Các vấn đề sức khỏe bé thường gặp trong 1-2 năm đầu đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Một đến hai năm đầu đời là quãng thời gian trẻ dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe nhất, chẳng hạn như sốt, suy dinh dưỡng hoặc ốm vặt. Để giúp trẻ phòng ngừa và khắc phục sớm những tình trạng trên, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ lưỡng về sự phát triển cũng như các vấn đề mà con thường mắc phải ở độ tuổi này.

1. Sự phát triển của trẻ trong 1-2 năm đầu đời

Đây là giai đoạn trẻ đã bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên trên đôi chân của mình. Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này thường vô cùng hiếu động và luôn muốn khám phá tất cả mọi thứ xung quanh chúng.

Trong 1-2 năm đầu đời, trẻ dường như học hỏi và trải nghiệm thế giới bằng cách kết nối với những người xung quanh. Khi đó, trẻ sẽ phát triển được một số kỹ năng nhất định, bao gồm:

  • Xây dựng sự tự tin, động lực để học hỏi và giải quyết vấn đề
  • Tăng khả năng kiểm soát cảm xúc bốc đồng và hung hăng, chẳng hạn như cắn hoặc đánh
  • Kết bạn với những đứa trẻ khác cùng trang lứa

Đây có thể là một khoảng thời gian tương đối khó khăn đối với cha mẹ nếu không hiểu được những hành vi của con mình. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ có nhu cầu học cách tự làm mọi thứ rất nhiều, chẳng hạn như:

  • Không ngừng khám phá và tìm ra cách mà mọi thứ vận động
  • Tập trung nhiều hơn vào bản thân vì trẻ đã nhận ra mình là một cá thể riêng biệt
  • Học cách tìm hiểu về bản thân nhiều hơn
  • Biết được những gì thuộc quyền sở hữu của mình trước khi chia sẻ cho người khác

Nếu trẻ có những biểu hiện trên, đây chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đang phát triển rất tốt. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần giữ kiên nhẫn và mang lại cảm xúc tích cực đối với những điều mà con làm.

Bên cạnh đó, các mốc phát triển quan trọng khác của trẻ mới biết đi, bao gồm thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức cũng ngày một nâng cao và hoàn thiện hơn. Các tế bào não tiếp tục gắn kết mạnh mẽ với nhau, giúp kết nối nhanh chóng tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ.

Trẻ 41 tuần tuổi
Trẻ trong 1-2 năm đầu đời rất hiếu động và có nhu cầu học cách tự làm mọi thứ

2. Các vấn đề về sức khỏe thường gặp ở trẻ 1-2 tuổi

2.1.Trẻ bị sốt

Sốt là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bị sốt, thân nhiệt của bé thường cao hơn khoảng 1 độ so với nhiệt độ bình thường của cơ thể, chẳng hạn như 38 độ C khi đo nhiệt độ ở nách và 38,5 độ C khi đo ở miệng hoặc hậu môn.

Đối với trẻ nhỏ, sốt có thể là biểu hiện của sự nhiễm trùng hoặc một số căn bệnh nguy hiểm khác. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu bị sốt cao, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân và tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, tình trạng sốt ở trẻ sơ sinh thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Sốt do nhiễm trùng: đây là phản ứng tự vệ tự nhiên của hệ miễn dịch khi có vi rút hoặc vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể.
  • Sốt do mọc răng: nhiều trẻ có thể bị sốt khi bắt đầu mọc răng, tuy nhiên nếu trẻ sốt kéo dài quá 2 ngày thì đây có thể là biểu hiện của một tình trạng bệnh khác cần lưu ý.
  • Sốt do tiêm chủng: một số trẻ có dấu hiệu bị sốt nhẹ sau khi đi tiêm chủng vắc-xin.
  • Sốt do bệnh tật: một số căn bệnh nguy hiểm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt ở trẻ 1 tuổi, chẳng hạn như sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm màng não hoặc sốt rét.

Dấu hiệu sốt ở trẻ không chỉ thể hiện qua nhiệt kế mà còn từ chính những triệu chứng lâm sàng ở trẻ, bao gồm:

  • Trẻ quấy khóc không ngừng, hoặc nổi cáu
  • Ngủ li bì
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Thở gấp

Khi đã biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt ở trẻ không liên quan tới các bệnh lý cần đến bệnh viện điều trị và trẻ chỉ bị sốt nhẹ, bạn có thể điều trị hạ sốt cho trẻ tại nhà thông qua những cách sau (nếu trẻ sốt cao hoặc sốt kèm theo dấu hiệu bất thường khác hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày thì trẻ cần đến bệnh viện khám và điều trị):

*Bổ sung đầy đủ nước cho trẻ: khi bị sốt, trẻ dễ mắc phải tình trạng mất nước nhanh chóng. Do đó, mẹ nên cho con uống nhiều nước để bù vào lượng nước bị mất đi. Bạn có thể cho trẻ bú sữa, hoặc các loại nước ép trái cây nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ sơ sinh uống nước
Nên bổ sung đầy đủ nước khi trẻ bị sốt để tăng cường sức đề kháng

*Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt: bạn chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ theo đúng liều lượng đã được chỉ định. Nếu cho trẻ uống quá liều lượng cho phép có thể dẫn đến những phản ứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

*Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: khi bị sốt, trẻ thường chán ăn, hoặc bú kém. Lúc này, bạn cần cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như súp hoặc cháo, kết hợp với các loại trái cây, rau củ để tăng cường vitamin và khoáng chất thiết yếu.

Trẻ cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện các dấu hiệu bất thường khác hoặc nếu sốt không hạ thì trẻ cần đi khám kịp thời.

2.2. Trẻ từ 1-2 tuổi hay ốm vặt

Thông thường, trẻ sẽ nhận được hệ miễn dịch thụ động từ người mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ. Đặc biệt, sữa mẹ là nguồn thức ăn vô cùng thiết yếu đối với hệ thống miễn dịch của trẻ trong những năm tháng đầu đời.

Cơ thể của trẻ chỉ phát triển toàn diện hệ miễn dịch chủ động khi trẻ được 3 tuổi trở lên. Trong khi đó, khoảng thời gian 2 tuổi ở trẻ cũng là lúc hệ miễn dịch thụ động yếu đi hoặc biến mất, mặt khác hệ miễn dịch chủ động lại chưa được hoàn thiện, từ đó tạo ra khoảng trống miễn dịch. Chính vì thế, trong giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ có thể dễ bị ốm vặt và tần suất tái phát khá cao khiến cho trẻ bị còi cọc và nhẹ cân.

Khi trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc còi xương sẽ làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, dẫn đến ốm vặt thường xuyên hơn. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài mà không có biện pháp khắc phục, trẻ sẽ có nguy cơ lâm vào các tình trạng như thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, chán ăn, còi xương, chậm phát triển trí não, chậm lớn, và dễ mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa hay hô hấp.

Để ngăn ngừa và khắc phục được tình trạng ốm vặt ở trẻ 2 tuổi, các chuyên gia y tế đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích dành cho các mẹ, nhất là những người lần đầu nuôi con nhỏ:

*Tiếp tục cho con bú sữa mẹ: sữa mẹ là nguồn thức ăn cung cấp rất nhiều các chất dinh dưỡng thiết yếu cũng như kháng thể quan trọng, giúp trẻ nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.

*Chăm sóc giấc ngủ của trẻ: bạn nên cho trẻ ngủ đủ giấc, đồng thời vệ sinh sạch sẽ cho trẻ thường xuyên để hạn chế nguy cơ xâm nhập vào cơ thể của các loại vi khuẩn có hại gây ra bệnh.

Trẻ ngủ trưa
Nên cho trẻ ngủ đủ giấc để ngăn ngừa tính trạng ốm vặt ở trẻ 2 tuổi

*Tích cực cho trẻ hoạt động thể chất: bạn nên cho con tham gia vào các hoạt động thể chất ngoài trời thường xuyên. Điều này không chỉ giúp con tăng cường sức đề kháng để cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn hấp thụ được nguồn vitamin D thiết yếu cho hệ xương khớp.

*Chủng ngừa vắc-xin: trẻ từ 1-2 tuổi nên được tiêm chủng vắc-xin để phòng ngừa các bệnh sau: bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liêt, viêm gan B, các bệnh do Hib, các bệnh do phế cầu, não mô cầu, bệnh lao, sởi quai bị rubella, thủy đậu, cúm. Việc chủ động chủng ngừa vắc-xin sẽ giảm đáng kể được nguy cơ gây tử vong do bệnh tật ở trẻ nhỏ.

*Chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng: bữa ăn của trẻ cần đảm bảo luôn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng quan trọng, như chất béo, tinh bột, chất đạm và khoáng chất. Mẹ cũng nên rèn cho con thói quen ăn nhiều rau xanh, hoa quả và tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến, đồ ngọt hoặc nước có ga.

Để giúp trẻ phòng ngừa và khắc phục sớm những vấn đề sức khoẻ mà bé thường gặp trong 1-2 năm đầu đời, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ lưỡng về sự phát triển cũng như các vấn đề mà con thường mắc phải, bạn nên cho bé khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói khám sức khỏe tổng quát cho trẻ em. Bé yêu của bạn sẽ được khám toàn diện, từ mắt, răng miệng, huyết áp, cân nặng đến làm các xét nghiệm cần thiết, kết hợp với chẩn đoán bằng hình ảnh. Gói khám giúp bạn kiểm tra tổng thể sức khỏe cho bé, sàng lọc triệu chứng để sớm phát hiện và điều trị nếu cần. Bé sẽ được sử dụng các dịch vụ khám toàn diện, đánh giá các chức năng cơ bản gan thận, đường máu, tình trạng dinh dưỡngviêm gan virus B.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý trẻ 1- 2 tuổi hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: healthyparentshealthychildren.ca

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

383 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan