Cách giúp trẻ biết kết bạn

Chơi với bạn bè là một cách để trẻ học các quy tắc xã hội, chẳng hạn như dạy trẻ về sự sẻ chia và nhường nhịn, tính kiên cường, sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề. Nếu con bạn có vẻ nhút nhát và ít bạn bè, có một số cách giúp trẻ kết bạn.

1. Tổ chức các buổi vui chơi

Các buổi sinh hoạt thiếu nhi giúp cho một đứa trẻ nhút nhát khởi đầu cuộc sống xã hội. Chuyên gia về phát triển trẻ em cho biết: Nếu có trải nghiệm tích cực, con bạn nhiều khả năng sẽ muốn tham gia lại.

Để giúp trẻ kết bạn vui vẻ tại nhà, bạn có thể áp dụng một vài nguyên tắc như sau:

  • Bắt đầu với một nhóm nhỏ

Ban đầu, bạn chỉ cần mời 1 - 2 người bạn nhỏ đến nhà của mình, tốt nhất là những đứa trẻ mà con bạn đã biết và tầm tuổi con. Một đứa trẻ lớn hơn cũng có thể tham gia để làm quản trò và sáng tạo ra nhiều trò chơi thú vị cho bọn nhỏ.

  • Thời gian chơi ngắn

Chơi đùa từ 1 - 2 giờ là quá nhiều đối với trẻ em ở độ tuổi này. Nếu chơi lâu hơn bé sẽ bị kích thích quá mức, dẫn đến khó ngủ ngon vào ban đêm hoặc các rối loạn sinh hoạt khác.

  • Lên kế hoạch trước

Chuẩn bị một số trò chơi và hoạt động mà con bạn thích để giúp trẻ kết bạn thoải mái hơn, cũng như cảm thấy hài lòng về bản thân. Để có khởi đầu tốt đẹp, bạn nên đảm bảo sẵn sàng nhiều đồ chơi, nhờ đó bọn trẻ không cần phải tranh giành nhau.

  • Cùng tham gia

Đừng chỉ để bọn trẻ chơi một mình, đứng ngoài cuộc và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến. Sự hướng dẫn của bạn sẽ giúp bọn trẻ cảm thấy thoải mái hơn với nhau, đặc biệt nếu chúng chỉ mới làm quen.

  • Chuẩn bị sẵn cho tình huống xấu

Bạn cần nghĩ đến mọi trường hợp chẳng may nếu bọn trẻ xung đột, mất tập trung và ngừng chơi hoặc thay đổi hoạt động khác. Giám sát khi các bé tô vẽ, tạc tượng, chơi trò trốn tìm hoặc vui đùa trong bể bơi. Tuy nhiên, cố gắng không lấn át hoặc kiểm soát bọn trẻ quá chặt. Hãy để chúng tự do sáng tạo, vui chơi trong an toàn, thoải mái.

  • Tuân theo lịch trình quen thuộc

Hãy cố gắng đưa con đến các buổi sinh hoạt thiếu nhi, hoặc tổ chức tại nhà với những người bạn cũ theo lịch trình hàng tuần. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, hãy thay đổi địa điểm ở công viên, sân chơi hoặc ở nhà của một bạn khác. Nếu buổi họp mặt diễn ra thực sự suôn sẻ và con bạn có vẻ tự lập, hãy thử để con đến nhà bạn hoặc đi sinh hoạt một mình mà không có bố mẹ giám sát. Trước tiên là trong một thời gian ngắn và sau đó dài hơn.

  • Làm bạn với trẻ

Bố mẹ thường xuyên làm bạn với trẻ để kích thích sự tương tác, đồng thời tìm hiểu thái độ khi chơi của con. Bạn có thể hiểu được khi nào con gặp khó khăn và điều gì dễ dàng. Ví dụ, nếu các câu đố và trò chơi đòi hỏi sự tập trung làm con bạn nản lòng, đừng để bé phải tham gia trò này quá nhiều.

Vui chơi với trẻ
Bố mẹ làm bạn với trẻ để kích thích sự tương tác và tìm hiểu thái độ khi chơi của con

2. Nhận nuôi một con vật cưng

Một số trẻ nhỏ chưa sẵn sàng chơi với các bạn cùng lứa tuổi. Nếu con chỉ bám vào bố mẹ không chịu rời, hãy cân nhắc nhận nuôi một thú cưng để làm bạn với trẻ. Khi chơi với thú cưng, trẻ cần có sự tương tác xã hội và thường không gây nguy hiểm, giúp trẻ cảm thấy an toàn và cởi mở cảm xúc của mình.

Một con vật cưng cũng chính là chủ đề cho trẻ bắt chuyện với những bạn khác. Con có thể đưa chú chuột hamster của mình đến nhà trẻ để cho các bạn xem, hoặc tiếp cận và so sánh chú chó của mình với vật cưng của một bạn khác ở công viên.

Tuy nhiên, trước khi mang về một con vật cưng, bạn nên cân nhắc xem trẻ có thể giúp đỡ bạn chăm sóc thú nuôi ở mức độ nào.

3. Làm tấm gương cho trẻ

Thực tế, kết bạn cũng giống như một kỹ năng cần học. Sẽ có những đứa trẻ chưa thành thạo và cần tận mắt nhìn thấy cách thực hiện như thế nào. Cách đơn giản để cho con thấy rằng kết bạn rất thú vị là cùng xem video hoặc đọc sách về thiếu nhi về tình bạn.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên có những người bạn của riêng mình. Trẻ nhỏ rất chú ý đến những gì người lớn làm và bắt chước, vì vậy hãy làm gương cho con bạn bằng cách tụ họp cùng bạn bè, đặc biệt là đi chơi cùng với một người bạn cũng đã có con.

Hãy để con thấy bạn thân thiện và hướng ngoại khi nói chuyện qua điện thoại, hoặc khi trò chuyện với hàng xóm, những người ở cửa hàng tạp hóa. Khi có cơ hội, hãy thân thiện và tương tác với những đứa trẻ cỡ tuổi con bạn, bé sẽ nhận thấy rằng những đứa trẻ khác đều vui vẻ đáp lại với nỗ lực làm quen.

Vật nuôi
Nếu con chỉ bám vào bố mẹ không chịu rời, hãy cân nhắc nhận nuôi một thú cưng để làm bạn với trẻ

4. Cho con thực hành thử

Bạn có thể nâng cao sự tự tin bằng cách cho con tiếp xúc với những môi trường mới, nơi con sẽ phải học cách hòa nhập dần dần. Nếu thường xuyên cùng con đến cửa hàng tạp hóa, hãy khuyến khích con giúp bạn lúc thanh toán, sau đó là tự lựa chọn và trả tiền cho món ăn của mình. Hoặc bạn có thể chỉ ngồi một chỗ ở sân chơi và để con dần tìm đến chỗ những bạn khác đang chơi.

Ở nhà, hãy thử sử dụng các con rối để diễn kịch bạn bè. Con rối của bố mẹ có thể hỏi những câu làm quen như: "Bạn Gấu ơi, bạn đang lấy gì trên cây vậy? Tôi có thể giúp gì không?".

Bạn cũng có thể tự mình nhập vai, diễn lại một tình huống khiến đã con cảm thấy ngại ngùng, chẳng hạn như cùng một đứa trẻ khác chơi xích đu ở công viên. Bạn sẽ đóng vai đứa trẻ xa lạ và để con thực hành cách làm quen, hòa nhập với bạn mới.

chơi thể thao với con l
Bạn có thể nâng cao sự tự tin bằng cách cho con tiếp xúc với những môi trường mới

5. Giữ kỳ vọng sát với thực tế

Trẻ 3 tuổi sẽ tương tác nhiều hơn với các bạn khác, nhưng các bé nhỏ hơn chỉ chủ yếu chơi với bạn ngồi cạnh, hoặc bắt chước nhau chứ không chơi trực tiếp.

Nếu con bạn chưa sẵn sàng để kết thêm nhiều bạn thì những ý tốt giúp trẻ kết bạn của bố mẹ sẽ phản tác dụng. Trẻ có thể cảm thấy không an toàn khi ở bên những bạn khác, và áp lực từ bố mẹ có thể khiến con bất an. Con có thể sợ làm bạn thất vọng hoặc không thích phải tranh giành, cãi nhau khi có bạn bè.

Bố mẹ không nên thúc ép và can thiệp quá nhiều vào chuyện kết bạn của con, mà chỉ cần tạo tiền đề. Bản chất con bạn có thể nhút nhát hoặc thận trọng, đây không nhất thiết là một điều xấu. Thay vì cố gắng thay đổi tính cách của con, bạn có thể giúp con thoải mái hơn khi tiếp cận với những người bạn mới. Điều quan trọng là giúp trẻ kết bạn từng bước nhỏ và nhẹ nhàng, chỉ khuyến khích mà không quá thúc ép con.

Trong hầu hết các trường hợp, sự nhút nhát hoặc khó kết bạn khi còn bé là bình thường. Nhưng nếu đã 3 tuổi mà con bạn hiếm khi giao tiếp bằng mắt, thu mình bất thường, không muốn chơi với những đứa trẻ khác, có vẻ sợ đến trường mầm non hoặc sân chơi, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra vấn đề thực sự là gì để có hướng xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan