Huyết áp thấp cũng nguy hiểm như huyết áp cao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Huyết áp thấp làm người bệnh choáng, ngất. Đây cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, chiếm tỷ lệ 10 – 15% tương tự như huyết áp cao.

1. Huyết áp thấp có nguy hiểm không?

Nhiều người quan niệm rằng huyết áp cao mới là nguyên nhân dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, nhưng trên thực tế huyết áp thấp nguy hiểm không kém huyết áp cao.

Nếu so sánh với huyết áp cao thì huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng cấp cứu như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Tuy nhiên, huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém, bởi khi người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh sẽ suy giảm, đồng thời cơ thể cũng không điều chỉnh kịp thời để cung cấp dinh dưỡng đến cơ quan như não, tim, thận,....gây tổn thương các cơ quan này.

Người huyết áp thấp có khả năng mất trí nhớ cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer. Huyết áp thấp khiến cho các cơ quan bị thiếu máu trong thời gian dài. Não bộ bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào thần kinh không được nuôi dưỡng đầy đủ lâu dần sẽ gây nên suy giảm chức năng hệ thần kinh, suy giảm trí nhớ. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục sẽ có khả năng bị mất trí nhớ cao hơn người thường.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng váng và ngất. Đây là hậu quả khá phổ biến, khi huyết áp giảm đột ngột, não bộ không kịp thích nghi với tình trạng thiếu oxy bất ngờ. Người bệnh sẽ rơi vào trạng thái choáng váng. Ngất xỉu có thể gây tai nạn nguy hiểm khi người bệnh đang đứng trên cao, điều khiển phương tiện giao thông hay đi cầu thang...

Huyết áp thấp là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não tương tự như huyết áp cao. Có 30% số người bị nhồi máu não là 25% số người bị nhồi máu cơ tim do huyết áp thấp.

Nếu tình trạng huyết áp thấp kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu.

2. Huyết áp thấp phải làm sao?

Nếu chỉ có triệu chứng nhẹ, huyết áp thấp thường không cần điều trị. Nếu bạn có triệu chứng rõ rệt, phương pháp điều trị tốt nhất là điều trị theo nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nếu huyết áp thấp là do thuốc, điều trị bằng cách thay đổi liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn loại thuốc đó.

Nếu nguyên nhân huyết áp thấp không rõ ràng hoặc không có phương pháp điều trị hiệu quả, mục tiêu ban đầu là làm tăng huyết áp và giảm các dấu hiệu, triệu chứng của huyết áp thấp.

Tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và loại huyết áp thấp, bạn có thể cải thiện huyết áp thấp bằng một số cách sau:

  • Ăn nhiều muối hơn: Vì trong muối có natri và làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng vì natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Vì vậy, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn.
  • Uống nhiều nước hơn: Uống đủ nước có lợi cho gần như tất cả mọi người, đặc biệt là người có huyết áp thấp.
  • Mang tất (vớ) đàn hồi: Các loại tất (vớ) đàn hồi thường được sử dụng để làm giảm đau và cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch, giúp giảm tụ máu ở chân.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị huyết áp thấp xảy ra khi bạn đứng lên như fludrocortisone,...
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả loại vitamin thuộc nhóm B. Hạn chế uống rượu, bia vì làm mất nước và làm giảm huyết áp.
Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim: 8 bước để ngăn ngừa bệnh tim
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện huyết áp

  • Chậm rãi khi thay đổi tư thế: Có thể giảm nhẹ triệu chứng của huyết áp thấp bằng cách cử động nhẹ nhàng khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi và đứng dậy. Chỉnh đầu giường hơi cao hơn khi ngủ cũng giúp chống lại tác động của lực hấp dẫn. Nếu bắt đầu có triệu chứng của huyết áp thấp khi đứng, hãy bắt chéo bắp đùi theo hình cái kéo và ép chặt, hoặc đặt một chân trên mỏm đá hoặc trên ghế và nghiêng người về phía trước càng nhiều càng tốt. Những bài tập này giúp máu chảy từ chân về tim tốt hơn.
  • Ăn thành các bữa nhỏ, ít năng lượng: Hãy ăn theo nhiều bữa nhỏ trong ngày và hạn chế các thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì. Bác sĩ cũng có thể sẽ khuyên bạn nên uống cà phê hoặc trà có chứa caffeine trong bữa ăn để tạm thời làm tăng huyết áp.
  • Luyện tập thể dục đều đặn: Nên luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên sẽ giảm chứng huyết áp thấp.
  • Sử dụng máy đo huyết áp: Việc sử dụng máy đo huyết áp tự động, máy đo huyết áp tại nhà nhằm kịp thời phát hiện sự thay đổi tăng giảm huyết áp và có cách phòng ngừa, điều trị hiệu quả.

Nhiều người quan niệm sai lầm rằng chỉ huyết áp cao mới nguy hiểm và coi huyết áp thấp là mục tiêu để phấn đấu đạt được. Tuy nhiên thực tế huyết áp thấp cũng nguy hiểm như huyết áp cao, thậm chí trong các ca bệnh nặng huyết áp thấp còn có thể đe dọa đến tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan