Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Do sức đề kháng còn kém và chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên trẻ sơ sinh thường dễ mắc bệnh. Một số căn bệnh nhẹ có thể xử trí tại nhà nhưng các bậc cha mẹ phải biết được nguyên nhân, những dấu hiệu cảnh báo để có thể xử trí, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ cần nắm được.

1. Thói quen đại tiện

Trong những ngày đầu tiên sau sinh, phân của trẻ sơ sinh có nhiều thay đổi liên quan đến màu sắc và tính chất. Vì thế, cần theo dõi phân của trẻ mỗi ngày thông qua những đặc điểm sau:

  • Màu sắc: Trẻ mới sinh thường có phân màu đen hoặc xanh đen, dẻo và dính, gọi là phân su. Sau khi thải phân su trong 24 giờ đầu sau sinh, phân của trẻ dần chuyển sang màu vàng xanh. Những trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ có phân màu vàng tươi như mù hạt kèm theo những hạt nhỏ.
  • Độ đặc: trước khi bắt đầu ăn thức ăn đặc, phân của trẻ sơ sinh sẽ ở dạng lỏng hoặc sệt. Trẻ sơ sinh được bú sữa công thức thường có phân màng vàng hoặc nâu và đặc hơn so với những trẻ bú mẹ. Khi phân trở nên khô và khó đi, cha mẹ cần bổ sung thêm dịch cho trẻ vì đây là dấu hiệu gợi ý mất nước.
  • Tần suất: trẻ dễ bị táo bón nếu được cho ăn quá nhiều ngũ cốc hoặc uống nhiều sữa bò trước khi hệ tiêu hóa của chúng có thể xử lý được tốt. FDA g khuyến cáo không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống sữa bò.

Bởi vì phân bình thường của trẻ sơ sinh thường lỏng hoặc hơi sệt nên việc phát hiện tình trạng tiêu chảy ở trẻ không hề dễ dàng. Dấu hiệu chính là sự tăng đột ngột số lượng phân và đi phân nước.

Trẻ 20 ngày bị tiêu chảy
Trẻ sơ sinh rất dễ bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa

Tiêu chảy có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa, đồng thời là một trong các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ đang được bú mẹ, tiêu chảy có thể xuất hiện khi mẹ thay đổi chế độ ăn. Vấn đề đáng lo ngại khi trẻ bị tiêu chảy xảy ra là khả năng xuất hiện biến chứng mất nước. Nếu có sốt ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Ở những trẻ trên 2 tháng và sốt kéo dài hơn một ngày, bố mẹ cần kiểm tra lượng nước tiểu và nhiệt độ hậu môn cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cần chắc chắn cho trẻ ăn thường xuyên.

Khoảng từ 3 đến 6 tuần tuổi, một số trẻ bú sữa mẹ chỉ đại tiện một lần một tuần. Đây là dấu hiệu bình thường bởi vì sữa mẹ có rất ít chất thải và để lại ít cặn bã trong đường ruột. Những trẻ được nuôi bằng sữa công thức nên đại tiện ít nhất 1 lần 1 ngày. Bởi trẻ uống sữa công thức có khả năng bị táo bón cao hơn nên cần theo dõi kỹ tần suất đại tiện và tính chất phân.

2. Chăm sóc rốn

Dây rốn có nhiệm vụ vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ đến thai nhi trong suốt thai kỳ. Sau sinh, dây rốn sẽ được cắt bỏ, phần còn lại của dây rốn sẽ khô dần và rụng xuống trong khoảng 10 ngày để tạo nên lỗ rốn ở bụng.

Theo đó, các bậc cha mẹ cần tuân theo lời khuyên của các nhân viên y tế về cách chăm sóc rốn đúng cách ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Giữ rốn khô và sạch.
  • Khi mặc tã, cần gấp mép trên xuống, không che kín rốn.
  • Làm sạch phần dây rốn còn lại nhẹ nhàng bằng khăn ướt hoặc vải cotton có thấm cồn.

Bố mẹ cần liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa Nhi ngay nếu phát hiện chân dây rốn sưng nề, đỏ ửng và chảy mủ.

3. Đau bụng do co thắt

Nhiều trẻ sơ sinh quấy khóc vào buổi tối nhưng nếu trẻ quấy khóc cả ngày và khó dỗ, thì rất có thể trẻ đang mắc một vấn đề về bệnh lý nào đó. Theo AAP, 1/50 trẻ sơ sinh bị đau bụng do co thắt từ 2 đến 4 tuần tuổi. Khi đó, trẻ có thể khóc hoặc hét, co duỗi tay chân và ợ hơi. Bụng của trẻ có thể phình ra.

trẻ bị đau bụng
Trẻ quấy khó nhiều có thể là dấu hiệu của đau bụng

Các cơn đau bụng do co thắt có thể cải thiện hoặc biến mất khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có sự giải thích rõ ràng tại sao trẻ lại gặp phải tình trạng này. Đôi khi, ở những trẻ bú mẹ, đau bụng do co thắt là dấu hiệu phản ứng với những thay đổi trong chế độ ăn của mẹ. Rất hiếm khi đau bụng do co thắt có liên quan đến các protein có trong sữa công thức. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một dấu hiệu của các bệnh lý ở trẻ sơ sinh như thoát vị. Nếu nghi ngờ trẻ bị đau bụng co thắt, bố mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Việc thay đổi chế độ ăn của mẹ hoặc lựa chọn loại sữa công thức khác có thể có hiệu quả.

4. Hăm tã

Những ban đỏ xuất hiện quanh khu vực mặc tã thường khá phổ biến. Dấu hiệu này có thể xuất hiện do sự kích ứng da khi tiếp xúc lâu với phân và nước tiểu. Tình trạng này có thể nặng dần hơn nếu trẻ bị tiêu chảy. Hăm tã thường có thể được phòng ngừa bằng việc thay tã thường xuyên cho trẻ.

Một số các biện pháp được khuyến cáo thực hiện ở những trẻ bị hăm tã bao gồm:

  • Rửa sạch da với nước ấm, sử dụng xà phòng sau mỗi lần đại tiện. Bởi vì khăn ướt có thể để lại một lớp vi khuẩn trên da nên chúng thường không được khuyến cáo sử dụng.
  • Giữ cho vùng da bị hăm được khô ráo càng nhiều càng tốt bằng cách dán tã lỏng lẻo ở quanh hông hoặc tháo bỏ tã hoàn toàn khi trẻ ngủ những giấc ngủ ngắn.
  • Đặt trẻ sơ sinh nằm trên khăn để hấp thu nước tiểu.

Khi biểu hiện hăm tã xuất hiện kéo dài trên 3 ngày hoặc trẻ có những triệu chứng nặng nề hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp.

5. Nôn trớ

Trớ thức ăn là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường không phải là một dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm. Sau khi cho trẻ ăn, mẹ nên giữ trẻ ngồi yên ở tư thế thẳng lưng trong một lúc và cần có khăn tay để lau sạch nếu trẻ nôn trớ. Nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng sau đây thì mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế:

  • Không tăng cân đều đặn
  • Trớ thức ăn ra khỏi miệng nhiều, mạnh và liên tục
Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ
Nôn trớ kèm không tăng cân là triệu chứng nguy hiểm ở trẻ.
  • Thức ăn trớ ra ngoài có màu vàng xanh, máu hoặc màu nâu đen như bã cà phê
  • Có máu trong phân
  • Xuất hiện một số dấu hiệu bất thường khác như sốt, tiêu chảy, hoặc khó thở.

Một số phụ huynh lo lắng rằng trẻ nôn trớ và sẽ bị sặc nếu đang ở trong tư thế nằm ngửa nhưng điều này không đúng. Những trẻ sơ sinh khỏe mạnh sẽ có phản xạ bảo vệ đường thở bằng cách nuốt hoặc ho chất tiết từ dịch tiêu hóa như người lớn. Trẻ sơ sinh sẽ được làm sạch chất tiết dễ dàng hơn nếu đang nằm ngửa.

6. Mọc răng ở trẻ sơ sinh

Răng sữa đầu tiên thường xuất hiện khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Trong suốt những năm đầu tiên, 20 chiếc răng sữa sẽ lần lượt mọc và trẻ sẽ có đủ răng khi lên 3 tuổi.

Bốn chiếc răng cửa phía trước thường xuất hiện đầu tiên khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi, mặc dù một số trẻ không mọc răng cho đến 12 hoặc 14 tháng tuổi. Khi mọc răng, trẻ sơ sinh thường quấy khóc, khó ngủ, không chịu ăn và chảy nước dãi nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ sơ sinh có sốt hoặc tiêu chảy trong suốt quá trình mọc răng thì bố mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế.

Trẻ mọc răng sữa
Mọc răng có thể gây sốt và không chịu ăn ở trẻ

FDA không khuyến cáo sử dụng các thuốc làm tê bì vùng nướu có chứa thành phần benzocaine vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào liên quan đến sức khỏe răng miệng của trẻ sơ sinh.

7. Vàng da

Vàng da ở trẻ sơ sinh được định nghĩa khi da, mắt và niêm mạc dưới lưỡi có màu vàng bất thường. Sự tích tụ nhiều bilirubin, một chất thải được sản xuất ra trong cơ thể từ quá trình phân hủy tế bào hồng cầu.

Thông thường, gan là cơ quan chịu trách nhiệm thải độc giúp loại bỏ bilirubin khỏi cơ thể. Nhưng với nhiều trẻ sơ sinh, vào những ngày đầu tiên sau sinh, gan chưa làm việc hiệu quả. Vì thế, nồng độ bilirubin trong máu tăng cao và vàng da xuất hiện.

Mặc dù, đây là một tình trạng sinh lý ở trẻ sơ sinh nhưng nồng độ bilirubin quá cao có thể gây tổn thương não. Vì thế, tất cả những trẻ sơ sinh xuất hiện vàng da đều cần được theo dõi kỹ càng. Nếu là vàng da sinh lý thì có thể trẻ sẽ không cần điều trị. Gan của trẻ sẽ dần ổn định và nhanh chóng thải trừ bilirubin vào những ngày sau đó. Ngược lại, trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp chiếu đèn để phá hủy cấu trúc bilirubin bên trong cơ thể.

Nếu trẻ sơ sinh xuất hiện vàng da, bố mẹ nên liên hệ với bác sĩ để biết được các dấu hiệu nguy hiểm và lúc nào cần đưa trẻ nhập viện. Không thể kết luận được mức độ nặng của một tình trạng vàng da nếu chỉ nhìn vào màu sắc da. Vì thế, cần liên hệ với bác sĩ để kiểm tra mức độ vàng da bằng một số xét nghiệm máu cơ bản.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các chấn thương bụng kín
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán tình trạng vàng da ở trẻ

Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ gặp phải các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Vì thế, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.

Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ dễ mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Nguồn tham khảo: healthychildren.org, nichd.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan