Bí tiểu: Nguyên nhân, cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đi tiểu là hình thức bài xuất chất thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi bị bí tiểu, người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới đời sống, công việc, thậm chí là đe dọa tính mạng.

1. Bí tiểu là gì?

Bình thường cơ thể con người có thể đi tiểu một cách tự chủ, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động co bóp của bàng quang và giãn nở của cổ bàng quang. Bí tiểu là tình trạng bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không đi tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn và người bệnh thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu.

Bí tiểu chủ yếu gặp ở người lớn, bao gồm cả nam và nữ, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với phụ nữ, nhất là nam giới trong độ tuổi từ 40 - 80 tuổi.

Bí tiểu được chia làm 2 loại, bao gồm:

  • Bí tiểu mãn tính: bí tiểu diễn ra trong một thời gian dài. Người bệnh đi tiểu được nhưng bàng quang không hết nước tiểu. Bí tiểu mãn tính không có biểu hiện rõ ràng trong thời kỳ ban đầu, nhiều người bệnh không để ý sẽ không phát hiện tình trạng bất thường. Bí tiểu mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Bí tiểu cấp tính: tình trạng bí tiểu diễn ra đột ngột. Người bệnh muốn đi tiểu nhưng không thể đi được. Bí tiểu cấp tính gây tức bụng, đau bụng dưới. Người bệnh không được giải phóng nước tiểu kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng, cần đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Tiểu đêm
Bí tiểu mãn tính khiến người bệnh đi tiểu được nhưng bàng quang không hết nước tiểu

2. Nguyên nhân gây bí tiểu

Thông thường, khi bàng quang chứa khoảng từ 250 - 350 ml nước tiểu thì sẽ kích thích gây buồn tiểu và đi tiểu. Lượng nước tiểu đủ để gây kích thích ở mỗi người có thể khác nhau. Ở người bị bí tiểu, nước tiểu ở trong bàng quang đã đạt mức nhất định nhưng lại không thể đi tiểu được.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bí tiểu. Nếu thành bàng quang co bóp không đủ mạnh có thể là do mất liên hệ với hệ thần kinh điều khiển tiểu tiện. Nguyên nhân gây mất liên lạc như: chấn thương cột sống, chấn thương vỡ xương chậu, các bệnh lý bàng quang (viêm bàng quang, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, thành bàng quang bị chai xơ, xơ cứng cổ bàng quang...).

Trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị sỏi bàng quang có sỏi di chuyển đến lỗ thông bàng quang với niệu đạo và bịt kín lỗ này lại khiến dòng chảy của nước tiểu bị cản trở và tắc nghẽn. Tình trạng viêm niệu đạo mãn tính dẫn đến xơ hóa, chít hẹp niệu đạo do viêm nhiễm, vi khuẩn, xơ cứng niệu đạo... cũng có thể gây ra bệnh bí tiểu.

Ngoài ra, nguyên nhân bí tiểu ở nam giới còn có thể do các bệnh tiền liệt tuyến gây chèn ép cổ bàng quang. Ví dụ: viêm tiền liệt tuyến, u... Ở nữ giới, bí tiểu còn có thể do các bệnh ở tiểu khung đè nén bàng quang. Ví dụ: u nang buồng trứng, u xơ tử cung.

Một số trường hợp bí tiểu tạm thời do tâm lý như: ngồi quá lâu, đi tàu xe chật...

Stress căng thẳng
Một số trường hợp do tâm lý có thể gây bí tiểu tạm thời

3. Triệu chứng của bí tiểu

Bí tiểu mãn tính thời gian đầu thường không có biểu hiện cụ thể. Đến khi tình trạng bệnh nặng người bệnh mới phát hiện ra.

Triệu chứng phổ biến của người bị bí tiểu bao gồm:

  • Đau tức bụng dưới, bàng quang, vùng trước xương mu.
  • Khó chịu kéo dài, bứt rứt.
  • Thường xuyên muốn đi tiểu nhưng không tiểu được.

4. Bí tiểu có nguy hiểm không?

Các triệu chứng của bí tiểu khiến người bệnh đứng ngồi không yên hàng giờ, thậm chí là hàng ngày, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cuộc sống và công việc của người bệnh, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài, người mệt mỏi, stress.

Nếu không được thông tiểu kịp thời hoặc bí tiểu tái đi tái lại nhiều lần gây ứ đọng nước tiểu có thể dẫn đến viêm nhiễm bàng quang. Nước tiểu viêm nhiễm ngược dòng có thể gây viêm thận, suy thận. Do đó, người bệnh cần đi khám và điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt.

5. Điều trị bí tiểu

Người bị bí tiểu cần được thông tiểu để giải phóng nước thải ra khỏi cơ thể, giúp giải tỏa bàng quang, giảm bớt triệu chứng đau tức, khó chịu. Sau đó, bệnh nhân cần được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Trong quá trình thông tiểu cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối dụng cụ y tế để tránh bị viêm đường tiết niệu.

Việc điều trị nguyên nhân gây bí tiểu hết sức quan trọng. Nhiều nguyên nhân cần điều trị trong thời gian dài, vì thế người bệnh cần kiên nhẫn, tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả cao.

6. Cách phòng tránh bệnh bí tiểu

  • Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao...
  • Không nhịn tiểu quá lâu.
  • Không nên ngồi lâu, đặc biệt là với những người có bệnh bàng quang mãn tính.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, bệnh tiểu khung (nếu có).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

311.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan