Thế nào là viêm phổi bệnh viện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm phổi bệnh viện là nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhiễm khuẩn bệnh viện. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong của viêm phổi bệnh viện rất cao, từ 20-70%.Vậy thế nào là viêm phổi bệnh viện và các đặc điểm của bệnh là gì?

1. Viêm phổi bệnh viện là gì?

Trên thực tế, viêm phổi bệnh viện là những trường hợp viêm phổi xuất hiện ở người bệnh sau khi vào bệnh viện điều trị từ 48 giờ trở lên, mà không ở trong giai đoạn ủ bệnh hoặc mắc bệnh vào thời điểm nhập viện.

Đây là một vấn đề rất khó khăn mà các khoa lâm sàng, đặc biệt là khoa hồi sức tích cực phải đương đầu vì khó chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Theo nghiên cứu, viêm phổi bệnh viện ở các nước phát triển chiếm tỷ lệ 15% trong tổng số những trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện và chiếm 27% trong số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện tại khoa hồi sức tích cực.

Trong các trường hợp viêm phổi bệnh viện, loại viêm phổi bệnh viện có liên quan đến thở máy được xác định sau khi thở máy từ 48 giờ trở lên chiếm tỷ lệ 90% làm kéo dài thời gian nằm viện và tốn kém chi phí điều trị. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng ghi nhận viêm phổi bệnh viện chiếm tỷ lệ khoảng từ 21% đến 75% trong tổng số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện; trong đó viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ đặc biệt cao ở nhóm người bệnh điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

2. Tác nhân gây viêm phổi bệnh viện

Các tác nhân này có thể khác nhau giữa các bệnh viện, địa lý do nguồn bệnh và phương pháp chẩn đoán khác nhau.

Viêm phổi bệnh viện do nhiều loại vi khuẩn gây ra, thường là vi khuẩn Gram âm hiếu khí như Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp, Klebsiella spp, Enterobacter spp, E coli, Providencia spp; vi khuẩn Gram dương như Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumonia cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Những vi khuẩn này thường đa kháng thuốc nên gây khó khăn cho việc điều trị. Tác nhân gây viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy xuất hiện sớm (dưới 4 ngày) thường do vi sinh vật ít đề kháng kháng sinh nhưng nếu xuất hiện muộn hơn thường do vi sinh vật đa kháng thuốc. Các nghiên cứu cho thấy vi khuẩn gây viêm phổi liên quan đến thở máy sớm thường do các Enterobacteriaceae spp, methicillin-susceptible Staphylococcus aureus (MRSA) và Haemophilus influenza. Viêm phổi muộn thường do Acinetobacter baumannii và MRSA. Tác nhân gây bệnh cũng khác nhau ở các khoa khác nhau.

Viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện thường do nhiều loại vi khuẩn gây nên

3. Nguồn xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh

Trên thực tế, vi sinh vật xâm nhập vào phổi từ các chất dịch tiết của hầu họng, dịch dạ dày bị trào ngược, các dụng cụ hỗ trợ hô hấp hoặc bàn tay của nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân bị ô nhiễm, đường máu.

Các dụng cụ hỗ trợ hô hấp như bình làm ẩm khí oxy, máy khí dung, máy nội soi phế quản, phế dung ký, dụng cụ gây mê... là các ổ chứa vi khuẩn. Cơ chế lây nhiễm có thể từ dụng cụ đến người bệnh, từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ một vị trí của cơ thể đến đường hô hấp dưới của cùng một người bệnh qua bàn tay hoặc qua dụng cụ.

Bóng ambu giúp thở cũng có thể là nguồn đưa vi khuẩn vào phổi người bệnh qua mỗi lần bóp bóng vì bóng rất khó rửa sạch và làm khô giữa các lần dùng. Bóng còn có khả năng bị nhiễm khuẩn qua bàn tay của nhân viên y tế. Chính vì vậy cần thực hiện việc giảm nguy cơ lây nhiễm từ các loại dụng cụ y tế sử dụng lại bằng cách rửa sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách.

Dây thở sử dụng bộ phận làm ẩm là nguồn chứa vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện ở người bệnh thở máy. Nước lắng đọng ở đường ống và tụ lại ở bộ phận bẫy nước có thể làm cho dây thở nhanh chóng bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xuất phát từ vùng miệng và hầu của bệnh nhân. Vì vậy cần dẫn lưu tốt nước trong đường ống để tránh gây viêm phổi bệnh viện do nước bị nhiễm khuẩn ở trong đường ống chảy vào phổi người bệnh.

Các máy khí dung thường dùng để phun các loại thuốc giãn phế quản, corticoid cũng là nguồn gây viêm phổi bệnh viện vì máy bị nhiễm khuẩn qua bàn tay của nhân viên y tế, bộ phận chứa thuốc bị nhiễm khuẩn do không được khử khuẩn thích hợp giữa các lần dùng.

4. Yếu tố nguy cơ của viêm phổi bệnh viện

Thế nào là viêm phổi bệnh viện?
Béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi bệnh viện

Yếu tố nguy cơ viêm phổi bệnh viện thường được phân thành những nhóm sau:

Các yếu tố thuộc về người bệnh:

  • Trẻ sơ sinh, người già trên 65 tuổi, người béo phì; người bệnh phẫu thuật bụng, ngực, đầu và cổ; người bệnh có bệnh lý nặng kèm theo như có rối loạn chức năng phổi (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bất thường lồng ngực, chức năng phổi bất thường), suy giảm miễn dịch, mất phản xạ ho nuốt;
  • Người bệnh hôn mê, khó nuốt do bệnh lý hệ thần kinh hoặc thực quản làm tăng nguy cơ viêm phổi hít;
  • Các yếu tố làm gia tăng sự xâm nhập và định cư của vi khuẩn (colonization).

Các yếu tố do can thiệp y tế:

  • Những bệnh đặt nội khí quản hoặc mở khí quản;
  • Đặt ống thông mũi dạ dày: Ống thông là nơi làm gia tăng vi sinh vật ký sinh ở vùng mũi, hầu, gây trào ngược dịch dạ dày, vi khuẩn từ dạ dày theo đường ống đến đường hô hấp trên;
  • Các điều kiện tạo thuận lợi cho quá trình trào ngược hoặc viêm phổi do hít sặc: như đặt nội khí quản, đặt ống thông dạ dày hoặc tư thế nằm ngửa;
  • Các bệnh lý cần thở máy kéo dài: Tình trạng này làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các dụng cụ bị nhiễm khuẩn, bàn tay của nhân viên y tế bị nhiễm bẩn;
  • Các yếu tố làm cản trở quá trình khạc đờm: Như các phẫu thuật vùng đầu, cổ, ngực, bụng, bất động do chấn thương hoặc bệnh, dùng thuốc an thần hay hôn mê;
  • Người bệnh được dùng thuốc kháng axit dạ dày để dự phòng xuất huyết tiêu hóa do stress có nguy cơ viêm phổi bệnh viện cao hơn người bệnh được dự phòng bằng sucralfate;
  • Nuôi ăn qua đường tiêu hóa có thể gây ra hiện tượng lây chéo vi khuẩn thông qua quá trình chuẩn bị dung dịch nuôi ăn và làm cho pH dạ dày tăng lên, ngoài ra sự trào ngược và viêm phổi hít dễ xảy ra khi dạ dày gia tăng về thể tích và áp lực.

Các yếu tố môi trường, dụng cụ:

  • Lây truyền các vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện như trực khuẩn Gram âm và tụ cầu qua bàn tay của nhân viên y tế bị nhiễm bẩn thông qua các thao tác như hút đờm, cầm vào dây máy thở, vào ống nội khí quản;
  • Lây truyền các vi sinh vật gây viêm phổi bệnh viện qua dụng cụ không được khử - tịệt khuẩn đúng quy cách;
  • Lây truyền các vi sinh vật gây viêm phổi bệnh viện qua môi trường không khí, qua bề mặt bị nhiễm.

5. Triệu chứng của viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện có những triệu chứng đặc trưng của viêm phổi cộng đồng như sốt, ho, khạc đờm nhầy mủ, khó thở, hội chứng đông đặc.

Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của viêm phổi thường bị lu mờ bởi các bệnh lý khác (như nhiễm độc, dị ứng thuốc, xẹp phổi, nhồi máu phổi, hội chứng trụy hô hấp ở người lớn, suy tim ứ trệ, viêm khí phế quản ). Ngoài ra, dịch hút vào phổi từ dạ dày... cũng gây viêm phổi nên rất khó phân biệt với viêm phổi do vi khuẩn.

6. Dự phòng viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện
Vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh

Để phòng ngừa viêm phổi bệnh viện, cần thực hiện các biện pháp phối hợp chặt chẽ với nhau để mang lại hiệu quả cao như sau:

  • Tổ chức, tập huấn và đào tạo chuyên môn, thực hiện việc kiểm tra và giám sát định kỳ hoặc khi có dịch viêm phổi bệnh viện;
  • Khử khuẩn và tiệt khuẩn các dụng cụ hỗ trợ hô hấp bao gồm: Các dụng cụ liên quan đến thở máy và hỗ trợ hô hấp, dụng cụ liên quan đến thở khí dung, dụng cụ liên quan đến máy gây mê;
  • Phòng ngừa lây nhiễm do nhân viên y tế, chăm sóc người bệnh hôn mê đúng cách để phòng ngừa viêm phổi do hít phải mầm bệnh;
  • Chăm sóc người bệnh đặt nội khí quản, mở khí quản và có thông khí nhân tạo hỗ trợ khác đúng quy định;
  • Chăm sóc tốt đường hô hấp cho người bệnh trong thời gian hậu phẫu;
  • Vệ sinh tay trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh và bất kỳ dụng cụ hô hấp nào đang sử dụng cho người bệnh;
  • Vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân bằng bàn chải ngày 2 lần hoặc bằng gạc mỗi 2-4 giờ một lần bằng dung dịch khử khuẩn;
  • Rút các ống nội khí quản, ống mở khí quản, ống nuôi ăn, đồng thời xem xét việc ngưng sử dụng máy thở cho bệnh nhân càng sớm càng tốt khi có chỉ định;
  • Cho bệnh nhân nằm đầu cao với góc 30 đến 45 độ nếu không có chống chỉ định;
  • Nên thường xuyên kiểm tra và đổ nước tồn lưu trong ống dây máy thở, bẫy nước dùng cho bệnh nhân;
  • Nên sử dụng loại dụng cụ chăm sóc hô hấp dùng một lần hoặc tiệt khuẩn hay khử khuẩn ở mức độ cao đối với các dụng cụ sử dụng lại cho người bệnh;
  • Dây thở phải để ở vị trí thấp hơn phần trên của ống nội khí quản;
  • Thường xuyên kiểm tra tình trạng ứ đọng của dạ dày trước khi cho người bệnh ăn qua ống.

Viêm phổi bệnh viện có khả năng dẫn đến tử vong cao cho người bệnh, chính vì vậy việc phòng ngừa viêm phổi bệnh viện là vấn đề cần được thực hiện nghiêm túc với trách nhiệm của nhân viên y tế, kể cả người nhà bệnh nhân khi tham gia điều trị và chăm sóc người bệnh.

Bệnh viêm phổi bệnh viện cũng như các bệnh về đường hô hấp được khám và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm tại bệnh viện Vinmec. Trong đó có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Faromen
    Công dụng của thuốc Faromen

    Faromen thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus, có chứa thành phần chính là Meropenem trihydrate. Thuốc Faromen được sử dụng nhiều cho việc điều trị các nhiễm khuẩn ở cả người ...

    Đọc thêm
  • Tiepanem 1g
    Công dụng thuốc Tiepanem 1g

    Thuốc Tiepanem 1g là thuốc gì, có phải là thuốc kháng sinh không? Với thành phần chính là Meropenem, Tiepanem 1g được chỉ định tiêm tĩnh mạch để điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn ở hệ hô hấp, ...

    Đọc thêm
  • orgabact
    Công dụng thuốc Orgabact

    Orgabact có hoạt chất chính là Levofloxacin, một kháng sinh tổng hợp của nhóm Quinolon. Orgabact được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm xoang, viêm phế quản, nhiễm trùng da và nhiễm trùng ...

    Đọc thêm
  • Alpenam 500mg
    Công dụng thuốc Alpenam 500mg

    Alpenam là thuốc gì? Thuốc Alpenam 500mg được sử dụng trong điều trị chống nhiễm trùng với thành phần chính là Meropenem. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi dùng thuốc ...

    Đọc thêm
  • amphalizol
    Công dụng thuốc Amphalizol

    Thuốc Amphalizol được biết đến với công dụng điều trị các bệnh lý như viêm phổi bệnh viện, viêm phổi cộng đồng. Trong bài viết này, người bệnh có thể tham khảo một số thông tin về công dụng, liều ...

    Đọc thêm