Bé bị đổ ghèn 1 bên mắt, cảnh giác lan sang mắt còn lại

Bé đổ ghèn mắt không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu lượng ghèn đổ nhiều khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng thì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm.

1. Ghèn mắt là gì?

Mắt đổ ghèn vào buổi sáng khi thức dậy là hiện tượng sinh lý bình thường vì mắt thường xuyên tiết ra lớp màng dịch để giữ ẩm cho đôi mắt.

Bé đổ ghèn mắt là tình trạng phổ biến và đa phần không đáng ngại. Ghèn mắt của trẻ sơ sinh phần lớn là do tắc tuyến lệ và sẽ tự khỏi khi trẻ được vài tháng tuổi. Bên cạnh đó, mắt trẻ sơ sinh bị ghèn cũng có thể là do cơ thể trẻ đang tự động làm sạch một số chất lỏng bị chảy vào mắt trong quá trình mẹ sinh bé.

Tuy nhiên, nếu nếu mắt bé đổ ghèn nhiều và xuất hiện cùng với các triệu chứng khác ở mắt như đỏ, mắt bé bị đổ ghèn và sưng hoặc đau thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một bệnh lý về mắt khác và trẻ cần được đưa đi khám bác sĩ.

2. Tại sao mắt em bé đổ ghèn nhiều?

Những nguyên nhân làm mắt em bé đổ ghèn nhiều bao gồm:

Bé đổ ghèn mắt khi bị viêm kết mạc do vi khuẩn: Đây là một bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn gây nên với các biểu hiện như mắt em bé đổ ghèn nhiều và có mủ, dẫn đến hai mí mắt dính vào nhau sau khi ngủ dậy. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.

Bé đổ ghèn mắt do bị viêm kết mạc do Virus: Biểu hiện của hiện tượng này là chảy nước mắt nhiều, phần lòng trắng của mắt có màu đỏ, ghèn nhầy, lỏng, có thể cảm thấy ngứa hoặc đau mắt, có trường hợp còn bị sốt. Viêm kết mạc do virus không gây ra mủ ở mắt và thông thường xảy ra ở cả hai mắt.

Bé đổ ghèn mắt do bị tắc tuyến lệ: Có khoảng 10% trẻ sinh ra đã bị tắc tuyến lệ, những dấu hiệu nhận biết là trẻ bị tắc tuyến lệ là nước mắt chảy liên tục và sẽ nhiều hơn khi trẻ ở nơi có nắng, gió hoặc thời tiết lạnh. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt thứ phát gây ra một số vấn đề như mủ ở mắt. Do đó, nếu mắt có nhiều triệu chứng và bị đổ ghèn thì nguyên nhân có thể là do trẻ bị tắc tuyến lệ. Hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh thường sẽ tự khỏi sau một vài tháng.

Bé đổ ghèn mắt do bị dị vật ở trong mắt: các dị vật như lông thú cưng, lông mi, cát, bụi bẩn... có thể bám vào mi mắt và không được loại bỏ kịp thời sẽ tự động phản ứng bằng việc tiết ra mủ, ghèn. Để phát hiện trẻ đổ ghèn do bị dị vật ở trong mắt cha mẹ nên quan sát mắt của con, nếu có những triệu chứng như nhiễm trùng mắt mà điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh không đỡ thì nguyên nhân có thể do có dị vật.

Bé đổ ghèn mắt do mắt bị nhiễm bẩn: Trẻ sơ sinh thường vô thức đưa tay lên mắt hoặc tay của cha mẹ không đảm bảo vệ sinh trước khi chạm vào mắt của con. Do đó, vi khuẩn và các chất bẩn bám vào tay có thể gây hại cho mắt, làm tăng nguy cơ đổ ghèn ở mắt.

Bé đổ ghèn mắt do hội chứng khô mắt: Nếu mắt đổ ghèn nhiều vào buổi sáng kèm hiện tượng nhìn không rõ thì có thể người bệnh đã bị hội chứng khô mắt.

3. Điều trị đổ ghèn mắt ở trẻ sơ sinh

Nếu ghèn mắt là do ống dẫn nước mắt bị tắc thì nó thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 4 đến 6 tháng. Cha mẹ hoặc người chăm sóc thường có thể điều trị cho trẻ sơ sinh ở nhà. Tuy nhiên, khi chăm sóc mắt cho bé, cha mẹ cần rửa tay bằng xà phòng và nước ấm để tránh nhiễm trùng.

Để loại bỏ ghèn, nhúng một miếng gạc sạch hoặc vải mềm vào một ít nước ấm sau đó nhẹ nhàng lau khóe mắt. Nếu bé bị cả hai mắt, nhớ sử dụng vùng gạc sạch để lau, nhằm tránh lây nhiễm.

Mát-xa ống tuyến lệ bằng cách ấn nhẹ đầu ngón tay trỏ vào sống mũi bên trong của trẻ sơ sinh, bên cạnh ống tuyến lệ bị tắc. Thực hiện 2 hoặc 3 lần vuốt hướng xuống bằng ngón tay dọc theo bên mũi. Động tác này nên nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Thực hiện mát-xa 2 lần một ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Nếu bên mũi của trẻ sơ sinh bị đỏ hoặc sưng, hãy dừng việc xoa ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ.

Nếu trẻ bị đổ ghèn mắt do tắc tuyến lệ thì sẽ có xu hướng tự thông trong vòng vài tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu tắc nghẽn không khỏi sau 1 tuổi, thì cần phải thực hiện thông tuyến lệ bằng đầu dò. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách chèn một đầu dò nhỏ vào ống tuyến lệ của trẻ và bác sĩ mở ống dẫn nước mắt. Sau đó, sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch ống dẫn nước mắt. Trước khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ có thể cho trẻ nhỏ thuốc nhỏ mắt gây tê hoặc gây mê nhẹ để làm giảm sự khó chịu.

Trẻ sơ sinh bị đổ ghèn hoặc chảy nước mắt nên đi khám bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt để tìm ra nguyên nhân của vấn đề này. Đặc biệt cần đưa trẻ đi khám nếu ống dẫn nước mắt vẫn bị tắc sau 6 đến 8 tháng. Trẻ sơ sinh có dấu hiệu nhiễm trùng mắt nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Dấu hiệu nhiễm trùng mắt có thể bao gồm mắt đỏ, đau hoặc sưng húp, mủ màu vàng hoặc màu xanh lá cây, sưng ở khóe trong của mắt

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan