Các điểm cần lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ bùng phát thành dịch và chưa có thuốc đặc trị. Do đó việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế được những biến chứng nghiêm trọng.

1. Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết

Tác nhân gây sốt xuất huyết là virus, cụ thể là virus Dengue với trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường phải trải qua 4 giai đoạn diễn tiến với các dấu hiệu đặc trưng như sau:

  • Ủ bệnh: Đa phần không có triệu chứng và kéo dài 3-10 ngày;
  • Giai đoạn sốt: Bệnh nhân sốt sốt cao đột ngột, kèm theo các biểu hiện khác như đau cơ, đau xương khớp, nhức 2 hốc mắt, đôi khi xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da kèm theo chảy máu cam, chảy máu chân răng...;
  • Giai đoạn nguy hiểm: Đa số trường hợp xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 khi bệnh nhân đã giảm hoặc hết sốt nhưng sẽ phát triển những triệu chứng nghiêm trọng khác như xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, gan to...;
  • Giai đoạn hồi phục: Sau giai đoạn nguy hiểm 24-48 giờ, bệnh nhân hết sốt hoàn toàn, tổng trạng tốt hơn, tiểu nhiều hơn và cảm giác thèm ăn trở lại.

Về mặt sinh lý bệnh, virus Dengue sẽ dẫn đến thể sốt xuất huyết không hoặc sốt xuất huyết có sốc. Trong đó, thể không sốc đặc trưng bởi tình trạng giãn mạch nhẹ nên lượng huyết tương thất thoát khỏi lòng mạch ít. Trong khi đó, thể sốt xuất huyết Dengue có sốc sẽ bao gồm những biểu hiện là giãn mạch nghiêm trọng, thất thoát huyết tương nhiều khiến máu bị cô đặc, kèm theo đó lưu lượng tuần hoàn giảm sẽ gây tụt huyết áp, nhịp tim tăng lên để bù trừ rồi sau đó trụy tim mạch. Tình trạng rối loạn đông máu đặc trưng của sốt xuất huyết Dengue là hậu quả của việc thành mạch bị biến đổi và số lượng tiểu cầu giảm, qua đó gây xuất huyết (bao gồm xuất huyết dưới da, niêm mạc và xuất huyết tạng).

Sự phát triển của virus Dengue trong cơ thể con người cũng rất đặc biệt. Khi mới xâm nhập, virus sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể, qua đó tạo ra tổ hợp giữa virus và tế bào đơn nhân-đại thực bào. Sau đó, tế bào lympho sẽ tấn công vào tổ hợp này, gây phá hủy tế bào đơn nhân-đại thực bào và giải phóng ra virus kèm theo một loạt hóa chất như các chất gây giãn mạch, thromboplastin, bạch cầu và chất hoạt hóa C3. Chất C3 lại tiếp tục hoạt hóa để kích thích tế bào đơn nhân-đại thực bào và tạo nên vòng xoắn bệnh lý lặp đi lặp lại.

2. Một số lưu ý về thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue

2.1. Thuốc hạ sốt

Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue thường sốt cao đột ngột và đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, người bệnh chỉ được sử dụng Acetaminophen (hay còn gọi là Paracetamol). Hoạt chất này có thể gây độc cho gan thận nhưng chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người trưởng thành) và/hoặc dùng lâu dài và/hoặc dùng đồng thời với nhiều rượu. Với liều điều trị trong sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân chỉ dùng trong thời gian ngắn và liều thấp hơn liều độc rất nhiều nên Paracetamol không gây độc cho cả người trường thành lẫn trẻ em. Theo khác đồ của Bộ Y tế Việt Nam, liều Paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết Dengue là 10-15mg/kg thể trọng cách mỗi 4-6 giờ một lần khi có sốt.

Một số kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết liên quan đến các thuốc hạ sốt:

  • Không sử dụng Aspirin: Rối loạn đông máu gây xuất huyết là biểu hiện đặc trưng của sốt xuất huyết Dengue. Trong khi đó Aspirin lại có tác dụng chống lại sự kết tập của tiểu cầu và chống đông máu nên tuyệt đối không được sử dụng để hạ sốt ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue. Đối với trẻ em, việc sử dụng Aspirin trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải đặc biệt chú ý, vì có thể thúc đẩy dẫn đến hội chứng Reye (gây phù não, suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong lên đến 30-50%, nếu sống sót cũng gặp di chứng tổn thương não vĩnh viễn). Đồng thời do thuộc nhóm NSAID nên Aspirin sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa;
  • Không sử dụng các hoạt chất kháng viêm không steroid (NSAID): Mặc dù không có tác dụng chống kết tập tiểu cầu mạnh như Aspirin nhưng nhìn chung các NSAID đều có đặc tính này nên việc sử dụng ở bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue sẽ dễ dẫn đến chảy máu khó cầm. Đặc biệt cha mẹ có con đang bị sốt xuất huyết Dengue nên lưu ý trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm hạ sốt trong thành phần có chứa các kháng viêm không steroid nên cần lựa chọn kỹ để tránh làm nghiêm trọng hơn tình trạng của bé.

2.2. Bù dịch

Theo phác đồ của Bộ Y tế Việt Nam, một trong những cách điều trị sốt xuất huyết hiện nay là bù dịch theo tình trạng của người bệnh. Trong đó vẫn ưu tiên sử dụng theo đường uống, trong đó nổi bật lên hiệu quả của dung dịch Oresol. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, nếu 100% người bệnh uống Oresol khi nhập viện thì số người cần truyền dịch chỉ khoảng 15%.

Kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết cho thấy bệnh nhân chỉ nên truyền dịch khi thật cần thiết, theo phác đồ của Bộ Y tế là thể sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc thể sốc sốt xuất huyết Dengue. Khi đó, lượng huyết tương thất thoát nhiều khiến thể tích máu trong lòng mạch giảm sút, kết hợp thêm tình trạng sốt cao gây mất nước, hệ quả là máu cô đặc, tụt huyết áp tụt và dễ gây trụy tim mạch. Chú ý, dịch mất trong sốt xuất huyết Dengue có đặc điểm "mất nước nhiều hơn mất muối" nên ưu tiên truyền loại dịch chứa ít muối. Tốt nhất là sử dụng dung dịch Ringer Lactat, nếu không có thì sử dụng Natri Clorid đẳng trương (0.9%). Những trường hợp sốc nặng không đáp ứng với dịch tinh thể, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue truyền dung dịch cao phân tử.

Liều lượng và thời gian bù dịch cần tuân thủ theo phác đồ của Bộ Y tế. Chú ý, kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết cho thấy việc truyền dịch quá nhiều gây dư thừa sẽ dẫn đến rối loạn cân bằng nước điện giải, gây ứ dịch trong các mô/tổ chức và thường gặp nhất là tràn dịch màng phổi.

2.3. Kháng sinh không phải là thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết Dengue là virus, do đó việc sử dụng kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Mặt khác, việc lạm dụng kháng sinh trong hoàn cảnh này có thể dẫn đến phát triển các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

3. Lưu ý về cách điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà

Đa số trường hợp mắc bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách theo dõi và sử dụng thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi đó, bên cạnh việc chăm sóc và theo dõi bệnh thật tốt (bao gồm theo dõi nhiệt độ, các triệu chứng của sốt xuất huyết, chế độ ăn phù hợp...) thì người bệnh và người nuôi bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Theo dõi sát nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân, nếu thấy thân nhiệt lên đến 39-40 độ C kèm theo không đáp ứng với thuốc hay các biện pháp hạ sốt khác thì phải nhanh chóng thông báo cho bác sĩ hoặc nhập viện;
  • Với trẻ em, việc dùng thuốc điều trị sốt xuất huyết cần phải đặc biệt lưu ý. Cha mẹ chỉ cho bé dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các thuốc khác (như Aspirin, Ibuprofen hay các NSAID khác);
  • Chú ý tăng cường vệ sinh mắt, mũi, họng mỗi ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%;
  • Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue cần chế biến mềm, lỏng và dễ tiêu hóa (như cháo loãng, bột, sữa). Với trẻ em thì cha mẹ không cho con uống hay ăn thực phẩm có màu nâu/đỏ (như nước ngọt có màu, dưa hấu, socola...), bí đỏ, cà rốt... vì dễ gây nhầm lẫn thành dấu hiệu tiêu phân đen của xuất huyết tiêu hóa;
  • Cho bệnh nhân uống nhiều nước, có thể là nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây (như nước dừa, nước cam chanh...) dung dịch Oresol hoặc nước cháo loãng...) nhằm mục đích bù lại lượng nước và điện giải mất đi;
  • Ưu điểm quần áo mềm mại, có khả năng thấm hút tốt và đặc biệt phải đảm bảo vệ sinh da và vùng kín (với bệnh nhân nữ). Trẻ nhỏ cần nhanh chóng thay quần áo và tắm bằng nước ấm khi bé không sốt;
  • Theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ, để phát hiện, từ đó chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue sớm. Đặc biệt là các dấu hiệu cảnh báo nặng như tri giác thay đổi (bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ), sờ tay chân cảm giác lạnh, da ẩm, thân nhiệt hạ thấp, đau bụng vùng gan, khó thở, chảy máu mũi, chảy máu răng, nôn ói nhiều, nôn máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ, tiểu ít...;
  • Bệnh nhân không được tắm gội, lau người bằng nước lạnh, vì làm mạch ngoại biên co trong khi mạch nội tạng giãn.

Những cách điều trị sốt xuất huyết Dengue sai lầm cần tránh tuyệt đối:

  • Không đi khám bệnh: Sốt xuất huyết Dengue diễn biến khó lường, do đó khi người bệnh chủ quan không khám bệnh và điều trị sẽ dễ chuyển từ giai đoạn nhẹ sang nặng, hoặc gặp các biến chứng nguy hiểm;
  • Không tái khám theo hẹn: Những bệnh nhân đã được thăm khám, được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà thì phải tái khám đúng hẹn hoặc nhanh chóng nhập viện khi có triệu chứng bất thường như:
    • Hết sốt nhưng vẫn mệt mỏi, khó chịu;
    • Nôn ói nhiều;
    • Đau bụng;
    • Tay chân ẩm và lạnh;
    • Bứt rứt;
    • Dấu hiệu xuất huyết ở bất cứ vị trí nào của cơ thể;
  • Cho rằng hết sốt nghĩa là bệnh đã khỏi: Diễn tiến của sốt xuất huyết Dengue cho thấy khi hết sốt mới mới đến giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên khi hết sốt và đỡ khó chịu hơn sẽ tạo tâm lý chủ quan cho bệnh nhân, từ đó lơ là việc theo dõi sức khỏe và hậu quả là nhiều người bệnh đối mặt với biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, xuất huyết nội tạng và thậm chí tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ bùng phát thành dịch và chưa có thuốc đặc trị. Do đó, để tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

153 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan