Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Liên Anh - Trưởng khoa Sơ Sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Cho đến thời điểm hiện nay, ở các nước tiên tiến, vàng da bệnh lý sơ sinh và những hậu quả di chứng thần kinh do bị tăng bilirubin máu, không còn là vấn nạn cần tập trung nghiên cứu. Các nhà chuyên môn đều thấy rõ rằng nếu trẻ sơ sinh bị vàng da quá mức vì bất cứ nguyên nhân gì, nhưng nếu được phát hiện sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì sẽ có tiên lượng rất khả quan.

1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh lại bị vàng da

Vậy tại sao trẻ sơ sinh lại bị vàng da? Vàng da và sự tăng nồng độ bilirubin máu sẽ gây tổn thương não như thế nào? Vàng da tới mức nào thì sẽ nguy hiểm? Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp vàng da quá mức (bất thường)?... Đây là những câu hỏi đã có lời giải đáp mà các nhân viên y tế, cũng như các gia đình có trẻ mới sinh cần phải biết trong quá trình chăm sóc trẻ.

Đa số trẻ sơ sinh sau đẻ có biểu hiện vàng da là do có tăng nồng độ bilirubin trong máu, liên quan đến quá trình thay thế hồng cầu giống như của người lớn và do khả năng đào thải bilirubin của trẻ sơ sinh còn kém. Đây là sắc tố có màu vàng, nếu được tạo thành với số lượng nhiều và ở dạng tự do (không liên kết với Albumin) thì có thể ngấm vào tổ chức gây nên hiện tượng vàng da. Nhưng vì đây là biểu hiện của đại đa số trẻ mới sinh nên được gọi là vàng da sinh lí. Và vì vàng da sinh lí nên trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, vẫn có màu phân vàng. Không cần điều trị trẻ sẽ hết vàng da sau 7-10 ngày. Với trẻ sinh non thì vàng da có thể kéo dài hơn, tăng đậm hơn.

Ngoài những lí do nêu trên còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể làm trẻ bị vàng da hơn bình thường như tan máu do bất đồng miễn dịch nhóm máu mẹ-con hệ Rh và hệ ABO; hay không do miễn dịch như: ngạt sau đẻ, đẻ non, nhiễm trùng, rối loạn đông máu, tụ máu dưới da đầu, bệnh có tính chất gia đình...

Vậy để nhận biết trẻ có bị vàng da hay không, phân biệt vàng da sinh lí hay bệnh lí, các bà mẹ cần phải quan sát kĩ các vùng da trên cơ thể của trẻ dưới ánh sáng tự nhiên (ban ngày) ngay khi trẻ mới được 1-2 ngày tuổi. Nếu là vàng da sinh lí trẻ chỉ bị vàng từ mặt đến trên rốn, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-5 sau đẻ, màu da vàng cũng rất nhạt như màu quả chanh chín, trẻ không có các biểu hiện bất thường của tổn thương thần kinh trung ương, vẫn ăn ngoan, ngủ yên.

Vàng da bệnh lý (quá mức) thường xuất hiện sớm hơn sau đẻ (có thể trong vòng 24 giờ đầu sau sinh). Da có màu vàng da đậm như màu nghệ, màu rơm, xuất hiện trước ở mặt, có thể tăng nhanh, rồi lan xuống thân, chân tay, đồng thời có kèm các biểu hiện bất thường như li bì, bỏ bú (đây là giai đoạn báo động của tổn thương não). Nếu trẻ được phát hiện sớm ở giai đoạn này và được điều trị kịp thời bằng chiếu đèn thì không những tránh phải thay máu mà còn có tiên lượng rất tốt. Ngược lại, nếu trẻ đã bị vàng da đậm toàn thân, kèm theo có các biểu hiện bất thường do đã có tổn thương não nặng như: bỏ bú, cơn co cứng toàn thân, cơn soắn vặn chân tay, nằm ưỡn cong người, cơn ngừng thở, sốt cao...mới được đưa đến bệnh viện thì sẽ có kết cục rất xấu. Đa phần các cháu tử vong ở giai đoạn này nếu không được thay máu. Còn những cháu đến muộn, tuy được điều trị bằng thay máu hay chiếu đèn, nhưng cũng khó tránh khỏi di chứng thần kinh sau này.

Bệnh vàng da
Vàng da ở trẻ sơ sinh

2. Điều trị trẻ vàng da

Một nghiên cứu của khoa sơ sinh Bệnh viện nhi Trung ương năm 2000 trên 145 trường hợp vàng da nặng phải thay máu cho thấy: tỉ lệ cứu sống nhờ thay máu là 98 %, nhưng tỉ lệ trẻ bị di chứng thần kinh như chậm phát triển tinh thần vận động, bị điếc ở nhóm có nồng độ bilirubin trước thay máu >45 mg/dl vẫn là 33,5%. Trong những năm gần đây, tỉ lệ này đã giảm nhiều nhờ phát hiện và điều trị sớm bằng chiếu đèn cho trẻ bị vàng da bệnh lý.

Có 3 phương pháp chính để điều trị trẻ vàng da. Đó là dùng thuốc, chiếu đèn, và thay máu. Tuỳ từng trường hợp, có thể phải phối hợp cả 3 phương pháp để điều trị cho 1 trẻ bị vàng da nặng.

Chiếu đèn

Chiếu đèn: là liệu pháp ánh sáng được xử dụng rộng rãi trong điều trị trẻ vàng da rất hiệu quả

Bilirubin trong máu là tinh thể có màu vàng, có khả năng hấp thu ánh sáng (loại ánh sáng phổ lạnh, chiếu qua da). Dưới tác động của ánh sáng bilirubin sẽ được chuyển thành một hợp chất dễ hoà tan trong nước và nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Chiếu đèn rất an toàn (nếu được bảo vệ che kín mắt), dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn. Có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu dèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn)

Thay máu

Thay máu là biện pháp cuối cùng trong điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu qủa hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.

Hiện nay, nhờ các tiến bộ về khoa học nên việc thay máu không những được thực hiện sau sinh mà còn ngay cả khi đứa trẻ chưa được sinh ra đời (những trường hợp vàng da tan máu do bất đồng Rh) đã giúp mang lại hạnh phúc cho nhiều gia định hiếm muộn.

Bằng thay máu ta có thể nhanh chóng lấy được nhiều bilirubin khỏi lòng mạch. Nhưng rất khó xác định được liệu đã có bao nhiêu bilirubin đã xâm nhập vào não và gây tổn thương tế bào não. Chính vì thế để tránh bị tổn thương não do tăng bilirubin máu, các nhà chuyên môn không những cần tiên lượng trước các trường hợp sẽ bị vàng da nặng, để hướng dẫn cho gia đình cách theo dõi sau khi cho trẻ xuất viện như: mẹ-con bị bất đồng nhóm máu, trẻ đẻ ngạt, đẻ non, nhiễm trùng sau đẻ, mẹ dùng thuốc kích sinh... mà còn phải biết cách phát hiện sớm các trường hợp vàng da quá mức để trẻ được chiếu đèn kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan