Cách nào giúp trẻ ăn không ngậm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ ăn hay ngậm là tình trạng vô cùng phổ biến, khiến không ít cha mẹ đau đầu. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và sự phát triển, trẻ ăn hay ngậm còn rất dễ bị sâu răng. Vậy cách giúp trẻ ăn không ngậm là gì?

1. Nguyên nhân khiến trẻ ăn hay ngậm là gì?

Trước khi giải quyết vấn đề trẻ ăn hay ngậm phải làm sao, cha mẹ nên tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

  • Trẻ ăn hay ngậm có thể là dấu hiệu bệnh lý gây ra các triệu chứng khó chịu, khiến bé khó nuốt hoặc đau khi nuốt (như những bệnh lý đường tiêu hóa), đây là nguyên nhân khiến trẻ hấp thụ dinh dưỡng hạn chế, gây mệt mỏi, dẫn đến tình trạng trẻ ăn hay ngậm.
  • Thức ăn chế biến không phù hợp với độ tuổi, sở thích, hàm răng... của trẻ là nguyên nhân làm trẻ giảm hứng thú với việc ăn uống, lười nuốt và ngậm thức ăn trong miệng.
  • Khi chế biến, thức ăn của trẻ được xay nhuyễn quá kỹ nên hình thành thói quen lười nhai. Nhai là hành động kích thích bài tiết men tiêu hóa nên khi bé không nhai, lượng men này bài tiết không đủ khiến trẻ chán ăn, hay ngậm.
  • Cha mẹ không biết sở thích ăn uống của trẻ, đặc biệt là một số món ăn trẻ không thích. Vì vậy dù cha mẹ chế biến rất ngon nhưng trẻ vẫn không hứng thú và luôn ngậm thức ăn trong miệng.
Trẻ ăn hay ngậm phải làm sao
Trẻ ăn hay ngậm phải làm sao là thắc mắc của nhiều cha mẹ đang nuôi con nhỏ

2. Cách giúp trẻ ăn không ngậm?

2.1. Tránh xa thiết bị điện tử khi ăn

Trẻ ăn hay ngậm phải làm sao? Đôi khi vấn đề này sẽ được giải quyết một cách đơn giản bằng việc loại bỏ thói quen vừa cho bé ăn, vừa cho bé xem tivi hay sử dụng ipad, điện thoại. Thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa và tạo ra thói quen ăn uống tiêu cực cho trẻ.

Việc tập trung vào chương trình tivi (như phim hoạt hình, chương trình quảng cáo) sẽ làm trẻ xao nhãng, quên mất việc ăn uống, không cảm thấy ngon miệng cho dù bữa ăn có hấp dẫn đến đâu. Từ đó hình thành thói quen trẻ ăn hay ngậm, về lâu dài còn ảnh hưởng đến dạ dày vốn rất non nớt của trẻ.

2.2. Bỏ đói trẻ

Để trẻ đói có thể là một cách giúp trẻ ăn không ngậm. Cách này có vẻ không khoa học, nhưng nhiều cha mẹ đã áp dụng và mang lại hiệu quả khả quan. Biện pháp này được đúc kết từ kinh nghiệm thành công của nhiều bậc cha mẹ có con trẻ ăn hay ngậm quá lâu.

Để áp dụng cách này, mẹ hãy thu dọn bữa ăn ngay đi khi trẻ ngậm thức ăn. Đến bữa ăn sau, cảm giác đói sẽ kích thích bé hào hứng và ăn rất nhanh. Tuy nhiên, cách giúp trẻ ăn không ngậm này thường chỉ hiệu quả ở bữa ăn sau khi trẻ bị bỏ đói. Do đó, để áp dụng hiệu quả nhất, các mẹ nên điều chỉnh lịch trình ăn uống của trẻ để các bữa không quá gần nhau.

2.3. Chế độ ăn phù hợp lứa tuổi

Mỗi lứa tuổi của trẻ chỉ phù hợp với một số dạng thức ăn khác nhau. Những trẻ mới tập ăn dặm sẽ thích hợp với các món ăn như cháo hoặc thực phẩm được xay nhuyễn. Với những bé 2-3 tuổi, những loại thực phẩm rắn, đặc hơn sẽ phù hợp hơn. Do đó, nếu trẻ lớn mà cha mẹ vẫn cho ăn bột xay nhuyễn hoặc cháo hầm, rau hầm kỹ sẽ vô tình khiến trẻ lười nhai, lâu dần dẫn đến thói quen trẻ ăn hay ngậm.

2.4. Chế biến món ăn đẹp mắt

Món ăn dù ngon nhưng bày trí thiếu hấp dẫn hoặc không thay đổi gây nhàm chán là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ăn hay ngậm, buổi ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xong. Tương tự người lớn, trẻ bị hấp dẫn bởi những món ăn nhiều màu sắc, trang trí đẹp mắt. Do đó, để giải quyết vấn đề trẻ ăn hay ngậm phải làm sao, cha mẹ có thể chế biến món ăn cho bé đặc sắc hơn, sắp xếp món ăn thành những hình dáng đáng yêu. Việc này vừa thu hút sự chú ý của bé vừa khiến trẻ cảm thấy hào hứng với món ăn hơn.

Cách giúp trẻ ăn không ngậm lâu
Bày trí đồ ăn đúng cách giúp trẻ ăn không ngậm hiệu quả

2.5. Không kéo dài thời gian bữa ăn

Trẻ ăn hay ngậm là yếu tố kéo dài thời gian bữa ăn, đôi khi lên tới 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ. Tình trạng này tuyệt đối không được tiếp diễn, kéo dài. Cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn trong khoảng thời gian tối đa 30 phút. Đây là thời gian vừa đủ để trẻ ăn no, vừa giúp trẻ không chán ghét việc ăn uống và từ đó hạn chế tình trạng trẻ ăn hay ngậm.

Trường hợp trong thời gian 30 phút mà trẻ vẫn ăn không hết, cha mẹ có thể dừng bữa ăn (dù thức ăn còn nhiều). Khi áp dụng cách này lâu ngày, trẻ sẽ có thói quen ăn nhanh để no và qua đó khắc phục tối đa tình trạng trẻ ăn hay ngậm.

3. Những việc cần chuẩn bị để khắc phục tình trạng trẻ ăn hay ngậm?

Những yếu tố quan trọng tối thiểu mà cha mẹ cần chuẩn bị để áp dụng các cách giúp trẻ ăn không ngậm chính là tinh thần và thời gian. Thay đổi thói quen ngậm thức ăn, biếng ăn của trẻ không phải là vấn đề dễ dàng hay một vài ngày là có thể thành công. Giai đoạn đầu nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể khiến nhiều cha mẹ cảm thấy căng thẳng, stress, trầm cảm. Do đó, trước khi áp dụng cách giúp trẻ ăn không ngậm cha mẹ cần chuẩn bị những vấn đề sau:

  • Tinh thần: Cha mẹ sẽ đối mặt với việc con mình ăn ít hơn so với ngày thường nếu áp dụng cách cho trẻ ăn trong khoảng thời gian dưới 30 phút. Ăn ít sẽ kéo theo trẻ chậm tăng cân, thậm chí cân nặng dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, cha mẹ đôi khi cần chuẩn bị tinh thần kiên định nếu vấp phải sự phản đối của những thành viên khác trong gia định như ông bà của bé.
  • Thời gian: Để thay đổi thói quen trẻ ăn hay ngậm, cha mẹ sẽ cần rất nhiều thời gian. Lý do vì trẻ ngậm sẽ làm giảm lượng thức ăn nạp vào, do đó mẹ phải chia nhỏ các bữa ăn và dẫn đến mất rất nhiều thời gian cho trẻ. Ngoài ra, để tăng hiệu quả của các cách giúp trẻ ăn không ngậm, cha mẹ nên quan sát và áp dụng càng sớm càng tốt ngay khi nhận thấy con có dấu hiệu ngậm thức ăn.

Bên cạnh chuẩn bị tinh thần và thời gian cho trẻ, cha mẹ cũng cần tìm hiểu và theo sát mỗi bữa ăn của bé để tìm ra nguyên nhân kịp thời vì sao trẻ lười ăn, trẻ ăn hay ngậm. Từ đó tìm cách khắc phục nguyên nhân và giải quyết vấn đề một cách tối ưu nhất.

Chăm sóc con trẻ là một quá trình rất vất vả và tốn nhiều thời gian, tâm huyết cũng như sự kiên nhẫn. Con cái là niềm hạnh phúc của cha mẹ nên hãy tìm các biện pháp chăm sóc con mạnh khỏe, đúng cách và giúp trẻ phát triển thật toàn diện.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

768 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan