chuyên dụng. Tóm lại, răng chỉ nên được sử dụng để ăn uống thông thường.

10. Đồ uống thể thao

Dùng thức uống thể thao lạnh sau khi tập luyện là rất tốt và giúp hồi phục năng lượng, song những loại đồ uống này thường có nhiều đường. Giống như soda hoặc kẹo, đồ uống thể thao có đường cung cấp thêm axit, tấn công men răng. Uống thường xuyên có thể dẫn đến sâu răng. Cách tốt nhất để bù nước tại phòng tập thể dục là dùng nước không đường, không calo.

11. Nước ép trái cây đóng hộp

Nước ép trái cây rất dồi dào vitamin và chất chống oxy hóa, nhưng hầu hết cũng chứa nhiều đường. Một số loại nước ép thậm chí còn có lượng đường tương đương với soda. Ví dụ, soda cam có nhiều hơn nước ép cam chỉ 10 gram đường. Trái cây có vị ngọt tự nhiên, vì vậy hãy chọn loại nước ép không thêm đường. Bạn cũng có thể giảm hàm lượng đường tiêu thụ bằng cách tự chế biến tại nhà và pha loãng nước trái cây với một ít nước.

12. Khoai tây chiên

19-thoi-quen-lam-hong-rang-cua-ban-3
Khoai tây chiên chứa nhiều tinh bột

Các vi khuẩn trong mảng bám cũng phá vỡ thức ăn chứa tinh bột, chuyển biến thành axit. Axit có thể tấn công răng trong 20 phút tiếp theo, thậm chí lâu dài hơn nếu thức ăn bị kẹt giữa răng hoặc ăn vặt thường xuyên. Bạn nên xỉa răng sau khi ăn khoai tây chiên hoặc các thực phẩm giàu tinh bột khác dễ bị mắc kẹt trong răng.

13. Ăn vặt liên tục

Ăn vặt tạo ra ít nước bọt hơn một bữa ăn chính, để lại những mẩu thức ăn mắc trong răng lâu hơn. Cần tránh ăn vặt quá thường xuyên, thay vào đó là chọn những món đồ ăn nhẹ có ít đường và tinh bột.

14. Nhai đầu bút chì

Một số người có thói quen nhai bút chì trong khi tập trung vào công việc hoặc học tập. Giống như ăn đá lạnh, thói quen nhai đồ cứng có nguy cơ làm răng bị sứt mẻ hoặc nứt. Kẹo cao su không đường là một lựa chọn tốt hơn nếu bạn thích nhai. Sing-gum sẽ kích hoạt dòng chảy của nước bọt, giúp răng chắc khỏe hơn và chống lại axit ăn mòn men răng.

15. Uống cà phê

Màu sắc và tính axit của cà phê có thể gây ố vàng răng theo thời gian. May mắn thay, đây là một trong những vết bẩn dễ khắc phục nhất bằng các phương pháp tẩy trắng khác nhau. Do đó, bạn có thể đến gặp nha sĩ nếu bạn lo lắng về sự đổi màu của răng.

16. Hút thuốc

Thuốc lá truyền thống và các sản phẩm thuốc hút khác đều có khả năng làm ố răng, thậm chí gây rụng mất răng do bệnh về nướu. Hút thuốc lá cũng có thể gây ung thư miệng, môi và lưỡi. Giữ được nụ cười đẹp là một trong những lý do chính đáng để bỏ thuốc, nhất là đối với phụ nữ.

19-thoi-quen-lam-hong-rang-cua-ban-4
Hút thuốc lá có thể gây ung thư miệng

17. Uống rượu vang đỏ

Các axit trong rượu sẽ ăn mòn men răng, tạo ra những chỗ lồi lõm khiến răng dễ bị ố hơn. Rượu vang đỏ cũng chứa sắc tố tạo màu chromogen và tannin bám vào răng.

18. Uống rượu vang trắng

Các axit trong rượu vang trắng làm suy yếu men răng, khiến răng bị xốp và dễ ố vàng hơn nếu bạn dùng các loại thực phẩm tối màu khác, chẳng hạn như cà phê. Súc miệng với nước sau khi uống rượu hoặc sử dụng kem đánh răng có chất làm trắng nhẹ sẽ giúp chống lại tác hại của rượu vang đỏ và trắng.

19. Rối loạn ăn uống

Tình trạng rối loạn ăn uống, cụ thể là ăn vô độ, sẽ khiến bạn tiêu thụ số lượng đồ ngọt quá mức, dẫn đến sâu răng. Mặt khác, hội chứng chán ăn và nôn ói thậm chí còn gây tổn hại sức khỏe răng miệng nhiều hơn. Các axit mạnh có trong chất nôn sẽ ăn mòn răng, khiến chúng giòn và yếu, đồng thời cũng gây hôi miệng. Nhìn chung, rối loạn ăn uống có thể dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy hãy thăm khám bác sĩ nếu bạn gặp phải tình trạng này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan