Thế nào là suy giảm hệ miễn dịch?

Suy giảm miễn dịch là khi cơ thể giảm hay hoàn toàn không có khả năng đề kháng với sự tấn công của các tác nhân vi trùng từ bên ngoài. Từ đó, cơ thể rất dễ nhiễm trùng với mức độ nặng nề hơn người bình thường hay thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Suy giảm hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là tập hợp của các tế bào bạch cầu, lympho trong máu, hạch, tủy xương và lá lách có cùng nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng. Vị trí phân bố của hệ miễn dịch nhiều nhất là ở các “ngõ vào” của cơ thể, nhất là đường hô hấp và tiêu hóa.

Bằng cách sinh ra kháng thể hay tự tiêu diệt bằng các men tiêu hủy, cơ chế thực bào, các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng sẽ bị khu trú và tiêu diệt, không gây ra bệnh được. Bất cứ nguyên nhân nào làm hệ miễn dịch bị tổn thương, không còn đảm bảo được chức năng này sẽ gọi là hội chứng suy giảm hệ miễn dịch.

Ở người trưởng thành, hệ miễn dịch được xây dựng và củng cố qua những lần mắc bệnh bằng nguyên tắc “ghi nhớ”. Sau khi tạo kháng thể phù hợp để tiêu diệt thành công một loại kháng nguyên, cơ thể sẽ ghi nhớ và sử dụng cho các lần sau khi tác nhân đó xâm nhập trở lại. Cơ chế này gọi là “miễn dịch chủ động”.

Ở trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch tạm thời trong những ngày tháng đầu đời được thừa hưởng bằng dòng kháng thể nhận từ sữa mẹ. Cơ chế này gọi là "miễn dịch thụ động". Kháng thể sẽ suy giảm rất nhanh sau sau tháng, khi bé bắt đầu cai sữa. Chính vì thế, sau mốc thời gian này, bé thường hay mắc nhiễm trùng và đây là “cơ hội” để xây dựng hệ miễn dịch chủ động cho riêng mình. Tuy nhiên, đối với một số chủng vi khuẩn có độc tính cao, gây bệnh nặng nề, cha mẹ cần “chủ động” phòng chống cho con bằng cách tiêm vaccine.

Vậy nên, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, tức hệ thống bảo vệ và phòng ngự không còn nữa, mất khả năng bắt giữ và chống lại, cơ thể rất dễ bị các tác nhân gây nhiễm khuẩn tấn công. Lúc này, hiện tượng nhiễm trùng thường kéo dài hay lặp đi lặp lại. Về lâu ngày, các cấu trúc giải phẫu hay chức năng sinh lý của các hệ cơ quan cũng bị ảnh hưởng, suy giảm hoạt động sống.

Suy giảm hệ miễn dịch
Các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào như virus, vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng sẽ bị hệ miễn dịch tiêu diệt, không gây ra bệnh được

2. Các nguyên nhân gì gây ra suy giảm hệ miễn dịch?

Hội chứng suy giảm miễn dịch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều cơ chế khác nhau. Nhìn chung, hội chứng này có thể được chia thành hai nhóm nguyên nhân: (1) Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh và (2) suy giảm hệ miễn dịch mắc phải.

2.1. Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh

  • Rối loạn di truyền: Những bất thường trong bộ gen được thừa hưởng từ cha hoặc mẹ có suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến đứa trẻ sinh ra dễ mắc nhiễm trùng hơn những đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ bình thường.
  • Các rối loạn trong việc sản xuất các tế bào miễn dịch như bệnh thiếu hụt tế bào B, thiếu hụt tế bào T, thiếu hụt kết hợp cả hai loại tế bào B và tế bào T, khiếm khuyết thực bào, thiếu hụt bổ thể, giảm gamma globulin trong máu... và không xác định (vô căn).

2.2. Suy giảm hệ miễn dịch mắc phải

  • Nhiễm HIV/AIDS: Không như các loại virus khác, HIV lại chọn kí sinh và gây tổn thương trực tiếp trên hệ miễn dịch của con người. Số lượng tế bào miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, cơ thể không chống đỡ được các bệnh lý nhiễm trùng tưởng chừng rất nhẹ nhàng nên dễ suy kiệt, tử vong.
  • Dùng corticoid, thuốc chống thải ghép, thuốc hóa trị ung thư: Các loại thuốc này làm ức chế khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch cũng như khả năng kích hoạt xảy ra phản ứng chống lại quá trình viêm nhiễm.
  • Mắc bệnh đái tháo đường: Tình trạng tăng đường huyết kéo dài hoặc bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát tốt là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng kéo dài.
  • Hội chứng thận hư, sau phẫu thuật cắt lách, suy dinh dưỡng, suy kiệt: Đây là các tình trạng làm suy giảm nghiêm trọng số lượng tế bào miễn dịch trong máu, với cơ chế không được tạo ra, tạo ra không đủ số lượng, không hiệu quả, không đảm bảo chức năng hoặc bị thất thoát mất ra ngoài.

3. Biểu hiện của suy giảm hệ miễn dịch như thế nào?

Suy giảm hệ miễn dịch
Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của hội chứng suy giảm hệ miễn dịch

Nhiễm trùng là biểu hiện nổi bật nhất của hội chứng suy giảm hệ miễn dịch. Bởi lẽ đây là chức năng cơ bản của hệ miễn dịch mà nay không còn giữ vững được. Đặc điểm của nhiễm trùng trên người bị suy giảm miễn dịch khác biệt so với người bình thường là tần suất cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thời gian toàn phát kéo dài hơn và mức độ luôn nặng nề hơn.

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ hệ thống cơ quan nào và đôi khi xảy ra cùng lúc trên nhiều hệ cơ quan, dễ khiến cơ thể suy sụp nhanh chóng. Các triệu chứng nhiễm trùng theo hệ cơ quan là:

  • Hệ hô hấp: sốt cao, khó thở, đau ngực, khò khè, ho khạc đờm kéo dài...
  • Hệ tim mạch: đau ngực, khó thở khi nằm đầu thấp hoặc khi gắng sức, hồi hộp, tim đập nhanh...
  • Hệ tiêu hóa: tiêu chảy, tiêu phân sống, tiêu máu, đau bụng, buồn nôn – nôn ói...
  • Hệ bài tiết: tiểu buốt, tiểu đục, tiểu mủ, đau hạ vị, đau hông lưng...
  • Hệ thần kinh: lừ đừ, chậm chạp, yếu liệt tay chân, co giật, hôn mê...
  • Da niêm: sang thương da, bóng nước, viêm loét, chảy mủ...

Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng kéo dài làm người bệnh xanh xao, thiếu máu, nổi hạch toàn thân, mệt mỏi, gầy ốm, suy kiệt, không thể tự sinh hoạt, chăm sóc được cho bản thân mình. Nếu tình trạng này không khống chế được, nhiễm trùng gây ức chế hoạt động các cơ quan và cuối cùng dẫn đến tử vong.

4. Cần làm gì khi bị suy giảm hệ miễn dịch?

Khi cơ thể bị nhiễm trùng với các đặc điểm như trên cần nghi ngờ hội chứng suy giảm miễn dịch. Lúc này, phải đưa người bệnh đến các trung tâm chăm sóc y tế chuyên sâu để được khám và điều trị kịp thời.

Không chỉ như vậy, các đối tượng có hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay có các bệnh lý dễ dẫn đến suy giảm miễn dịch mắc phải cần chủ động đi khám sớm ngay khi nghi ngờ bị nhiễm trùng.

Lúc này, việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh thích hợp, liều cao và dùng đường tiêm truyền để nhanh chóng đạt nồng độ điều trị trong máu. Đôi khi cần phối hợp hai hay nhiều nhóm kháng sinh cùng lúc, với các cơ chế khác nhau nhằm tiêu diệt bao phủ các chủng vi trùng.

Thời gian điều trị kháng sinh trên các đối tượng suy giảm miễn dịch cũng kéo dài hơn người bình thường. Chú ý theo dõi sát, đổi kháng sinh sớm khi nhận thấy không hiệu quả hay có dấu hiệu đề kháng. Quyết định ngưng khác sinh đôi khi cũng khá khó khăn vì mối e ngại bùng phát nhiễm trùng trở lại.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng được điều trị nâng đỡ như đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ năng lượng, bù nước và điện giải, vệ sinh cơ thể và nghỉ dưỡng hợp lý. Mọi hoạt động sống và chữa bệnh của các đối tượng này cần diễn ra trong môi trường sạch khuẩn, lý tưởng hơn là vô khuẩn nhằm hạn chế khả năng bội nhiễm. Thức ăn, nguồn không khí, trang phục cho bệnh nhân cũng được kiểm tra kỹ lưỡng qua nhiều bước trước khi đến tay người dùng. Chỉ khi thực hiện được như vậy mới có thể mong tiêu diệt được tận gốc vi trùng, khôi phục sức khỏe.

Tuy nhiên, việc làm cần thiết nhất vẫn luôn là phòng ngừa xảy ra nhiễm trùng. Bệnh nhân mắc suy giảm miễn dịch được yêu cầu sống trong phòng cách ly với không gian trong lành, ăn chín, uống sôi, hạn chế tiếp xúc người lạ hay môi trường bên ngoài, nơi đông người.

Suy giảm hệ miễn dịch
Việc làm cần thiết nhất là phòng ngừa xảy ra nhiễm trùng

Chế độ ăn cần đa dạng các thành phần nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như chất sắt, kẽm, vitamin A, C, D và prebiotics để khuyến khích các chủng lợi khuẩn cho đường ruột. Uống đủ nước, uống các loại nước ép hoa quả nhằm bổ sung thêm sinh tố, khoáng chất. Vệ sinh cơ thể kỹ lưỡng, rửa tay sạch sẽ, đeo khẩu trang khi hắt hơi. Trước khi phẫu thuật cắt lách, cần chú ý tiêm chủng đủ các loại vaccine cần thiết. Việc quan hệ tình dục cần an toàn, tránh lây nhiễm cho bản thân mình lẫn bạn tình.

Bên cạnh đó, trên các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, nếu điều trị nhiễm trùng không đảm bảo hoàn toàn được với “vũ khí” kháng sinh, có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng các chế phẩm sinh học như globulin miễn dịch, Interferon gamma điều trị, các loại yếu tố tăng trưởng bạch cầu...

Các chế phẩm này vốn là thành phần của hệ miễn dịch, được chiết suất từ nguồn gốc động vật và truyền vào cơ thể người bệnh nhằm mục tiêu tạm thời nâng cao sức đề kháng. Về hiệu quả lâu dài, các nhà khoa học đang từng bước nghiên cứu đến việc cấy ghép tế bào gốc và gene trị liệu với hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

142.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan