Cảnh giác trẻ bú mẹ bị thiếu máu do thiếu sắt

Trẻ bú mẹ bị thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng không hiếm gặp? Làm thế nào để phát hiện trẻ gặp vấn đề này? Nên bổ sung sắt cho trẻ như thế nào phù hợp?

1. Bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ là gì?

Thiếu máu là khi các tế bào hồng cầu không mang đủ oxy đến cung cấp cho các mô của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, như bệnh thiếu máu do di truyền (thiếu máu hồng cầu hình liềm) và thiếu máu do thiếu sắt (nguyên nhân phổ biến hơn).

Cơ thể luôn cần sắt để tạo ra hemoglobin - 1 loại sắc tố mang oxy trong máu. Nếu trẻ sơ sinh bị thiếu máu do thiếu sắt thì cơ thể trẻ sẽ sản xuất ít tế bào hồng cầu hơn. Bên cạnh đó, các tế bào hồng cầu cũng nhỏ hơn so với bình thường, làm giảm khả năng vận chuyển oxy. Kết quả là các mô trong cơ thể nhận được ít oxy hơn so với nhu cầu.

2. Dấu hiệu trẻ bú mẹ bị thiếu máu thiếu sắt

Những dấu hiệu điển hình nhất của tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ đang bú mẹ chính là da xanh xao, cơ thể luôn mệt mỏi. Các biểu hiện khác gồm nhịp tim nhanh, chán ăn, khó chịu, móng tay giòn, móng tay nhợt nhạt, lưỡi bị sưng hoặc đau,... Tuy nhiên, cũng có một số trẻ bú mẹ thiếu sắt nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào cả.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, trẻ sơ sinh bị thiếu máu thiếu sắt có thể gặp các vấn đề về thể chất và thần kinh. Trong khi tình trạng thiếu sắt có thể dễ dàng bổ sung chất sắt thì sự suy nhược về thể chất và tinh thần lại rất khó để phục hồi. Đặc biệt, thiếu sắt có thể làm cho trẻ em dễ bị ngộ độc chì và dễ bị nhiễm trùng hơn.

3. Nhóm trẻ bú mẹ nào có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt

Tất cả trẻ sơ sinh đều có thể mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt là nếu có những yếu tố nguy cơ như:

  • Trẻ sinh non, nhẹ cân từ 2 tháng tuổi trở lên: với những trẻ sinh đủ tháng đã được tích lũy đủ chất sắt trong những tháng cuối ở tử cung của người mẹ thì lượng tích lũy này sẽ đủ cho cơ thể trẻ sử dụng trong 4 - 6 tháng. Trong khi đó, lượng sắt mà trẻ sinh non tích trữ chỉ khoảng 2 tháng. Như vậy, ngoài 2 tháng tuổi, trẻ dễ bị thiếu máu thiếu sắt;
  • Trẻ uống sữa bò trước khi được 1 tuổi: Sữa bò có rất ít chất sắt, có thể gây trở ngại cho việc hấp thu sắt của cơ thể. Nếu cho trẻ uống quá nhiều sữa bò thì sẽ khiến bé bị no, không muốn ăn thêm những thực phẩm giàu chất sắt khác. Bên cạnh đó, sữa còn có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của bé, gây chảy máu. Chính hiện tượng chảy máu đường ruột âm thầm cũng góp phần gây ra tình trạng trẻ bú mẹ bị thiếu máu thiếu sắt;
  • Trẻ bú mẹ sau 4 tháng tuổi không được ăn thực phẩm tăng cường chất sắt: Khi trẻ bắt đầu tập ăn đồ ăn đặc, cơ thể bé cần được bổ sung chất sắt từ các loại ngũ cốc và thực phẩm giàu chất sắt khác. Nếu không cung cấp đủ, bé dễ bị thiếu sắt.

4. Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, khi được 12 tháng tuổi, trẻ nên được kiểm tra xem có mắc bệnh thiếu máu không. Với những trẻ sinh non thì nên đi khám bác sĩ sớm hơn. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ nhận thấy bé có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo tình trạng thiếu máu do thiếu sắt thì hãy đưa bé đi khám ngay lập tức.

Để xác định xem trẻ có bị thiếu máu không, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ hemoglobin và hematocrit (tỷ lệ các tế bào hồng cầu trong máu). Sau khi có kết quả chính xác, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

5. Điều trị tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ bú mẹ như thế nào?

Khi bé bị thiếu máu thiếu sắt, cha mẹ cần tăng cường lượng chất sắt trong mỗi bữa ăn của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ có thể cần uống thêm thuốc bổ sung sắt (theo chỉ định của bác sĩ). Cần lưu ý là uống nhiều chất sắt có thể gây độc. Đó là lý do cha mẹ cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi cho trẻ dùng chất sắt bổ sung.

Sắt được cơ thể hấp thu tốt nhất khi đói. Tuy nhiên, chất sắt lại có thể gây buồn nôn và có mùi vị khá khó chịu. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị cha mẹ bổ sung sắt cho trẻ qua thức ăn, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Sau khi trẻ được bổ sung sắt 1 - 2 tháng, bác sĩ có thể kiểm tra lại nồng độ hemoglobin/hematocrit của bé.

Thông thường, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc sắt phải kéo dài vài tháng thì chỉ số công thức máu của trẻ mới trở về bình thường. Đồng thời, phải mất thêm khoảng 6 - 12 tháng để cơ thể trẻ bổ sung dự trữ đầy đủ sắt. Sau đó, cơ thể của bé mới ổn định, bắt đầu duy trì 1 chế độ ăn uống giàu chất sắt.

6. Biện pháp phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ đang bú mẹ

Tình trạng trẻ bú mẹ bị thiếu máu do thiếu sắt hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các cách sau:

  • Phòng chống thiếu máu cho người mẹ ngay từ giai đoạn mang thai. Bà mẹ nên có chế độ ăn đầy đủ năng lượng và dưỡng chất, đặc biệt là uống thêm viên sắt để cung cấp sắt cho bé;
  • Với trẻ sinh non hoặc sinh thiếu cân, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên bổ sung thêm chất sắt cho bé không;
  • Đến khi trẻ được 1 tuổi, vẫn tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức có tăng cường chất sắt (không nên cho bé uống sữa bò quá sớm);
  • Nếu trẻ đã được 4 tháng tuổi và vẫn còn bú sữa mẹ mà chưa ăn thức ăn đặc, cha mẹ có thể cho bé uống các thuốc bổ sung sắt loại 11 mg mỗi ngày (theo chỉ định của bác sĩ) cho tới khi bé bắt đầu biết ăn các thực phẩm giàu chất sắt;
  • Khi trẻ bắt đầu ăn được thức ăn đặc, cha mẹ nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt như: Ngũ cốc tăng cường chất sắt, , thịt nạc, thịt gia cầm, gạo, bánh mì, mì ống, rau lá xanh, các loại đậu, lòng đỏ trứng,...;
  • Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả giàu vitamin C như cam, kiwi, dưa đỏ,... vì vitamin C sẽ hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn;
  • Bên cạnh chế độ ăn, nên tẩy giun định kỳ cho bé, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng ngừa thiếu máu ở trẻ.

Sắt là khoáng chất cần thiết đối với quá trình tạo máu, thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể. Nếu trẻ bú mẹ bị thiếu máu thiếu sắt thì có thể gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe. Do vậy, cần chủ động bổ sung sắt vào chế độ ăn uống của mẹ và bé. Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt, cha mẹ nên cho bé đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan