Dinh dưỡng trước và trong quá trình mang thai (Kiến thức cơ bản)

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng - Dược sĩ lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trước và trong quá trình mang thai. Nếu người phụ nữ bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và các loại vitamin tổng hợp sẽ tăng cơ hội thụ thai và phòng ngừa được phần lớn các nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

1. Bạn có cần thay đổi thói quen ăn uống trong quá trình mang thai hay không?

Bạn có thể cần thay đổi thói quen ăn uống khi bắt đầu lên kế hoạch thụ thai và trong suốt quá trình mang thai. Theo đó, bạn cần phải bổ sung vitamin chứa acid folic. Để đảm bảo sức khỏe thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn về chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai cũng như các bước để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Nếu duy trì một chế độ dinh dưỡng đúng và phù hợp sẽ giúp cho thai nhi phát triển tốt. Thai nhi cần dinh dưỡng từ các nguồn thức ăn này để được hình thành và phát triển toàn diện. Ngược lại, nếu duy trì chế độ dinh dưỡng không phù hợp có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý. Ví dụ: Nếu bạn ăn thịt sống, chưa được nấu chín hoặc uống sữa chưa được tiệt trùng, bạn có thể bị nhiễm trùng dẫn đến sảy thai. Nếu bạn uống quá nhiều vitamin A trong các chế phẩm bổ sung (hơn 3000 microgram hoặc 10000 đơn vị một ngày), em bé của bạn có thể bị dị tật.

XEM THÊM: Ngoài vitamin, trước khi mang thai cần bổ sung chất dinh dưỡng nào khác?

2. Những thực phẩm nên bổ sung trước và trong quá trình mang thai

Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất lớn trước và trong quá trình mang thai. Theo đó, bạn có thể bổ sung với khuyến cáo sau đây:

  • Chế độ ăn lành mạnh nói chung cho mẹ và em bé bao gồm: Rau, hoa quả sạch, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, protein như thịt, cá, trứng, đậu... Nếu bạn không uống sữa, có thể bổ sung calci từ các nguồn thực phẩm khác.
  • Bạn có thể ăn một số loại cá và hải sản chứa rất ít thủy ngân. Các chuyên gia khuyên mỗi tuần, bạn nên ăn: 2-3 khẩu phần hải sản chứa ít thủy ngân như: tôm, cá hồi, cá ngừ đóng hộp...cá xanh, cá mú, cá bơn, cá ngừ vây vàng ...
dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
Bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai có vai trò quan trọng

3. Những thực phẩm cần tránh trước và trong quá trình mang thai

Ngoài những thực phẩm cần bổ sung, bạn cần tránh ăn một số loại cá và tránh uống tất cả các loại rượu. Bạn cần hạn chế lượng caffeine hàng ngày và không tùy ý sử dụng các sản phẩm từ thảo dược. Cụ thể:

  • Các loại cá chứa nhiều thủy ngân: Cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá cờ, cá ngói...
  • Rượu: Bạn cần tránh uống rượu hoàn toàn, bởi chỉ một lượng nhỏ có thể gây hại cho em bé.
  • Caffeine: Hạn chế lượng đưa vào cơ thể hàng ngày bằng cách không uống quá 1-2 cốc cà phê mỗi ngày (Trà và cola có thể chứa caffeine nhưng lượng ít hơn so với cà phê).
  • Nước ngọt: Tránh và hạn chế uống các loại nước có chứa nhiều đường.
  • Thuốc lá: Trẻ sơ sinh có cha mẹ hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm hen suyễn, viêm phổi, nhiễm trùng tai, viêm phế quản, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và nhiều bệnh khác... Những nguy cơ này cũng có thể gặp ở các trẻ sơ sinh sống trong môi trường có khói thuốc.

XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu: Cần chuẩn bị từ trước khi mang thai

4. Lựa chọn vitamin nào bổ sung trước và trong quá trình mang thai?

Các loại vitamin bổ sung trước và trong thai kỳ sẽ chứa vitamin và khoáng chất cần thiết (sắt, calci) giúp thai nhi có tất cả các nền tảng cần thiết để hình thành các cơ quan khỏe mạnh. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin giúp giảm nguy cơ dị tật và các vấn đề khác.

Bạn có thể mua các loại vitamin ở các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng bán thực phẩm chức năng uy tín. Theo đó, bạn nên chọn các loại multivitamin chứa ít nhất 400 microgram (0.4 mg) acid folic. Acid folic đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa một số dị tật (ví dụ như dị tật ống thần kinh).

Phụ nữ có chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc kém hấp thu được khuyến nghị bổ sung tối thiểu hàng ngày các vitamin và khoáng chất sau:

  • Sắt 27mg
  • Acid folic: ít nhất 0.4mg
  • Calci: Ít nhất 250mg (Calci nguyên tố: 1000mg/ngày)
  • Iod: 150 microgram (Nên dùng dưới dạng Kali iodua)
  • Vitamin D: 200-600 đơn vị quốc tế

Lưu ý: Liều cao acid folic lên đến 4mg/ngày được khuyến cáo cho những phụ nữ có nguy cơ cao con bị dị tật ống thần kinh (Ví dụ: Tiền sử con trước đây có dị tật ống thần kinh, mẹ sử dụng một số thuốc chống co giật, động kinh)

Các bác sĩ có thể dựa trên cơ địa của bạn, giai đoạn phát triển của thai nhi để kê các loại vitamin với hàm lượng phù hợp (Không phải tất cả các bà bầu hoặc tất cả các giai đoạn của thai kỳ đều cần bổ sung một lượng vitamin giống nhau)

Thực tế, không phải bổ sung quá nhiều vitamin là tốt (Quá liều vitamin có thể gây hại: ví dụ quá liều vitamin A có thể gây dị tật thai nhi)

Bổ sung vitamin trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai
Bổ sung vitamin trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai

5. Bạn cần tăng bao nhiêu cân trong quá trình mang thai?

Điều này phụ thuộc vào cân nặng trước mang thai của bạn. Bạn hãy thông báo với bác sĩ cân nặng của mình trước khi mang thai để được tư vấn về tăng cân trong thai kỳ. Tùy thuộc vào chỉ số khối cơ thể mà cân nặng khi mang thai được khuyến cáo như sau:

  • Chỉ số khối cơ thể của bạn (BMI) <18.5kg/m2 (ít cân): cần tăng khoảng 12.5-18kg
  • BMI: 18.5-24.9 kg/m2 (bình thường): cần tăng khoảng 11.5-16kg
  • BMI: 25.0-29.9kg/m2: cần tăng khoảng 7-11.5kg
  • BMI≥30kg/m2: cần tăng khoảng 5-9kg

Nếu phụ nữ thừa cân hoặc béo phì nên tăng cân ít hơn. Nếu bạn giảm cân do ốm nghén trầm trọng hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Không chỉ là địa chỉ cung cấp kiến thức và thăm khám trước khi có kế hoạch làm mẹ cho chị em phụ nữ, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Đặc biệt, với quy trình thăm khám và điều trị bệnh tại Vinmec được thực hiện bởi các bác sĩ sản khoa được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước sẽ sớm phát hiện các bệnh lý sản khoa ở người mẹ hoặc những bất thường ở thai nhi để sớm có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nutrition in pregnancy, Uptodate truy cập ngày 25/2/2021
  2. Patient education: Nutrition before and during pregnancy (The Basics), Uptodate truy cập ngày 25/2/2021
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan