Cách điều trị viêm thanh quản ở trẻ em

Viêm thanh quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là vào giai đoạn chuyển mùa. Nguyên tắc chung trong điều trị viêm thanh quản ở trẻ là giữ thông thoáng đường thở, tùy theo nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh mà sẽ có hướng chăm sóc phù hợp. Dưới đây là các cách chữa viêm thanh quản cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Viêm thanh quản ở trẻ em là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng sưng viêm ở niêm mạc thanh quản. Bệnh có thể tiến triển dạng cấp tính (dưới 3 tuần) hay mạn tính (kéo dài trên 3 tuần). Những tác nhân phổ biến gây ra viêm thanh quản là virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, tác nhân vi khuẩn như phế cầu, Hemophilus influenzae, liên cầu khuẩn nhóm A... Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra bệnh như mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên trước đó (viêm họng, viêm amidan,...), hoạt động dây thanh âm gắng sức (nói quá nhiều, nói to, la hét), khói thuốc lá, phản ứng dị ứng, trào ngược dạ dày.

Đa số các trường hợp viêm thanh quản là do nhiễm virus tạm thời và không nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng khàn tiếng kéo dài đôi khi được xem là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Quá trình viêm mạn tính kéo dài cũng có thể dẫn đến quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. Do đó, khi trẻ có triệu chứng viêm thanh quản kéo dài, ba mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị phù hợp.

2. Triệu chứng viêm thanh quản

Triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị viêm thanh quản là giọng nói sẽ trở nên trầm, khàn hoặc thậm chí là mất giọng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể một số triệu chứng khác như sau:

  • Trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,5 – 38 độ C
  • Ho khan, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Đau họng
  • Ngứa rát cổ
  • Nghẹt mũi
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ họng

3. Viêm thanh quản ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ thường diễn biến trong vòng 5 – 7 ngày rồi tự khỏi nếu không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên bệnh cũng có thể diễn biến khá nguy hiểm. Nguyên nhân là ở trẻ có hiện tượng phù nề dữ dội, trong khi kích thước đường thở lại nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với người lớn, các tổ chức liên kết ở vùng này lại khá lỏng lẻo nên dễ gây khó thở nặng và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Đôi khi quá trình viêm thanh quản cấp sẽ tạo nên những ổ áp xe rồi vỡ, loét do bội nhiễm làm mủ tràn xuống khí – phế quản dẫn đến viêm khí – phế quản. Do sức đề kháng yếu vì viêm nhiễm, trẻ cũng có thể bị bội nhiễm dẫn đến đồng mắc những bệnh nhiễm khuẩn khác như viêm tai giữa, viêm phổi... Vì thế, cha mẹ cần phải theo dõi sát diễn tiến bệnh của trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu của biến chứng như đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở, khò khè,...

4. Cách điều trị viêm thanh quản ở trẻ

Trong trường hợp nhẹ (không có tiếng thở rít thì hít vào lúc nghỉ ngơi), có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách bổ sung dịch, dùng thuốc hạ sốt và corticosteroid liều duy nhất. Đối với các trường hợp trung bình đến nặng (có tiếng thở rít khi hít vào ngay cả lúc nghỉ ngơi), cần đưa trẻ đến bệnh viện để được nhân viên y tế theo dõi và điều trị phù hợp. Trường hợp này bác sĩ có thể chỉ định phối hợp corticosteroid và adrenalin đường khí dung để làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về cách bù dịch và dùng thuốc điều trị viêm thanh quản ở trẻ em:

Thuốc hạ sốt

Khi thân nhiệt của trẻ khoảng 38,5°C, ba mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách sử dụng thuốc Paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách 4 – 6h. Lưu ý không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Điều này không những không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ nên cởi bỏ bớt quần áo hoặc cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để giúp tỏa bớt thân nhiệt. Đồng thời, lau người cho trẻ bằng khăn ấm. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào các vị trí như trán, nách và bẹn của trẻ.

Bù dịch

Khi sốt, trẻ sẽ bị mất nhiều nước qua mồ hôi và hơi thở. Do đó, ba mẹ cần lưu ý bù dịch cho trẻ một cách phù hợp. Nên cho trẻ uống nhiều nước, có thể uống thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên tăng cữ bú và lượng bú.

Glucocorticoid

Glucocorticoid là loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh viêm thanh quản ở trẻ em. Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm phù nề, giúp thông thoáng đường dẫn khí. Bác sĩ có thể chỉ định Dexamethasone đường tiêm hay uống tùy vào thể trạng của trẻ, cả 2 đường này đều có hiệu quả tương đương nhau. Sau khi dùng liều duy nhất dexamethasone, triệu chứng thường sẽ cải thiện trong vòng 1 – 3 giờ và kéo dài tác dụng đến 24 – 48 giờ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc corticosteroid dạng hít (ICS) chẳng hạn như Budesonide dạng khí. Đây là loại ICS thường được dùng trong viêm thanh quản cấp do có tác dụng kháng viêm tốt, cho hiệu quả nhanh.

Dùng adrenalin

Trường hợp nặng hoặc dọa suy hô hấp, việc phun đồng thời budesonide và adrenalin sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Adrenalin có công dụng gây co tiểu động mạch niêm mạc đường hô hấp trên, thay đổi áp suất thủy tĩnh mao mạch, từ đó giảm phù nề, giảm triệu chứng khó thở. Thuốc thường cho hiệu quả nhanh trong vòng 10 phút sau khi sử dụng và tác dụng kéo dài hơn 1- 2 giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và cho hiệu quả thoáng qua. Có thể lặp lại sau 30 phút - 1 giờ nhưng không nên lặp lại quá 3 lần do adrenalin có thể gây ra tăng nhịp tim và một số tác dụng bất lợi khác.

Kháng sinh

Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp dẫn tới viêm thanh phế quản. Do đó, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm thanh quản không được khuyến cáo thường quy, trừ trường hợp nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định có cần dùng kháng sinh hay không, phải dùng loại kháng sinh nào để phù hợp với tình trạng của trẻ. Ba mẹ không nên lạm dụng thuốc kháng sinh vì có thể dẫn tới tình trạng đề kháng kháng sinh và nhiều tác dụng bất lợi khác.

5. Chăm sóc trẻ viêm thanh quản như thế nào?

  • Khi mắc viêm thanh quản cấp, trẻ cần được nghỉ ngơi, giữ ấm người, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, gan bàn chân, bàn tay.
  • Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi.
  • Nói càng ít càng tốt: Cha mẹ cố gắng giữ cho trẻ thoải mái đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bởi khi trẻ mệt, khó chịu và quấy khóc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm lỏng
  • Làm ẩm không khí trong nhà bằng các thiết bị làm ẩm không khí, chẳng hạn như máy phun sương tạo ẩm cũng giúp cải thiện tình trạng khô đường hô hấp trên.
  • Tránh khói bụi, khói thuốc lá
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng
  • Không nên để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp để tránh bội nhiễm
  • Bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng cường sức đề kháng
  • Theo dõi nhiệt độ, tình trạng trẻ, các dấu hiệu nặng như khò khè, khó thở, bỏ ăn, li bì hoặc kích thích.

Trên đây là cách điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như li bì, khó thở, vật vã, kích thích, ba mẹ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan