Cách thúc đẩy trẻ tự kỷ giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày

Bài viết của Chuyên viên Giáo dục đặc biệt Phan Thị Phượng- Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Trẻ tự kỷ giao tiếp theo nhiều hình thức và cấp độ khác nhau: Nói chuyện, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, sử dụng cử chỉ điệu bộ để thể hiện mong muốn. Khi hiểu hình thức giao tiếp của con, bố mẹ sẽ tìm được các phương pháp phù hợp giúp con.

Trong bài viết này, nhóm Giáo dục đặc biệt sẽ đưa ra một vài gợi ý về các chiến lược để giúp cha mẹ có thể sử dụng để thúc đẩy trẻ tự kỷ giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày.

1. Ngoài tầm với

Nếu con bạn thực sự thích món đồ chơi nào đó, hãy đặt chúng ở vị trí xa tầm với của trẻ sao cho để lấy được nó – trẻ phải giao tiếp với bạn. Con có thể chỉ tay, có thể sử dụng hình ảnh hoặc lời nói để thể hiện điều mình muốn thay vì được bố mẹ đáp ứng ngay lập tức.

2. Để trong hộp trong suốt

Hãy để đồ vật mà con bạn thực sự đang rất thích vào hộp/lọ có nắp đậy chặt để trẻ buộc phải tương tác với bạn và yêu cầu sự giúp đỡ để trẻ có thể có được những gì mình muốn.

3. Sử dụng đồ chơi mang tính thúc đẩy, có kết thúc nhất định và khó chơi một mình

Hãy tưởng tượng, con bạn đang rất say mê với một trò chơi thú vị như thổi bong bóng, con quay phát sáng, hộp âm nhạc vui nhộn...bỗng dưng tất cả bị dừng lại và trẻ không thể tự mình chơi được các trò chơi này. Đây chính là cơ hội để trẻ phải vận động để giao tiếp yêu cầu sự hỗ trợ của bố mẹ. Việc của bạn sau khi tạm dừng trò chơi là chờ đợi trẻ yêu cầu giúp đỡ hoặc giao tiếp (bằng bất kỳ hình thức nào) thể hiện rằng trẻ cần bạn giúp đỡ để tiếp tục trò chơi.

4. Có tất cả nhưng lại thiếu một vài thứ

Trong tất cả các hoạt động bạn làm với con mỗi ngày, bạn có thể cho con mọi thứ mà chúng muốn nhưng hãy giữ lại một thứ gì đó (thiếu nó thì bộ đồ chơi/món ăn/hoạt động không trọn vẹn) để con bạn phải yêu cầu thứ còn thiếu từ bạn.

5. Chiến lược “Từng chút một”

Có một chút khác biệt so với chiến lược ở trên, thay vì đưa cho trẻ toàn bộ đồ chơi, hãy đưa cho trẻ từng chút một và đợi trẻ yêu cầu thêm. Lặp đi lặp lại việc này nhiều lần bạn sẽ có nhiều cơ hội để giao tiếp với trẻ.

Ví dụ: Con thích đồ chơi ghép hình. Thay vì bạn đưa tất cả các mảnh ghép cho trẻ, hãy đưa từng mảnh một và chờ đợi chúng yêu cầu thêm. Bạn cần chắc chắn rằng trẻ có sử dụng hình thức giao tiếp phù hợp khi yêu cầu thêm mảnh ghép (nhìn, chỉ tay, nói bằng lời).

6. Làm điều bất ngờ

Trong các hoạt động bạn làm cùng con hãy thử tạo ra các tình huống bất ngờ, có thể trông hơi ngớ ngẩn, sau đó bình luận về các tình huống đó. Bé sẽ để mắt đến và ghi nhớ những tình huống hài hước kia. Ví dụ: Khi tắm cùng con, bạn có thể lấy bọt xà phòng để lên mũi hoặc hai bên má và reo lên: "ố ồ"...

7. Tận dụng cơ hội khi một việc xảy ra

Khi có một sự việc bất ngờ xảy ra, ví dụ như con bị ngã, bị chảy máu, bạn có thể hỏi trẻ xem trẻ thích sử dụng loại băng y tế nào?

8. Yêu cầu con sự lựa chọn

Thay vì bạn cung cấp cho con chỉ duy nhất thứ mà trẻ muốn hãy cho con lựa chọn giữa 2-3 loại khác nhau. Ví dụ: "Con muốn uống sữa hay nước cam? Con muốn ăn chuối hay dâu tây?". Tùy thuộc vào khả năng giao tiếp của con bạn nhưng hãy chắc chắn rằng trẻ nhìn thấy và ở gần các lựa chọn mà bố mẹ đưa ra.

Mỗi đứa trẻ sẽ có một mức độ giao tiếp khác nhau. Hãy cho trẻ thời gian và cơ hội để giao tiếp với bạn; khen ngợi mọi nỗ lực dù là nhỏ nhất khi trẻ muốn giao tiếp với bạn. Từ đó, thúc đẩy trẻ tự kỷ giao tiếp không còn là vấn đề quá khó đối với bản thân con và gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

934 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan