Bé không chịu bú bình, phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để trẻ no bụng, được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ngay cả khi mẹ không có nhà, thì trẻ cần phải học cách bú bình. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng hợp tác với việc bú bình, làm bố mẹ lo lắng. Vậy nếu bé không chịu bú bình thì phải làm sao để vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ?

1. Vì sao bé không bú bình

  • Bé chưa thực sự đói: Có thể bình thường trẻ có thể ti mẹ mọi lúc kể cả khi không đói, vì trẻ thích cảm giác mút mát và nằm trong lòng mẹ. Nên mẹ nhầm tưởng rằng con rất nhanh đói và cho bú bình theo thời gian bú mẹ. Trẻ thường chỉ bú bình khi trẻ cảm thấy thực sự đói, nên nếu cho trẻ bú khi không đói chúng sẽ không hợp tác.
  • Bé chưa quen: Nhiều bé chưa tập làm quen sớm với việc bú bình thì cần thời gian để trẻ biết cách bú bình và làm quen với việc ti bình.
  • Do núm ti bình quá cứng: Trẻ quen với ty mẹ sẽ thấy một số loại núm ty bình cứng hơn, khó mút sữa hơn nên trẻ không hợp tác.
  • Chưa quen sữa bột: Nhiều mẹ không quen vắt sữa cho bé bú bình mà sử dụng sữa công thức để thay sữa mẹ cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ có thể chưa quen mùi vị sữa công thức nên từ chối và không chịu ti bình.
  • Một số trẻ đến giai đoạn mọc răng thì cũng xuất hiện tình trạng chống đối với bú bình. Do trẻ ngứa lợi nên thích cắn chặt răng vào núm ty chứ không chịu mút sữa.
  • Có một số bé khó tính thì có thể không chịu ti bình do không quen người lạ cho bú bình hoặc tư thế bú bình bố mẹ chọn không phù hợp với con làm con khó chịu.

2. Bé không chịu bú bình phải làm sao?

Việc bé không chịu bú bình hoặc đột nhiên bé bỏ bú bình làm cho các bậc phụ huynh rất lo lắng vì sợ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé. Các bậc phụ huynh băn khoăn không biết bé không chịu bú bình phải làm sao để cải thiện. Một số cách để cho bé làm quen với việc bú bình có thể áp dụng như:

  • Nên cho trẻ bú bình khi trẻ thực sự đói: Nếu ép trẻ bú bình khi trẻ không đói thì việc trẻ phản đối và không hợp tác là điều rất bình thường. Hãy để trẻ thực sự cảm thấy đòi, cần nạp năng lượng khi đó cho bú bình trẻ có thể hợp tác hơn. Nếu trẻ đã ăn dặm, không nên ép trẻ ăn nhiều thức ăn quá mỗi bữa ăn, làm như vậy bé sẽ no và giảm bớt uống sữa.
  • Tạo môi trường thích hợp khi cho bé: Khi cho trẻ bú bình, nên để cho trẻ trong môi trường yên tĩnh, không tạo ra những yếu tố thu hút trẻ khiến trẻ mất tập trung.
  • Với những trẻ có thói quen ngậm ti giả hoặc đang trong giai đoạn mọc răng thì trước khi đến giờ bú bình vài phút có thể cho trẻ ngậm núm ti giả hoặc nhai trước đó, sau đó mới lấy núm ti giả và thay bằng bình sữa.
  • Nên bắt đầu cho trẻ học cách bú bình bằng sữa mẹ. Vì trẻ quen với việc sử dụng sữa mẹ, nên khi học cho bú bình nên vắt sữa mẹ vào bình và cho trẻ tập bú bình, trẻ quen với sữa mẹ rồi nên việc hợp tác sẽ dễ dàng hơn. Sau khi trẻ quen bố mẹ có thể đổi sang sữa công thức. Tuy nhiên, nếu được thì tốt nhất vẫn nên duy trì cho trẻ bú sữa mẹ bằng cách vắt sữa, vừa đảm bảo nguồn dinh dưỡng cân bằng tốt nhất vừa giảm chi phí nuôi con.
  • Thay đổi núm ti mềm hơn, có thể núm ti quá cứng làm trẻ không thích hoặc khó bú mỗi lần bú bình. Nếu vậy bố mẹ có thể đổi loại núm mềm mại hơn, phù hợp với con.
Trẻ bú bình
Thay đổi núm ti mềm hơn giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi bú bình

Trường hợp dù làm mọi cách mà trẻ vẫn không hợp tác với việc bú bình, để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, bạn nên:

  • Dùng thìa để đút sữa cho trẻ, mặc dù cách này khá tốn công sức nhưng cũng không quá khó thực hiện. Nên cho trẻ dùng thìa uống sữa để giúp trẻ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Nếu trẻ lớn hơn, có thể cầm cốc để uống thì giúp trẻ uống bằng cốc. Tuy nhiên nên chọn những loại cốc an toàn cho bé và dễ uống không sẽ gây sặc sữa.
  • Nguồn dinh dưỡng từ sữa rất quan trọng với trẻ dưới 1 tuổi, nên cố gắng áp dụng biện pháp trên để cung cấp đủ dinh dưỡng từ sữa cho bé. Nhưng nếu trẻ vẫn uống được quá ít sữa thì có thể tăng thực đơn ăn dặm lên một lượng vừa đủ với đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho bé.

3. Cách nhận biết trẻ đủ nhu cầu dinh dưỡng

Nếu trẻ không bú bình bố mẹ sẽ lo lắng liệu trẻ có ăn đủ nhu cầu mỗi ngày không, để nhận biết việc trẻ có được cung cấp đủ dinh dưỡng hay không thì cần theo dõi sự phát triển của bé và các dấu hiệu khác:

  • Bé chậm tăng cân hoặc tăng cân không đạt tiêu chuẩn theo tháng tuổi, nếu nhận thấy sau khoảng 2 tuần trẻ học bú bình nhưng không tăng đạt tiêu chuẩn tức là việc cung cấp dinh dưỡng chưa đủ.
  • Bé tiểu ít trong ngày, lượng nước đưa vào cơ thể trẻ lúc này chủ yếu dựa vào việc sử dụng sữa. Nhưng nếu trẻ bú không đủ thì lượng nước tiểu cũng giảm, nước tiểu không trong, mà có màu vàng.
Trẻ 2 tháng tuổi tăng cân chậm
Cần theo dõi cân nặng của bé để đánh giá sự phát triển khi bé không bú bình

Khi làm quen với một việc mới như bú bình, trẻ cần có thời gian để tiếp nhận và học cách bú bình. Hãy cho trẻ thời gian để tập bú bình, tuy nhiên không nên cho bé tập sớm trước 2 tháng tuổi vì sẽ làm bé nhầm lẫn giữa ti mẹ và ti bình, một số bé có thể bỏ bú mẹ. Dù cảm nhận trẻ bú ít nhưng nếu vẫn lên cân đều đặn thì chứng tỏ trẻ bú đủ không cần lo lắng.

Nếu bé không lên cân hoặc chậm lên cân dù làm mọi cách nên cho bé đi khám dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể. Bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để khám cho bé.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

323.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan