Bị bệnh xơ cứng bì nên ăn gì?

Không có thực đơn riêng cho người bệnh xơ cứng bì, bởi các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng ở từng trường hợp là khác nhau. Lời khuyên chung cho người bệnh xơ cứng bì nên ăn gì tập trung vào các thực phẩm chống viêm, cung cấp năng lượng, đạm, vitamin và khoáng chất.

1. Bệnh xơ cứng bì nên ăn gì?

Xơ cứng bì là tình trạng hệ miễn dịch kích thích quá mức các tế bào sản xuất collagen, gây viêm và tích tụ collagen dư thừa. Bệnh gây cứng da, nặng hơn là xơ hóa các cơ quan nội tạng (xơ cứng bì toàn thân), như phổi, đường tiêu hóa và mạch máu. Mặc dù không có thực phẩm cụ thể hoặc chất dinh dưỡng có khả năng làm giảm sản xuất collagen, nhưng chế độ dinh dưỡng đúng cách có thể có tác động tích cực đến tình trạng bệnh, giúp chống lại mệt mỏi, viêm và rối loạn chức năng tiêu hóa ở người bệnh xơ cứng bì.

Khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng chung cho người bệnh xơ cứng bì như sau:

  • Chia nhỏ bữa, ăn thường xuyên sau mỗi 3 - 4 giờ. Nếu đã sút cân nghiêm trọng hoặc mỗi lần chỉ có thể ăn một lượng nhỏ, hãy ăn thường xuyên hơn, mỗi bữa cách nhau 2 giờ để tối đa hóa chất dinh dưỡng nạp vào;
  • Chọn thực phẩm tươi, nguyên chất, chế biến lành mạnh. Không có chất bảo quản, thành phần nhân tạo hay dầu hydro hóa. Nếu chọn thực phẩm đóng hộp thì không nên có thành phần hóa học, danh sách các thành phần càng ngắn càng tốt;
  • Thêm các loại thảo mộc và gia vị giàu chất chống oxy hóa, chống viêm, như: Húng quế, hương thảo, kinh giới, quế, gừng, ớt bột, ớt, bột nghệ và bột cà ri;
  • Cắt giảm lượng đường bổ sung: Đường bổ sung khác với đường tự nhiên có trong trái cây, sữa và sữa chua. Nên kiểm tra danh sách thành phần và tránh các thuật ngữ chỉ đường bổ sung như sucrose, mía, fructose, xi-rô gạo, mật ong, mật hoa, xi-rô ngô và xi-rô thực vật...
gia vị
Các loại gia vị thảo mộc được sử dụng trong chế biến món ăn dành cho người bệnh

  • Cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất không kê đơn, chẳng hạn như: Kẽm, sắt, vitamin A, D, E và K, folate và B-12,... tùy vào loại chất dinh dưỡng cụ thể bị thiếu hụt. Bổ sung men vi sinh có thể giúp khôi phục chức năng đường ruột và giảm các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng;
  • Uống nước lọc, tốt nhất là không chứa trong bình nhựa, thay vào đó là bình thủy tinh hoặc thép không gỉ. Mỗi ngày nên uống một lượng nước bằng nửa trọng lượng cơ thể, tức là hơn 2 lít nước ở người nặng 68kg;
  • Cân nhắc loại bỏ thực phẩm khó tiêu khỏi chế độ ăn uống, như sản phẩm có chứa lúa mì hoặc sữa (đường sữa), để giải quyết các triệu chứng về tiêu hóa (ợ hơi, đầy bụng, khó chịu, tiêu chảy và / hoặc táo bón);
  • Áp dụng chế độ ăn kiêng ít FODMAP cũng đã được chứng minh mang lại lợi ích cho người bệnh xơ cứng bì. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ chất cho cơ thể.

2. Kiểm soát các triệu chứng do xơ cứng bì

Người đang mắc bệnh mãn tính, như xơ cứng bì toàn thân, thường bị suy nhược, mệt mỏi, khó tiêu và thiếu chất. Vì vậy, một chế độ ăn uống dinh dưỡng, chất lượng cao phải được chú trọng, nhằm tăng chất lượng cuộc sống và kiểm soát các triệu chứng.

2.1. Trào ngược, ợ nóng

Nên chia nhỏ các bữa ăn và dùng thường xuyên, đều đặn trong cả ngày để tránh đầy bụng. Tránh ăn trong vòng 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ, cũng như không dùng các thực phẩm làm nặng thêm triệu chứng, như:

  • Trái cây họ cam quýt;
  • Sản phẩm làm từ cà chua;
  • Các món chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc cay;
  • Cà phê;
Caffein càvphee
Người bệnh không nên sử dung cà phê

  • Tỏi, hành và ớt sống;
  • Bạc hà;
  • Đậu;
  • Bông cải xanh;
  • Đồ uống có ga;
  • Rượu.

Giảm cân cũng có thể giúp cải thiện tình trạng trào ngược, ợ nóng ở những người đầy đặn. Ngoài ra, nên dùng thêm một cái gối khi ngủ để nâng cao đầu và thân mình, giúp ngăn chặn trào ngược axit dạ dày vào đường thở.

2.2. Tiêu hóa kém, táo bón

Một số người gặp vấn đề tiêu hóa dù có ăn đủ các loại thực phẩm, nhưng lại không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng đúng cách. Điều này dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất, hoặc các triệu chứng khác. Bệnh nhân xơ cứng bì toàn thân ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nên:

  • Tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ, để thúc đẩy di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa;
  • Tiêu thụ nhiều chất xơ với ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả;
  • Uống bổ sung men vi sinh hàng ngày, hoặc ăn sữa chua có lợi khuẩn thường xuyên;
  • Tăng cường chất lỏng, uống nhiều nước.
Uống nước
Tăng cường uống nhiều nước giúp người bệnh cải thiện tình trạng tiêu hóa

2.3. Viêm nhiễm

  • Bổ sung chất chống oxy hóa với các loại trái cây và rau quả có màu đậm, đặc biệt là xanh đậm, vàng đậm, cam, đỏ, tím và xanh dương;
  • Lựa chọn các loại cá béo, hạt và quả óc chó giàu axit béo omega-3;
  • Ăn thực phẩm nhiều vitamin E, như các loại hạt và dầu ô liu;
  • Cân nhắc dùng thêm viên Vitamin D3 1000 IU (cholecalciferol) cùng với bữa ăn để hấp thu tốt hơn.

2.4. Mệt mỏi, uể oải

  • Chia nhỏ bữa ăn, thường xuyên nạp năng lượng để không bị hạ đường huyết;
  • Tăng cường bổ sung chất lỏng;
  • Tập thể dục với cường độ vừa phải, thời gian từ 30 - 60 phút mỗi ngày, với các môn như đi bộ, đạp xe, bơi lội, pilates hoặc yoga;
  • Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung chất sắt. Nên uống thuốc sắt cùng với nước ép có chứa vitamin C để hấp thụ tốt hơn.

2.5. Suy giảm tuần hoàn máu / Hội chứng Raynaud

  • Tập thể dục giúp tăng lưu thông máu;
  • Bệnh nhân xơ cứng bì toàn thân có loét ngón tay cần ăn các nguồn protein động vật, giàu kẽm và sắt, (như thịt bò và thịt lợn) để đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

2.6. Dạ dày, căng cứng

Ăn thực phẩm giàu vitamin E như:

Bệnh u xơ tử cung nên ngũ cốc nguyên hạt
Các loại hạt chứa nhiều vitamin E được lựa chọn dành cho người bệnh xơ cứng bì

  • Các loại hạt;
  • Mầm lúa mì;
  • Cải dầu;
  • Ô liu;
  • Dầu đậu phộng.

Xem xét bổ sung 5 mg (5000 mcg) biotin mỗi ngày để nuôi dưỡng da và móng tay.

2.7. Khó nhai hoặc nuốt

Một số bệnh nhân ăn ít hơn do khó nhai hoặc nuốt, dần dần gây sút cân và suy dinh dưỡng quá mức. Trong trường hợp này, người bệnh xơ cứng bì nên:

  • Uống sinh tố hoặc nước ép trái cây và rau quả tươi;
  • Hỗn hợp trái cây, sữa chua, sữa tươi, ngũ cốc ăn sáng và / hoặc bột whey protein;
  • Nguồn protein mềm và ẩm, như: Phô mai, trứng hấp, sữa chua, cá, súp thịt gà, thịt xay, mì ống...

2.8. Sút cân

Giảm cân đáng kể trong khoảng 3 - 6 tháng có thể là dấu hiệu cho thấy lượng dinh dưỡng và calo không đủ. Để phục hồi cân nặng và tình trạng dinh dưỡng, bệnh nhân nên cân nhắc:

  • Gặp bác sĩ để điều trị tình trạng vi khuẩn đường ruột (hoặc dạ dày) phát triển quá mức;
  • Thêm chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống: Dầu ô liu, cải dầu, dầu đậu phộng, các loại hạt, bơ thực vật, quả bơ, cá béo và salad trộn;
  • Sinh tố trái cây, sữa chua và sữa tươi, bơ đậu phộng, ngũ cốc ăn liền và / hoặc bột whey protein;
  • Xem xét dùng thức uống giàu protein giữa các bữa ăn, tần suất 1 - 3 lần mỗi ngày;
  • Các bữa ăn nhỏ cách nhau mỗi 2 giờ để tối đa hóa lượng calo và chất dinh dưỡng.

Ngay cả khi cố gắng tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, bệnh nhân xơ cứng bì toàn thân vẫn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn. Điều quan trọng đối với mỗi người bệnh xơ cứng bì là phải theo dõi tình trạng dinh dưỡng thường xuyên, đồng thời tiêu thụ thực phẩm lành mạnh trong suốt cả ngày và bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ tất cả các nhóm thực phẩm khác nhau.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: healthline.com; uofmhealth.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan