Mang thai ở phụ nữ HIV/AIDS: Những điều cần biết về xét nghiệm, điều trị

Bài viết tham vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Những người phụ nữ mang thai khi mắc phải hội chứng này sẽ phải đối mặt với sự đe dọa nguy hiểm về sức khỏe miễn dịch của mẹ và khả năng truyền virus HIV qua tử cung cho con.

1. Các con đường lây truyền HIV từ mẹ sang con

Những con đường lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm:

  • HIV truyền từ mẹ sang con qua nhau thai trong giai đoạn mang thai, ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ, chiếm khoảng 17%- 25%.
  • HIV lây truyền qua con đường máu và dịch từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, chiếm khoảng 50%- 60%.
  • HIV lây từ mẹ sang con trong lúc cho con bú, có thể từ sữa mẹ hoặc vết nứt, trầy ở núm vú là nguyên nhân, trường hợp này chiếm 15%- 25%.

2. Triệu chứng phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS

Những triệu chứng lâm sàng ở người bị nhiễm HIV/AIDS theo những giai đoạn khác nhau bao gồm:

2.1 Giai đoạn lâm sàng I

  • Không có triệu chứng
  • Hạch to toàn thân dai dẳng.

2.2 Giai đoạn lâm sàng II

  • Sút cân không rõ nguyên nhân, < 10% trọng lượng cơ thể.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp lặp lại nhiều lần.
  • Bệnh Zona
  • Loét miệng.
  • Phát ban dát sẩn, ngứa.
  • Nhiễm nấm móng.

2.3 Giai đoạn lâm sàng III

  • Sút cân nặng hơn không rõ nguyên nhân, > 10% trọng lượng cơ thể.
  • Tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân.
  • Sốt không rõ nguyên nhân, liên tục kéo dài trên 1 tháng.
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng tái diễn.
  • Lao phổi
  • Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn.
  • Viêm loét miệng hoại tử cấp.

2.4 Giai đoạn lâm sàng IV: triệu chứng nặng.

  • Hội chứng suy mòn do HIV
  • Viêm phổi do Pneumocystis jiroveci.
  • Nhiễm Candida thực quản
  • Lao ngoài phổi.
  • Sarcoma Kaposi
  • Một số bệnh lý kèm khác như: viêm cơ tim, bệnh thận...

3. Các xét nghiệm để đánh giá phụ nữ mang thai nhiễm HIV

  • Xét nghiệm máu, Hb, ALT.
  • Chụp X quang phổi, AFB đờm và những cận lâm sàng khác để hỗ trợ chẩn đoán lao phổi, lao ngoài phổi và những bệnh lý khác.
  • Xét nghiệm CD4, các xét nghiệm giúp lựa chọn phác đồ ARV như HbsAg, anti- HCV.
  • Xét nghiệm creatinin, lipid, glucose máu nếu sản phụ sử dụng TDF và các thuốc ức chế protease.

Lưu ý nếu xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính, tư vấn bà mẹ nên xét nghiệm lại trong giai đoạn cuối của thai kỳ đối với những khu vực có tỷ lệ nhiễm HIV cao.

hiv là gì
Xét nghiệm máu có thể dùng để đánh giá phụ nữ mang thai nhiễm HIV

4. Phụ nữ nhiễm HIV/AIDS có nên sinh con hay không ?

Phụ nữ bị nhiễm HIV hay kể cả những gia đình mà bố mẹ nhiễm HIV vẫn có khả năng sinh ra con hoàn toàn bình thường nếu mẹ được điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus ARV và tuân theo những hướng dẫn về việc nuôi con mà các bác sĩ tư vấn.

5. Tư vấn HIV/AIDS cho phụ nữ mang thai

  • Tư vấn về những con đường lây truyền HIV từ mẹ sang con và những biện pháp phòng tránh lây truyền HIV sang con.
  • Nêu những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai và những vấn đề về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau khi sinh để người phụ nữ mang thai có thể lựa chọn việc chấm dứt thai kỳ hoặc tiếp tục mang thai.
  • Với những phụ nữ nhiễm HIV nhưng không muốn sinh con thì phá thai là lựa chọn để ngăn chặn việc lây truyền HIV cho con. Chú ý những sang chấn tâm lý về gia đình và xã hội mà người phụ nữ này có thể gặp phải.
  • Trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn muốn sinh con thì tư vấn về những vấn đề liên quan đến nhiễm HIV như điều trị dự phòng để ngăn chặn lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời bác sĩ cũng tư vấn về những chế độ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi mang thai.
  • Tư vấn quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm HIV.
  • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm như lao và cúm.
  • Hỗ trợ về mặt tâm lý cho người phụ nữ mang thai nhiễm HIV: giải thích và động viên cổ vũ tinh thần để người phụ nữ hiểu được và chấp nhận, vượt qua những giai đoạn khó khăn. Cam kết giữ bí mật về kết quả bệnh của sản phụ.

6. Nguyên tắc và các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Chẩn đoán HIV ở trẻ em
Cần sớm áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng để tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con

Khi đã xác định người phụ nữ mang thai dương tính với HIV, cần sớm áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm:

  • Dự phòng bằng thuốc ARV
  • Dùng sữa thay thế cho con
  • Áp dụng những phương pháp chăm sóc, điều trị sau khi sinh con.

Chỉ định điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV:

Phụ thuộc vào giai đoạn trên lâm sàng và số lượng tế bào CD4 khi xét nghiệm:

  • Giai đoạn lâm sàng IV, không phụ thuộc số lượng CD4.
  • Giai đoạn lâm sàng III, CD4 < 350 tế bào/mm3.
  • Giai đoạn lâm sàng I và II, CD4 < 250 tế bào/mm3.

Nếu bệnh nhân không được làm xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi bệnh đang ở giai đoạn lâm sàng III và IV.

Lưu ý rằng đối với phụ nữ nhiễm HIV đang sử dụng thuốc ARV, nếu có thai thì vẫn tiếp tục điều trị thuốc ARV nhưng cần thông báo đến những cơ sở y tế để có thể thay thế phác đồ điều trị vì một số loại thuốc ARV có ảnh hưởng đến thai nhi.

Để tránh những hậu quả nguy hiểm không mong muốn cho những phụ nữ mang thai mắc phải HIV/AIDS, cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để những sản phụ này được tư vấn HIV cho phụ nữ mang thai một cách kịp thời, từ đó sẽ có phương pháp điều trị cũng như dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: