Bướu máu ở trẻ em có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Da liễu.

U máu ở trẻ em thường lành tính, tự tiêu đi trước khi trẻ 10 tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp u máu tiếp tục phát triển xâm lấn các cơ quan khác hoặc có biến chứng, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ.

1. U máu là gì?

U mạch máu là khối u lành tính, thường gặp ở trẻ nhỏ. Có khoảng 30% bệnh nhân u máu là trẻ trong tháng đầu sau sinh. Đa phần u máu xuất hiện ở giai đoạn trẻ được 1 tuổi, một phần nhỏ xảy ra ở người trưởng thành.

U máu hình thành bởi sự tăng sinh của các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). U máu có 3 dạng cơ bản là u mao mạch, u dạng hang và u hỗn hợp. U máu có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể nhưng thống kê cho thấy 60% các trường hợp có khối u máu trên da, nằm ở vùng đầu, mặt, cổ. Khối u máu dưới da nằm ở sâu bên dưới và đội da u lên. Chỉ một phần nhỏ u máu xuất hiện trong nội tạng, thường là gan hoặc ở cột sống.

Bướu máu ở trẻ em có nguy hiểm?
U máu ở trẻ

2. Dấu hiệu nhận biết u máu

U máu là bệnh thường gặp ở da nên có dấu hiệu nhận biết khá rõ ràng. Chúng có biểu hiện ở 3 cấp độ:

  • Cấp độ nhẹ: Trên da có những vết thay đổi màu sắc, thường màu đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này, chúng ít khi tạo thành khối u mà chỉ bằng phẳng như bớt ở trẻ sơ sinh;
  • Cấp độ trung bình: U máu phát triển thành một khối u thực sự, gồ lên hoặc đội da lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Chúng vẫn mang màu sắc như cũ - màu của máu trong khối u;
  • Cấp độ nặng: Giống như dạng trung bình nhưng có biểu hiện kèm theo khi khối u vỡ ra hoặc biến chứng. Nếu khối u ngoài ra thì sẽ chảy máu, khối u ở sâu trong cơ thể thì sẽ vỡ ra, loét. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những dấu hiệu đặc thù ở các cơ quan có khối u máu khi khối u to lên, chèn ép vào nội tạng.

3. Bệnh u máu ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh u máu có đặc điểm là khối u rất lành tính, đa phần tự teo đi khi trẻ lớn lên và tự khỏi, ít trường hợp u tồn tại và phát triển to. Bên cạnh đó, u máu thường nằm ngoài da nên cũng rất dễ phát hiện bệnh, giúp bác sĩ có phương án theo dõi, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp u máu không tự teo mà gây ra biến chứng.

Bướu máu ở trẻ em có nguy hiểm?
Bệnh u máu ở trẻ em có nguy hiểm không?

Biến chứng của u máu ở trẻ em ít nguy hiểm và ít khi xảy ra. Chỉ có một số ít trường hợp biến chứng u máu có thể gây nguy hiểm. Đó là:

  • U máu nằm ở hầu họng có thể gây khó thở khi chúng phát triển quá lớn, đôi khi bệnh nhi có triệu chứng nuốt đau nếu khối u bội nhiễm. Bệnh nhi có khối u máu hầu họng cũng bị khàn tiếng kéo dài, ho nhiều;
  • U máu ở thanh quản có thể khiến bệnh nhi ho ra máu nhiều và khó cầm do vị trí khối u ở sâu. Những trường hợp này thường phải cắt bỏ thanh quản bán phần hoặc toàn phần để lấy hết bệnh tích và tránh tái phát;
  • U máu ở tim có thể làm giảm lưu thông tuần hoàn qua tim do u máu chiếm chỗ, lâu dần có thể dẫn đến suy tim;
  • U máu trong cột sống dễ làm yếu xương;
  • U mạch máu trong gan có thể làm tắc một vài vi quản mật;
  • U máu trong mắt có thể gây suy yếu thị lực;
  • U máu trong tai dễ gây suy giảm thính lực;
  • U máu có thể có biến chứng loét, chảy máu hoặc nhiễm trùng, hoại tử u;
  • U mạch máu dẫn tới hội chứng Port-wine stains - bớt màu rượu vang. Bớt có màu hồng, đỏ tía hoặc đỏ nhạt, phẳng, có nhiều kích cỡ khác nhau, thường xuất hiện ở mặt, cổ, tay hoặc chân. Nếu bớt xuất hiện trên trán, mí mắt hoặc hai bên khuôn mặt dễ dẫn tới bệnh tăng nhãn áp, nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa. Trẻ sơ sinh nếu xuất hiện dạng vết bớt này nên được thực hiện xét nghiệm mắt và não;
  • U máu dẫn tới hội chứng Sturge Weber - đặc trưng bởi tình trạng tổn thương dị dạng mạch máu trên da kết hợp với bất thường mạch máu vùng mắt. Có 5 – 8% các trường hợp mắc hội chứng Portwine stains có nguy cơ mắc hội chứng Sturge Weber. Biểu hiện bệnh là các triệu chứng động kinh, liệt nửa người, cườm mắt và chậm phát triển thần kinh (gặp ở 55 – 92% trường hợp);
  • U máu mọc trên bộ phận sinh dục, trực tràng,... có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của bệnh nhân;
  • U máu gây giãn da hoặc để lại sẹo, ảnh hưởng tới ngoại hình và tâm lý của bệnh nhân.

U máu tuy lành tính nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Do đó, việc phát hiện, chẩn đoán sớm u máu là rất cần thiết để bảo tồn chức năng các cơ quan, đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu phát hiện trẻ có u máu hay các vết bớt đậm màu trên da, phụ huynh nên sớm đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan