Hội chứng tủy sống bám thấp: Những điều cần biết

Trong số các bệnh liên quan đến cột sống thì hội chứng tủy sống bám thấp khá phổ biến. Căn bệnh này thể hiện sự rối loạn thần kinh do tủy sống bị dính lại với các vùng da xung quanh, hạn chế sự chuyển động của tủy sống trong cột sống của người bệnh

1. Tìm hiểu về hội chứng tủy sống bám thấp

Hội chứng tủy sống bám thấp là tình trạng rối loạn thần kinh ở cơ thể người, xảy ra khi tủy sống bị dính với các vùng da xung quanh, khiến cho sự chuyển động của tủy sống trong cột sống bị hạn chế.

Về mặt giải phẫu, con người sau sinh ra sẽ có tủy sống nằm ở vị trí tận cùng ở ngang khoảng đĩa đệm của đốt sống thắt lưng đầu tiên và thứ hai. Tuy nhiên, đối với những người bị thoát vị tủymàng tủy thì tủy sống sẽ không thể tách với da của lưng trong thời gian phát triển, và cản trở không cho nó phát triển hướng lên như bình thường. Chính vì vậy mà tủy sống sẽ bị bám thấp hoặc buộc chặt. Khi đứa trẻ tiếp tục phát triển thì tủy sống sẽ bị kéo căng và gây tổn thương tủy, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới việc cung cấp máu tới tủy sống.

Ở người bệnh mắc hội chứng tủy sống bám thấp sẽ có liên quan mật thiết đến tật nứt đốt sống và sự dính bất thường sẽ làm cho tủy sống bị kéo căng. Theo thống kê, mỗi năm sẽ có khoảng 20 - 50% trẻ em bị dị tật nứt đốt sống cần phải phẫu thuật giải phóng tuỷ sống ngay sau được khi sinh ra.

Hội chứng tủy sống bám thấp
Hội chứng tủy sống bám thấp là tình trạng rối loạn thần kinh ở cơ thể người

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng tủy sống bám thấp

Giới chuyên môn cho rằng, ngoài nguyên nhân chính là do tủy sống bị dính với các vùng da xung quanh, thì hội chứng tủy sống bám thấp còn có thể bị gây ra bởi:

  • Người bệnh bị dò xoang bì (hiếm gặp);
  • Có tủy sống chia đôi;
  • Người bệnh bị u mỡ (khối tăng sinh mỡ lành tính);
  • Có tiền căn chấn thương cột sống;
  • Có tiền căn phẫu thuật cột sống;
  • Khối u trong cơ thể;

Dày sợi thần kinh gần xương cụt (dày dây tận cùng).

3. Dấu hiệu cảnh báo hội chứng tủy sống bám thấp

Khi mắc phải hội chứng tủy sống bám thấp, người bệnh, đặc biệt là đối tượng trẻ em sẽ có những dấu hiệu cảnh báo sau:

  • Nhúm lông thắt lưng thấp;
  • Thương tổn thắt lưng thấp;
  • Khối u mỡ hoặc hõm sau thắt lưng thấp;
  • Sự đổi màu da thắt lưng thấp;
  • Tê hoặc ngứa ran chân;
  • Biến dạng chân;
  • Đau cột sống;
  • Thay đổi sức cơ của chân;
  • Đau lưng, trở nên nặng hơn khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi;
  • Vẹo cột sống;
  • Vấn đề ruột và bàng quang;
  • Đau chân, đặc biệt là ở mặt sau của chân;
  • Thay đổi dáng đi;
  • Co cơ tiến triển hoặc lặp đi lặp lại.

Trong nhiều trường hợp hiếm gặp, người bệnh không có biểu hiện cụ thể và không được chẩn đoán đến khi trưởng thành và sự kéo căng tủy sống có thể sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều vấn đề về cảm giác và vận động ở người bệnh, cũng như mất kiểm soát bàng quang và ruột.

Vẹo cột sống
Đau, vẹo cột sống có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng tủy sống bám thấp

4. Chẩn đoán hội chứng tủy sống bám thấp bằng cách nào?

Trong trường hợp nghi ngờ mắc phải hội chứng tủy sống bám thấp, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị kịp thời. Các xét nghiệm cần thiết phải thực hiện bảo gồm:

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ có thể chẩn đoán hình ảnh chính xác nhờ hình ảnh ba chiều của cấu trúc cơ thể, bằng cách sử dụng từ trường mạnh và công nghệ máy tính. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI có thể hiển thị tủy sống, dây thần kinh, các vùng xung quanh và rộng hơn là hiển thị hình ảnh thoái hóa cũng như các khối u trên cơ thể người bệnh.

Chụp tủy đồ (Myleogram): Kỹ thuật chụp X - quang của ống tủy sống có thể giúp nhìn thấy hình ảnh khối u chèn ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh do tủy sống bám thấp.

Chụp cắt lớp điện toán (CT hay CAT scan): Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt này có sử dụng tia X. Bác sĩ có thể sử dụng chụp tủy đồ để hiển thị thuốc cản quang chảy xung quanh các dây thần kinh và tủy sống của người bệnh.

Siêu âm: Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một loại gel hòa tan trong nước được đặt trên da nơi đầu dò khảo sát, để giúp đầu dò tiếp xúc tốt với bề mặt da của người bệnh và cho thấy hình ảnh của tủy sống di chuyển trong túi màng cứng một cách dễ dàng.

5. Khi nào cần phẫu thuật hội chứng tủy sống bám thấp?

Phương pháp phẫu thuật giải phóng tủy sống cho bệnh nhân mắc hội chứng tủy sống bám thấp được thực hiện khi bệnh nhân có những dấu hiệu lâm sàng tiến triển xấu.

Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ tiến hành mở vết mổ cũ vị trí hở ống sống và xuống đến lớp màng cứng phủ trên khối thoát vị tủy – màng tủy của người bệnh. Trong nhiều trường hợp, một phần nhỏ của xương bản sống sẽ được loại bỏ để bộc lộ tốt hơn hoặc để giải ép tủy sống. Tiếp đến, màng cứng sẽ được mở ra, tủy sống và khối thoát vị tủy – màng tủy sẽ được nhẹ nhàng tách ra khỏi sẹo dính màng cứng xung quanh. Khi khối thoát vị tủy – màng tủy được giải thoát khỏi tất cả sẹo dính của nó thì màng cứng và vết mổ được đóng lại.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể hoạt động bình thường trong một vài tuần, thời gian phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ và thời gian bị bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải biến chứng sau mổ hội chứng tủy sống bám thấp như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tủy sống hoặc khối thoát vị tủy - màng tủy, giảm sức cơ hoặc bàng quang ruột.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan