Bé bị táo bón nên uống thuốc gì?

Táo bón là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, nguyên nhân có thể đến từ chế độ ăn uống hoặc bệnh lý. Khi con bị táo bón cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi hiện nay đã có thuốc điều trị táo bón cho trẻ. Vậy trẻ con bị táo bón uống thuốc gì?

1. Cấp độ và nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ

Cũng giống như người lớn, tình trạng táo bón của trẻ được gây ra bởi một vài nguyên nhân chính sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: trẻ không uống đủ nước hay ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ, khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém, từ đó khó tống phân ra ngoài.
  • Nhịn tiểu: Vì mải chơi nên nhiều trẻ thường nhịn tiểu, điều này nếu diễn ra thường xuyên sẽ là nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón ở con. Bởi khi trẻ nhịn đi ngoài phân sẽ tích tụ trong ruột ngày càng nhiều và trở nên cứng hơn, rất khó tống ra ngoài.
  • Trẻ ít vận động ít: trẻ ngồi nhiều, ít vận động là nguyên nhân gây nên táo bón. Nguyên nhân được xác định là do khi cơ thể ít vận động ruột sẽ ít hoạt động hơn dần dẫn tới táo bón.
  • Sử dụng thuốc: một số thuốc có thể dẫn tới táo bón, ví dụ một số thuốc ho, thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin trị dị ứng.

Trẻ được coi là táo bón nếu đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn. Trẻ đi ngoài phải rặn, đau bụng và đi ngoài được rất ít.

Hiện nay tình trạng táo bón ở trẻ được phân theo các cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: Đầu phân khô
  • Cấp độ 2: Lổn nhổn, phân nhỏ như phân dê
  • Cấp độ 3: Khuôn to, nứt kẽ
  • Cấp độ 4: Phân khô, vón cục
  • Cấp độ 5: To, cứng, dính máu

Thực tế tình trạng táo bón ở trẻ thường không quá nghiêm trọng và không phải trường hợp nào con cũng nên dùng thuốc. Trước khi sử dụng thuốc trẻ cần được thăm khám, chỉ định của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo hiệu quả trong việc trị táo bón.

2. Bé bị táo bón nên uống thuốc gì?

Nhiều cha mẹ khi con bị táo bón thường rất lo lắng và thắc mắc trẻ em bị táo bón uống thuốc gì? Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc điều trị táo bón cho trẻ như:

2.1 Thuốc trị táo bón tạo khối

Thuốc trị táo bón tạo khối có tác dụng bổ sung chất xơ, vì trong thuốc có các hợp chất thiên nhiên như: thạch, agar-agar, cám lúa mì, gôm sterculia. Thuốc khi đi vào cơ thể sẽ có tính hút nước và trương nở làm tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột, làm cho phân mềm để dễ đẩy phân ra ngoài. Vì thuốc hút nhiều nước nên trong quá trình sử dụng thuốc cha mẹ cần nhắc nhở con thường xuyên uống đủ nước. Khi uống đủ nước cần thiết thuốc mới có tác dụng điều trị táo bón.

2 .2 Thuốc trị táo bón tăng thẩm thấu

Thuốc có tác dụng giảm hấp thu nước ở thành ruột, tăng lượng nước trong lòng ruột, giúp phân mềm hơn. Một số thuốc có bản chất đường như lactulose (Duphalac), sorbitol (Sorbitol), hoặc là hợp chất cao phân tử gọi là polymer là polyethylene glycol.

2.3 Thuốc làm mềm phân

Thường dùng qua đường trực tràng tức dùng bơm vào hậu môn. Thuốc có dạng ống bơm chứa dịch glycerol (Rectiofar)) bơm vào hậu môn khá thích hợp cho trẻ.

Về cơ bản thuốc điều trị táo bón cho trẻ đều hoạt động dựa trên cơ chế giúp làm mềm phân để tống phân ra ngoài được dễ hơn. Trong quá trình dùng thuốc điều trị cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn, vì đôi khi thuốc sẽ không mang đến tác dụng ngay mà cần có thời gian. Ngoài ra, việc dùng thuốc ở trẻ cần dùng đủ lượng, đúng liều để đảm bảo sức khỏe cho con. Trường hợp nếu lạm dụng có thể gây kích ứng niêm mạc trực tràng làm niêm mạc bị tổn thương.

3. Chăm sóc trẻ bị táo bón như thế nào?

Khi đã có được câu trả lời cho câu hỏi, trẻ con bị táo bón uống thuốc gì? Cha mẹ cũng nên chú ý đến vấn đề chăm sóc trẻ khi con bị táo bón. Chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh kết hợp với việc dùng thuốc sẽ mang đến kết quả điều trị tốt hơn cho trẻ.

  • Cho bé uống nhiều nước: Nước có thể là nước lọc, sữa, trái cây tươi. Đối với trẻ từ 1-3 tuổi cần uống 500 – 600ml nước/ ngày. Hạn chế cho bé uống nước ngọt, đồ uống có ga.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả chín: Chế độ ăn nhiều chất xơ là lựa chọn cho trẻ bị táo bón. Những loại rau củ nên có trong chế độ ăn của trẻ gồm: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Trong thời điểm con bị táo bón, mẹ không nên cho con ăn nhiều đồ chiên rán, chế biến sẵn, bởi điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở lên nặng hơn.
  • Xoa bụng cho bé: Xoa bụng là cách giúp giảm táo bón khá hiệu quả. Cha mẹ nên theo chiều kim đồng hồ ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Bên cạnh đó khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn để tốt cho hệ tiêu hóa.
  • Bổ sung chất xơ Inulin, men vi sinh: Trong một vài trường hợp cha mẹ có thể bổ sung chất xơ Inulin, men vi sinh với mục đích giúp đường tiêu hóa giúp mềm phân và đào thải phân dễ dàng hơn.

Trong trường hợp đã áp dụng đầy đủ các cách trên nhưng tình trạng táo bón của con không cải thiện, lúc này cha mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được kiểm tra. Bởi đôi khi táo bón cũng là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó ở trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan