Điều trị bảo tồn và phẫu thuật rách sụn chêm được thực hiện trong trường hợp nào?

Sụn chêm là sụn có chức năng hấp thụ và phân tán lực dồn nén lên trên khớp gối, giúp bảo vệ sụn khớp, hỗ trợ gối trong việc gấp - duỗi dễ dàng với biên độ tối đa. Do khớp gối khá lỏng lẻo nên đây là một khớp yếu nhất của cơ thể, thường bị chấn thương, trong đó rách sụn chêm cũng là một tổn thương thường hay gặp.

1. Rách sụn chêm là gì?

Khớp gối là khớp bản lề, gồm 3 khớp kết hợp lại với nhau (khớp chày-đùi, khớp chè-đùi và khớp chày-chè) nhờ các yếu tố như cân cơ, dây chằng, bao khớp... Khớp gối thường phải chịu đựng những lực tác động lớn gấp 4.5-6.2 lần trọng lượng cơ thể.

Ở mỗi đầu gối sẽ có 2 sụn chêm giữa tại vị trí ở đầu xương đùixương chày được gọi là sụn chêm trong (giống như hình chữ C) và sụn chêm ngoài (giống như hình chữ O). Sụn chêm có đặc tính bền, dai và đàn hồi, gồm 3 phần: sừng trước, sừng sau và thân giữa.

Ở những người trẻ tuổi, tình trạng rách sụn chêm có thể xảy ra sau chấn thương thể thao đột ngột, tai nạn giao thông. Ở người già, rách sụn chêm thường do thoái hóa, khi đang ngồi mà đứng lên đột ngột trong tư thế bất lợi, thường kèm theo bong và mòn sụn khớp.

rách sụn chêm
Rách sụn chêm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, di chuyển của người bệnh

2. Dấu hiệu rách sụn chêm

Một số dấu hiệu cơ bản khi rách sụn chêm như: nghe tiếng “nổ” khi sụn chêm rách, đa số bệnh nhân vẫn bước đi bình thường, cầu thủ bóng đá vẫn có thể chơi hết trận.

  • Trường hợp vết rách tại sụn chêm có kích thước nhỏ, bệnh nhân thường có cảm giác đau nhẹ và sưng khớp gối kéo dài trong 2-3 tuần, khớp gối bị kẹt hoặc có tiếng lục cục trong khớp mỗi khi vận động.
  • Trường hợp vết rách sụn chêm có kích thước trung bình, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu đau ở khe khớp hoặc đau ở trung tâm khớp gối, triệu chứng sưng thường xuất hiện muộn hơn sau đó từ 2-3 ngày, lâu ngày có thể dẫn đến cứng hoặc giới hạn vận động khớp gối khi gấp, đau ở bề mặt khớp gối khi ngồi xổm. Dấu hiệu rách sụn chêm này sẽ kéo dài từ 1-2 tuần nhưng có thể tái phát khi bệnh nhân thực hiện động tác vặn xoắn hoặc các động tác gây quá tải khớp gối, dẫn đến cơn đau kéo dài.
  • Trường hợp vết rách tại sụn chêm lớn, miếng rách di chuyển vào trong khe khớp gây kẹt khớp, khóa khớp, vì vậy bệnh nhân sẽ không thể duỗi thẳng khớp gối được (gối không thể gấp duỗi hết tầm). Dấu hiệu rách sụn chêm như sưng hoặc cứng khớp sẽ bắt đầu xuất hiện sau chấn thương từ 2-3 ngày.
Đau khớp gối
Đau khớp gối là dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng rách sụn chêm

3. Khám cận lâm sàng giúp chẩn đoán rách sụn chêm

Bác sĩ sẽ khai thác các đặc điểm bệnh nói trên, kiểm tra hoạt động của gối ở các tư thể khác nhau thông qua các test chẩn đoán, tìm điểm đau...

Khi có các triệu chứng nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp X-quang và chụp MRI khớp gối để quan sát hình ảnh hẹp khe khớp giúp chẩn đoán rách sụn chêm và các tổn thương đi kèm như tổn thương dây chằng chéo trước, tổn thương sụn khớp, tổn thương dây chằng chéo sau, tổn thương dây chằng bên...

Ngoài ra, siêu âm khớp gối được chỉ định để xác định tình trạng sụn lỏng, khảo sát tình trạng tụ dịch quanh gối. Nội soi chẩn đoán được áp dụng khi tổn thương tại sụn chêm quá phức tạp.

4. Điều trị rách sụn chêm

Phương pháp điều trị rách sụn chêm tùy thuộc vào hình thái của vết rách, vị trí sụn chêm và kích thước của tổn thương:

  • Rách sụn chêm ở vị trí 1/3 ngoài: đây là vị trí được cấp máu tốt nên vết thương thường dễ liền, vết rách nhỏ có thể tự liền, tuy nhiên nếu vết rách lớn thì cần khâu bảo tồn qua nội soi.
  • Rách sụn chêm ở vị trí 2/3 trong: đây lại là vị trí khó liền thường do đặc điểm cấp máu kém, nếu rách xảy ra ở 1/3 trong thường sẽ không liền, cần điều trị bằng cách cắt bỏ phần rách qua nội soi.

Ngoài ra, phương pháp điều trị rách sụn chêm còn dựa vào các yếu tố như tuổi tác và mức độ hoạt động của bệnh nhân.

4.1 Điều trị bảo tồn sụn chêm

Điều trị bảo tồn sụn chêm áp dụng với vết rách nhỏ ở bờ ngoại vi, bệnh nhân không đau, gối còn vững. Điều trị bảo tồn bằng cách: chườm đá, băng thun gối, hạn chế vận động, dành thời gian nghỉ ngơi, dùng các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid, thuốc giảm phù nề.

Chườm đá quanh khớp gối
Chườm đá quanh khớp gối là một biện pháp điều trị bảo tồn sụn chêm

4. 2 Điều trị rách sụn chêm bằng phẫu thuật

  • Cắt bỏ toàn bộ sụn chêm đến tận bao khớp: hiện nay ít dùng.
  • Cắt một phần sụn chêm bị tổn thương: chỉ định trong trường hợp rách sụn chêm ở vùng vô mạch (không có mạch máu nuôi - vùng 2/3 trong) và vết rách cũ trên 6 tuần.
  • Khâu bảo tồn sụn chêm: áp dụng trong trường hợp vị trí rách nằm ở vùng giàu mạch máu nuôi (hay ở 1/3 ngoài sát bao khớp), vết rách có chiều dài khoảng 2cm và thời gian rách không quá 4 tuần. Có thể áp dụng kỹ thuật khâu inside-out, khâu outside-in hoặc khâu all inside tùy theo kinh nghiệm và kỹ năng của phẫu thuật viên.

Sau mổ, chân của người bệnh cần được bất động bằng nẹp trong 3 tuần. Trường hợp khâu sụn chêm thì thời gian nằm bất động sẽ lâu hơn để giúp liền sụn. Sau đó, bệnh nhân cần vận động sớm để lấy lại biên độ khớp, tập khỏe cơ để chống teo cơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan