Cẩn trọng khi ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Nhiều cha mẹ thường sử dụng que bông gòn để ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh khi thấy trẻ có gỉ mũi, vì lo lắng gỉ mũi làm ảnh hưởng đến đường thở của trẻ. Tuy nhiên, cần cẩn trọng khi ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng lưu ý làm thế nào để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh đúng cách.

1. Những sai lầm thường gặp khi ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh

Một vài sai lầm phổ biến mà cha mẹ thường gặp phải khi vệ sinh mũi cho con gồm:

  • Sử dụng que bông gòn để ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh: Đây là cách phổ biến mà nhiều cha mẹ thường áp dụng để lấy gỉ mũi hoặc chất nhầy trong mũi của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý là lỗ mũi của trẻ sơ sinh rất hẹp. Để đẩy chất nhầy trong mũi ra bên ngoài, trẻ sẽ có phản xạ hắt hơi. Việc dùng que bông gòn đưa vào trong khoang mũi của trẻ có thể ảnh hưởng đến lớp niêm mạc mũi và mạch máu bên dưới.
  • Dùng chung một que bông gòn để ngoáy, vệ sinh hai bên mũi: Thói quen này có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo virus, vi khuẩn từ mũi này sang mũi kia và làm tăng nhiễm khuẩn.
  • Không rửa tay, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh: Nếu không vệ sinh, sát khuẩn tay trước khi vệ sinh mũi cho trẻ, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn vào mũi trẻ.
  • Rửa mũi cho trẻ sơ sinh quá nhiều lần: Thường xuyên rửa mũi cho trẻ sơ sinh hoặc rửa quá nhiều lần không phải là cách tốt nhất để phòng ngừa trẻ bị nhiễm khuẩn hay viêm mũi, bởi việc này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc mũi và thậm chí có thể khiến trẻ bị viêm mũi nặng hơn. Rửa mũi thường xuyên còn làm mất đi lớp chất nhầy bảo vệ mũi trước bụi bẩn và duy trì độ ẩm trong trong mũi, làm khô mũi từ đó dễ dẫn đến viêm mũi.
rửa mũi cho trẻ sơ sinh
Rửa mũi cho trẻ sơ sinh quá nhiều lần cũng tăng nguy cơ bị chảy máu mũi

2. Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh như thế nào là đúng?

Một vài bước vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần lưu ý gồm:

  • Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi do thời tiết lạnh hoặc nằm điều hòa, cha mẹ có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng cách đặt bé nằm sao cho phần đầu và vai cao hơn thân mình khoảng 30 độ, để trẻ nằm nghiêng sang một bên sau đó nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ. Nước muối sẽ chảy ra cùng dịch nhầy trong mũi, cha mẹ dùng miếng bông gòn sạch để lau mũi cho trẻ.
  • Có thể kết hợp vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh khi tắm bằng cách sử dụng miếng bông gòn thấm với nước muối sinh lý để lau xung quanh mũi một cách nhẹ nhàng, giúp làm sạch chất nhầy ở mũi của trẻ.
  • Sử dụng các miếng bông đã thấm với nước muối sinh lý để vệ sinh riêng biệt từng bên mũi, không sử dụng chung một miếng bông cho cả hai bên mũi.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay trước khi vệ sinh mũi cho trẻ.
  • Chỉ nên vệ sinh, rửa mũi cho trẻ sơ sinh khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, bằng cách nhỏ từ 1 - 2 giọt nước muối sinh lý cho từng bên mũi, sau đó đưa bông gòn đã quấn thành hình sâu kèn vào để thấm dịch trong mũi.
  • Khi trẻ có nhiều gỉ mũi, có thể dùng nước muối sinh lý dạng xịt hoặc dạng nhỏ để xịt hoặc nhỏ vào mũi trẻ. Sau đó, dùng tay đã rửa sạch day dọc sống mũi của trẻ để gỉ mũi trôi ra ngoài theo nước muối sinh lý. Không nên dùng que bông gòn để lấy gỉ mũi của trẻ.
  • Để trẻ không bị nghẹt mũi, khô mũi, tránh bật điều hòa quá lạnh, vì hơi lạnh từ điều hòa có thể đi vào mũi của trẻ. Cha mẹ cần chú ý bật điều hòa cho trẻ ở nhiệt độ sao cho nhiệt độ phòng đo được là 26 - 28 độ.
  • Khi ngoáy mũi cho trẻ sơ sinh cha mẹ cần cẩn trọng để không làm tổn thương lớp niêm mạc trong mũi của trẻ.

Trên đây được coi là những bước quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý khi thực hiện vệ sinh mũi cho trẻ nhỏ. Việc vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách sẽ mang đến hiệu quả tốt và hạn chế làm ảnh hưởng đến mũi của con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

78.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan