Nhu cầu vitamin A từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành

Vitamin A được xem như một trong ba loại vi chất dinh dưỡng thường dễ bị thiếu hụt gây nên tình trạng sức đề kháng kém, chậm phát triển và mắc một số bệnh lý nguy hiểm. Vậy nhu cầu vitamin A hàng ngày cho các đối tượng được khuyến nghị như thế nào?

1. Vitamin A và tác dụng với sức khỏe

Vitamin A, một loại vitamin tan trong chất béo có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Vitamin A rất quan trọng đối với sự phát triển của thị lực, hệ thống miễn dịch và quá trình sinh sản. Ngoài ra, Vitamin A cũng giúp tim, phổi, thận và các cơ quan khác hoạt động tốt.

Có hai loại vitamin A. Loại đầu tiên, vitamin A được tạo sẵn, được tìm thấy trong thịt, gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa. Loại thứ hai, provitamin A, được tìm thấy trong trái cây, rau và các sản phẩm có nguồn gốc thực vật khác. Loại provitamin A phổ biến nhất trong thực phẩm và thực phẩm chức năng là beta-carotene.

Vậy, nhu cầu vitamin A hàng ngày cho một người là bao nhiêu? Với đối tượng và lứa tuổi khác nhau thì nhu cầu vitamin A mỗi ngày sẽ khác nhau hay nói một các khác nhu cầu vitamin A mà cơ thể cần phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính. Lượng khuyến nghị trung bình hàng ngày được liệt kê dưới đây tính bằng microgam (mcg) tương đương hoạt động retinol (RAE).

  • Sơ sinh đến 6 tháng: 400 mcg RAE
  • Trẻ sơ sinh 7-12 tháng: 500 mcg RAE
  • Trẻ em 1–3 tuổi: 300 mcg RAE
  • Trẻ 4-8 tuổi: 400 mcg RAE
  • Trẻ em 9–13 tuổi: 600 mcg RAE
  • Nam thiếu niên 14–18 tuổi: 900 mcg RAE
  • Thiếu nữ 14–18 tuổi: 700 mcg RAE
  • Đàn ông trưởng thành: 900 mcg RAE
  • Phụ nữ trưởng thành: 700 mcg RAE
  • Thanh thiếu niên mang thai: 750 mcg RAE
  • Phụ nữ mang thai: 770 mcg RAE
  • Thanh thiếu niên cho con bú: 1.200 mcg RAE
  • Phụ nữ cho con bú: 1.300 mcg RAE
Vitamin A
Vitamin A, một loại vitamin tan trong chất béo có tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm

2. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin A

Vitamin A có thể được tìm thấy ở các loại thực phẩm tự nhiên hoặc vitamin A được thêm vào một số loại thực phẩm, chẳng hạn như: sữa và ngũ cốc. Bạn có thể nhận được lượng vitamin A khuyến nghị bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm, bao gồm những loại sau:

  • Gan bò và các loại thịt nội tạng khác (tuy nhiên những thực phẩm này cũng chứa nhiều cholesterol, vì vậy hãy hạn chế ăn).
  • Một số loại cá, chẳng hạn như cá hồi.
  • Các loại rau lá xanh và các loại rau xanh, cam và vàng khác, chẳng hạn như bông cải xanh, cà rốt và bí.
  • Trái cây có màu vàng hoặc màu đỏ, bao gồm: dưa đỏ, mơ và xoài.
  • Các sản phẩm từ sữa, một trong những nguồn cung cấp vitamin A.
  • Ngũ cốc tăng cường sử dụng cho bữa sáng

Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin A: Vitamin A có sẵn trong các chất bổ sung chế độ ăn uống, thường ở dạng retinyl acetate hoặc retinyl palmitate, beta-carotene hay provitamin A, hoặc sự kết hợp của vitamin A. Hầu hết các chất bổ sung đa vitamin-khoáng chất đều chứa vitamin A. Thực phẩm chức năng chỉ chứa vitamin A cũng có sẵn.

Thực phẩm giàu vitamin A
Vitamin A có thể được tìm thấy ở các loại thực phẩm tự nhiên hoặc vitamin A được thêm vào một số loại thực phẩm, chẳng hạn như: sữa và ngũ cốc

3. Cách nhận biết đã bổ sung đủ vitamin A theo khuyến nghị

Hầu hết mọi người nhận đủ vitamin A từ thực phẩm họ ăn và tình trạng thiếu hụt vitamin A là rất hiếm. Tuy nhiên, một số nhóm người gặp khó khăn trong việc nạp đủ vitamin A:

  • Trẻ sinh non thường có lượng vitamin A thấp trong năm đầu tiên.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú ở các nước đang phát triển.
  • Người bị bệnh xơ nang.

Trong trường hợp không nhận đủ vitamin A sẽ xảy ra một số ảnh hưởng. Triệu chứng thiếu vitamin A phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai là tình trạng mắt được gọi là bệnh mắt. Xerophthalmia, bệnh không thể nhìn thấy trong ánh sáng yếu và có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.

4. Tác dụng của Vitamin A đối với sức khỏe

Các nhà khoa học đang nghiên cứu vitamin A để hiểu nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Dưới đây là một số ví dụ về những gì nghiên cứu này đã chỉ ra.

4.1. Ung thư

Những người ăn nhiều thực phẩm chứa beta-carotene có thể giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư phổi hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng các nghiên cứu cho đến nay đã không chỉ ra rằng, bổ sung vitamin A hoặc beta-carotene có thể giúp ngăn ngừa ung thư hoặc giảm nguy cơ tử vong vì căn bệnh này. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc được bổ sung beta-carotene liều cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

4.2. Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD), hoặc mất thị lực trung tâm khi con người già đi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực ở người lớn tuổi. Trong số những người bị AMD có nguy cơ cao phát triển AMD tiến triển, thực phẩm bổ sung có chứa chất chống oxy hóa, kẽm và đồng có hoặc không có beta-carotene đã cho thấy hứa hẹn làm chậm tốc độ mất thị lực.

4.3. Bệnh sởi

Khi trẻ em bị thiếu vitamin A khi mắc bệnh sởi, bệnh sẽ có xu hướng nặng hơn. Ở những trẻ này, bổ sung vitamin A liều cao có thể rút ngắn cơn sốt và tiêu chảy do bệnh sởi. Những chất bổ sung này cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong ở trẻ em mắc bệnh sởi sống trong các nước đang phát triển nơi tình trạng thiếu vitamin A.

Trẻ mắc bệnh sởi thiếu vitamin A
Khi trẻ em bị thiếu vitamin A khi mắc bệnh sởi, bệnh sẽ có xu hướng nặng hơn

5. Tác hại của vitamin A

Nhận quá nhiều vitamin A đã được tạo sẵn (thường là từ các chất bổ sung hoặc một số loại thuốc nhất định) có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, hôn mê và thậm chí tử vong. Việc hấp thụ quá nhiều vitamin A ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì thế phụ nữ mang thai không nên bổ sung vitamin A liều cao. Bên cạnh đó, tiêu thụ một lượng lớn beta-carotene hoặc các dạng provitamin A khác có thể khiến da có màu vàng cam, nhưng tình trạng này là vô hại.

Giới hạn hàng ngày đối với vitamin A được định dạng sẵn bao gồm lượng hấp thụ từ tất cả các nguồn thực phẩm, đồ uống và chất bổ sung. Các mức này không áp dụng cho những người đang dùng vitamin A, vì lý do y tế dưới sự chăm sóc của bác sĩ. Giới hạn trên cho beta-carotene và các dạng provitamin A khác chưa được thiết lập.

  • Sơ sinh đến 12 tháng: 600 mcg
  • Trẻ em 1–3 tuổi: 600 mcg
  • Trẻ em 4–8 tuổi: 900 mcg
  • Trẻ em 9–13 tuổi: 1.700 mcg
  • Thanh thiếu niên 14–18 tuổi : 2.800 mcg
  • Người lớn từ 19 tuổi trở lên: 3.000 mcg

Mặc dù vitamin A mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên chúng ta cần bổ sung đúng và đủ liều lượng theo khuyến cáo của bác sĩ. Việc dùng quá nhiều vitamin A không những không tốt cho sức khỏe còn gây ra nhiều vấn đề như: rụng tóc, tăng calci máu, tăng lipid máu, hạch bạch huyết sưng to, vô kinh,... Vì thế, hãy tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi bổ sung loại vitamin quan trọng này.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ y tế chất lượng cao với nhiều dịch vụ chăm sóc, thăm khám dành cho mọi đối tượng khác nhau. Khi có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, khách hàng có thể liên hệ tới bệnh viện để được hỗ trợ từ đội ngũ nhân viên y tế giàu chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ods.od.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan