Các nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ em

Thiếu sắt ở trẻ nhỏ là tình trạng không hiếm gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu. Do không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu nên tình trạng thiếu sắt trẻ em rất khó chẩn đoán sớm. Vậy nguyên nhân thiếu ở trẻ em là gì và cần điều trị như thế nào?

1. Thiếu sắt ở trẻ nhỏ là gì?

Thiếu sắt trẻ em là tình trạng lượng sắt trong cơ thể bị thiếu hụt, dẫn đến không tổng hợp được Hemoglobin (chất vận chuyển oxy) và Myoglobin (chất dự trữ oxy). Hậu quả của thiếu sắt trẻ em là thiếu máu và qua đó giảm khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ là vấn đề phổ biến ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Trước khi có những biểu hiện của thiếu máu, tình trạng thiếu sắt trẻ em đã ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể, như giảm khả năng hoạt động thể chất và tinh thần, chức năng hệ miễn dịch suy giảm, các vết thương chậm lành, khả năng chịu lạnh của trẻ kém, thường xuyên mệt mỏi, thờ ơ hoặc kém tập trung... Thiếu sắt ở trẻ nhỏ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ số phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

2. Nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ em

Sắt là vi chất dinh dưỡng thiết yếu và đóng vai trò rất quan trọng trong hầu hết hoạt động của các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là chức năng vận chuyển oxy máu dưới dạng Hemoglobin. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Mẹ bị thiếu sắt trong giai đoạn mang thai, dẫn đến không đủ lượng sắt dự trữ nên khi những trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ không được cung cấp đủ lượng sắt theo nhu cầu cơ thể;
  • Trẻ sinh non nên lượng sắt dự trữ không đủ để cơ thể sử dụng trong giai đoạn sơ sinh;
  • Chế độ ăn thiếu các loại thực phẩm cung cấp chất sắt là nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ em hàng đầu;
  • Trẻ hấp thu sắt kém: Thiếu sắt trẻ em có thể xuất phát từ việc bé đang mắc một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thu, như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nồng độ acid dạ dày không đủ, tổn thương niêm mạc ruột non hoặc tiêu thụ những loại thực phẩm cản trở hấp thu sắt (như nước ngọt có ga, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ...). Ngoài ra, khả năng hấp thu sắt cũng sẽ bị hạn chế khi chế độ ăn ít rau xanh và trái cây tươi;
  • Trẻ bị mất chất sắt mạn tính, bao gồm nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa (giun móc, giun tóc...) hoặc polyp đại tràng. Đối với bé gái giai đoạn dậy thì, lượng sắt mất đi còn cao hơn do chu kỳ hành kinh hàng tháng.

3. Biểu hiện thiếu sắt ở trẻ nhỏ

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ thường diễn tiến từ từ nên đa số phụ huynh không phát hiện cho đến khi những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Dưới đây là những biểu hiện của tình trạng thiếu sắt trẻ em:

  • Da nhợt nhạt, xanh xao;
  • Thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, khả năng học hành kém;
  • Bàn tay, bàn chân khi sờ vào có cảm giác lạnh;
  • Bé hay cáu gắt, quấy khóc;
  • Chậm tăng trưởng thể chất, bao gồm chậm tăng cân và chậm phát triển chiều cao;
  • Khả năng ăn uống kém hoặc kém hấp thu chất dinh dưỡng;
  • Bé hay bị đau đầu, hoa mắt và chóng mặt;
  • Thiếu máu thiếu sắt trẻ em khiến nhịp tim nhanh, thở khó, thở nhanh và dễ ngất xỉu;
  • Tần suất mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa tăng lên do hệ miễn dịch suy giảm chức năng. Một số trường hợp đặc biệt hiếm gặp, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ sẽ phát triển thành bệnh Pica với biểu hiện trẻ thèm uống nước đá hoặc ăn những loại không phải thức ăn như vụn sơn, bụi bẩn...

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ thường diễn ra từ từ, khó nhận biết sớm nên khi phát hiện đa phần đã ở mức nghiêm trọng với những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Mệt mỏi thường xuyên, chậm tiếp thu kiến thức dẫn đến thành tích học tập kém;
  • Tăng nguy cơ gặp các vấn đề bất thường về tim mạch hoặc dễ thiếu hụt oxy trong máu;
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh do hệ miễn dịch bị suy giảm.

4. Chẩn đoán thiếu sắt trẻ em như thế nào?

Thiếu sắt trẻ em dẫn đến thiếu máu mạn tính rất hay gặp nhưng đa số không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Do đó để chẩn đoán sớm thiếu sắt thì phụ huynh cần cho con xét nghiệm máu định kỳ và nếu có thì bé sẽ được điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, bố mẹ có con dưới 12 tuổi nên tầm soát thiếu máu thiếu sắt cho con bằng các xét nghiệm huyết sắc tố. Việc này cực kỳ quan trọng vì giúp trẻ tránh được những biến chứng nguy hiểm do thiếu máu và xác định sớm các yếu tố nguy cơ gây thiếu sắt để phòng tránh hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nồng độ huyết sắc tố (hemoglobin) không đồng nghĩa là trẻ thiếu sắt. Nếu nồng độ Hemoglobin thấp, trẻ cần được làm thêm các xét nghiệm liên quan đến nguyên tố sắt, bao gồm sắt huyết thanh, Ferritin và Transferrin.

5. Điều trị thiếu sắt ở trẻ nhỏ

Khi phát hiện các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ nhỏ, bố mẹ nên đưa con đến ngay các trung tâm/bệnh viện Dinh dưỡng uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và điều trị đúng phác đồ kịp thời. Lưu ý, bố mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc bổ sung sắt cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung để khắc phục chứng thiếu sắt trẻ em:

  • Sắt hấp thu tối đa khi uống lúc bụng đói. Vì vậy, bố mẹ nên cho con uống thuốc bổ sung sắt trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ. Trong đó nên kết hợp thêm thuốc bổ sung vitamin C hoặc thực phẩm giàu vitamin C để sắt được hấp thu hiệu quả hơn;
  • Trường hợp bị kích ứng dạ dày do uống thuốc bổ sung sắt khi bụng đói (triệu chứng bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn ói...), bố mẹ có thể cho con uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn, hoặc khởi đầu bằng liều thấp và tăng dần liều;
  • Một số thức ăn có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt như sữa, trà, cà phê, nước ngọt có ga... Vì vậy, bố mẹ cần tránh cho trẻ thiếu sắt dùng những thực phẩm này từ 1-2 giờ sau khi uống viên bổ sung sắt.

6. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thiếu sắt

Những thực phẩm giàu sắt mà bố mẹ nên tăng cường thêm vào chế độ để khắc phục tình trạng thiếu sắt ở trẻ nhỏ:

  • Gan động vật như gà, lợn, bò... đều chứa hàm lượng sắt cao;
  • Trai, sò, hàu là một trong số các loại hải sản thân mềm giàu chất sắt;
  • Thịt bò và thịt gà được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú;
  • Rau màu xanh đậm như rau muống, cải bó xôi, bồ ngót...

Những thực phẩm cần tránh khi trẻ bị thiếu sắt:

  • Thực phẩm giàu canxi: Thiếu máu thiếu sắt trẻ em được khuyến cáo không nên ăn những thực phẩm giàu canxi, như sữa và các sản phẩm từ sữa (pho mát, sữa chua), các loại hạt và chuối. Vì canxi cản trở sự hấp thu do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu sắt ở trẻ nhỏ;
  • Thực phẩm có chứa Tanin: Tanin cản trở sự hấp thụ chất sắt, có nhiều trong nho, ngô và cao lương (lúa miến);
  • Thức ăn chứa Gluten: Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt cần hạn chế Gluten, vì chất này có thể làm nặng thêm tình trạng thiếu sắt, đồng thời gây tổn hại thành ruột và cản trở sự hấp thu sắt lẫn Acid folic. Gluten được tìm thấy nhiều trong mì ống, các sản phẩm từ lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch;
  • Thực phẩm giàu Phytate: Chất này liên kết với sắt trong ống tiêu hóa, qua đó ngăn cản quá trình hấp thụ của chất sắt. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt nên tránh dùng thực phẩm có chứa Phytate hoặc Acid phytic như đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.

7. Dự phòng thiếu sắt trẻ em

Phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ nhỏ ngay từ đầu có thể giúp bé tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo đó, bố mẹ nên áp dụng những biện pháp dự phòng sau đây:

  • Trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh bú mẹ hoàn toàn sẽ được cung cấp đủ lượng sắt nhu cầu trong ít nhất 4 tháng sau sinh, vì vậy không cần phải bổ sung thêm sắt. Tuy nhiên, sữa mẹ trong giai đoạn này cực kỳ quan trọng nên bé cần được bú đủ theo nhu cầu để hạn chế việc thiếu sắt;
  • Trẻ sinh non cần được bổ sung thêm 2mg/kg nguyên tố sắt mỗi ngày (tối đa 15mg/ngày), bắt đầu từ 2 tuần tuổi cho đến 12 tháng tuổi. Lượng sắt này được cung cấp đủ trong sữa công thức, trường hợp bú mẹ hoàn toàn có thể phải bổ sung thêm sắt dưới dạng thuốc lỏng hoặc siro cho đến khi bé ăn dặm;,
  • Trẻ 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm cần bổ sung thêm sắt và kẽm từ thực phẩm. Thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm sẫm màu, cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, rau lá xanh đậm, các loại đậu, trái cây, nho khô và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, để tăng khả năng hấp thu sắt bố mẹ nên cho trẻ ăn tiêu thụ loại thực phẩm giàu vitamin C, như cà chua, bông cải xanh, nước cam, dâu tây...
  • Lưu ý không nên cho trẻ uống quá nhiều sữa bò (quá 600ml/ngày) để bổ sung sắt, vì đây không phải là nguồn cung cấp sắt cho cơ thể. Kèm theo đó sữa bò có thể ức chế sự hấp thu sắt từ các thức ăn khác;
  • Với những trẻ chưa thể ăn thức ăn đặc, bố mẹ có thể bổ sung sắt cho bé dưới dạng thuốc lỏng với liều 1-2mg/kg/ngày.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên có thể giúp mẹ hiểu được những nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ em để có cách bổ sung hợp lý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, mẹ hãy liên hệ đến bác sĩ Vinmec để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

174 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan