4 giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Gãy xương là khi xương bị mất đi cấu trúc vốn có. Xương bị gãy sẽ có thể tự chữa lành. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp đúng vào vị trí giải phẫu một cách chính xác, quá trình lành xương sẽ mất ổn định và xương sẽ bị biến dạng, người bệnh bị hạn chế hoặc mất chức năng vận động tại chỗ.

1. Gãy xương là gì?

Gãy xương là sự phá vỡ cấu trúc liên tục của vỏ xương với mức độ tổn thương các mô mềm xung quanh khác nhau trong từng bệnh cảnh. Ngay sau khi gãy xương, quá trình chữa lành thứ phát bắt đầu, bao gồm 4 giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương:

  • Hình thành máu tụ sau gãy xương
  • Hình thành mô sẹo sợi sụn
  • Hình thành mô sẹo xương
  • Tu sửa xương

Việc chữa liền gãy xương không thành công hoặc chậm trễ có tỷ lệ gặp phải lên đến 10% tổng số ca gãy xương và có thể do các yếu tố khác nhau như không ổn định, nhiễm trùng, khối u và thiếu máu nuôi tại chỗ. Chính vì vậy, biết được đặc điểm của từng giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương và các yếu tố có liên quan sẽ giúp việc lành xương được thành công, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.

GÃY CHÂN Xương mác
Gãy xương nếu không được điều trị sớm sẽ gây thiếu máu, nhiễm trùng

2. 4 giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương như thế nào?

Cơ chế của 4 giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương là một chuỗi quá trình phức tạp và diễn ra xen lẫn nhau. Nhìn chung, quá trình này có thể được chia thành bốn giai đoạn mặc dù từng giai đoạn này có sự chồng chéo lên nhau một cách đáng kể.

2.1 Giai đoạn hình thành máu tụ sau gãy xương (ngày 1 đến ngày 5)

Giai đoạn này bắt đầu ngay sau khi gãy xương. Các mạch máu cung cấp cho xương và màng xương bị vỡ trong quá trình gãy, gây ra tụ máu xung quanh vị trí gãy. Khối máu tụ sẽ đông rắn lại và tạo thành khung đỡ tạm thời cho quá trình chữa lành tiếp theo.

Sinh lý của phản ứng do tổn thương xương sẽ dẫn đến việc bài tiết các cytokine gây viêm từ các tế bào bạch cầu như yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-α), protein hình thái xương (BMPs) và interleukin (IL-1, IL-6, IL-11, IL-23 ). Các cytokine này có tác dụng kích thích sinh học những tế bào thiết yếu tại chỗ, thu hút các đại thực bào, bạch cầu đơn nhân và tế bào lympho hoạt động cùng nhau để loại bỏ các mô bị hoại tử, bị hư hỏng. Đồng thời, chính các tế bào này sẽ tiết ra các cytokine như yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) để kích thích sự chữa lành tại chỗ gãy xương.

Gãy xương đùi khi mắc u tương bào đơn độc điều trị thế nào?
Máu có thể tụ tại vị trí gãy xương trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 5

2.2 Giai đoạn hình thành mô sẹo sợi sụn (ngày 5 đến ngày 11)

Việc giải phóng VEGF dẫn đến hình thành mao mạch tại vị trí gãy xương. Song song đó, trong khối máu tụ, mô hạt giàu fibrin cũng sẽ bắt đầu phát triển. Các tế bào gốc trung mô tiếp theo được tuyển chọn vào khu vực này và bắt đầu biệt hóa (được điều khiển bởi BMP) thành nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương.

Từ đó, sự hình thành xương cơ bản sẽ bắt đầu hình thành trên một mạng lưới sụn sợi giàu collagen trải dài các đầu đứt gãy với một ống bọc sụn hyaline bao quanh. Đồng thời, tại chỗ tiếp giáp với các lớp màng xương, một lớp tế bào xương mỏng sẽ bám dính và lan rộng dần.

2.3 Giai đoạn hình thành mô sẹo xương (ngày 11 đến 28)

Khi các mô sụn hình thành, chúng sẽ được kích hoạt thực hiện các quá trình hóa học nội tiết. RANK-L sẽ được giải phóng, kích thích sự biệt hóa hơn nữa của các nguyên bào sụn, nguyên bào xương và tế bào hủy xương.

Kết quả là lớp mô sẹo sụn được hấp thụ lại và bắt đầu vôi hóa. Về mặt cơ bản, lớp tế bào xương vẫn tiếp tục được lan rộng ra và củng cố. Đồng thời, các mạch máu mới sẽ hình thành và tiếp tục tăng sinh, cho phép các tế bào gốc trung mô di chuyển tiếp. Vào cuối giai đoạn này, một lớp mô xương cứng cáp, vôi hóa từng bước trưởng thành hình thành.

2.4 Giai đoạn tu sửa xương (từ ngày 18 trở đi và kéo dài hàng tháng đến năm)

Với sự di chuyển liên tục của các nguyên bào xương và tế bào hủy cốt bào, mô sẹo là lớp xương cứng cuối cùng phải trải qua quá trình tu sửa lặp đi lặp lại - được gọi là “tái cấu trúc kết hợp”. Quá trình này là một sự cân bằng của sự tái hấp thu bởi các tế bào hủy xương và sự hình thành xương mới bởi các nguyên bào xương. Trung tâm của mô sẹo cuối cùng được thay thế bằng mô xương đặc, trong khi các cạnh mô sẹo xung quanh được thay thế bằng lớp xương phiến.

Trong lúc này, quá trình tu sửa của hệ mạch máu nuôi tại chỗ cũng xảy ra cùng với những thay đổi này. Sau đó, quá trình tái tạo xương sẽ còn kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm, cuối cùng dẫn đến tái tạo cấu trúc tương đương như cấu trúc xương bình thường ban đầu.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến các giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương

Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chữa lành gãy xương, được phân loại thành hai nhóm là các yếu tố tại chỗ và các yếu tố hệ thống.

3.1 Các yếu tố tại chỗ

  • Đặc điểm của vị trí gãy xương: Cử động quá mức, làm di lệch, tổn thương rộng và các mô mềm bị mắc kẹt trong các đầu gãy có thể dẫn đến làm chậm hình thành các tế bào xương mới hoặc kém liên kết với nhau.
  • Nhiễm trùng: Tình trạng viêm nhiễm tại chỗ có thể dẫn đến việc lành xương gãy kém hoặc trì hoãn xương lành hoặc hai đầu xương khó kết hợp.
  • Tưới máu nuôi: Vì gãy xương cũng làm tổn thương mô mạch máu, hệ quả là làm giảm cung cấp máu đến vị trí gãy xương nên làm cản trở các tế bào lành xương đến hoạt động.
Gãy xương cổ chân
Nhiễm trùng có thể xương khó lành hơn

3.2 Các yếu tố hệ thống

Sự hiện diện của bất kỳ một trong các yếu tố nào trong số này đều có thể dẫn đến việc chữa lành xương gãy kém:

  • Tuổi cao
  • Béo phì
  • Thiếu máu toàn thân
  • Các bệnh lý nội tiết: đái tháo đường, bệnh tuyến cận giáp và mãn kinh
  • Lệ thuộc steroid
  • Suy dinh dưỡng
  • Hút thuốc lá
  • Các yếu tố giúp kích thích lành xương.

Có nhiều phương pháp có thể áp dụng nhằm kích thích quá trình chữa lành gãy xương, bao gồm:

  • Cố định xương tốt, tránh di lệch như bó bột, nẹp vít
  • Thực phẩm chức năng, nhất là những sản phẩm giàu canxi, protein, vitamin C và D
  • Năng lượng kích thích xương, có thể là dòng điện, điện từ và siêu âm. Hiệu quả hiện tại của các phương pháp này vẫn còn cần được nghiên cứu thêm.
  • Ghép xương, tức là sử dụng xương nhân tạo đóng vai trò như giá đỡ, tạo nền tảng cho xương mới hình thành. Nguồn xương dùng để ghép có thể từ cơ thể bệnh nhân (ghép tự thân) hoặc từ một người hiến tặng hoặc vật liệu tổng hợp.
bó bột chân
Bó bột giúp cố định xương và chữa lành vết thươncg

Tóm lại, khi xương bị gãy, người bệnh cần được nắn chỉnh và cố định về vị trí ban đầu một cách tự nhiên hay bằng phẫu thuật. Quá trình này cần phù hợp theo các giai đoạn tiến triển tại vị trí gãy xương. Kết quả sẽ giúp người bệnh không chỉ phục hồi chức năng hoàn như ban đầu mà còn phòng tránh được các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến gãy xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Hướng dẫn băng vết thương khi nghi ngờ bị gãy xương

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan