Chăm sóc vết thương được băng bó của trẻ

Trẻ em có thể bị những vết thương nhỏ trên cơ thể khi trẻ chơi, hoặc trong các hoạt động khác. Hầu hết các vết thương này có thể được xử lý tại nhà bằng cách sơ cứu đơn giản. Vậy phải chăm sóc vết thương được băng bó của trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn và tránh nhiễm trùng? Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp những người chăm sóc trẻ hiểu được một số biện pháp chăm sóc vết thương được băng bó cơ bản.

Những vết cắt, vết xước nhỏ luôn gắn liền với tuổi thơ của con bạn. Nhưng đó chính là một phần trong hành trình khôn lớn của trẻ và cũng là những trải nghiệm để con có được bài học cho bản thân cảm nhận về nỗi đau và học được phản xạ nên tránh xa những thứ đã làm đau mình. Là cha mẹ, bạn không nên kiểm soát trẻ mà nên để con tự khám phá thế giới xung quanh trong giới hạn an toàn; điều bạn nên biết đó là cách tự làm sạch và chăm sóc vết thương nhỏ hay sơ cứu tại chỗ với những vết thương lớn trước khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

1. Nguyên nhân gây vết cắt, vết trầy xước ở trẻ

  • Trầy da do da bị chà xát trên bề mặt thô hoặc bề mặt nhẵn;
  • Các vết thương, vết rách do tai nạn, va đập;
  • Vết rạch do các vật sắc bén nhọn như dao nhọn, kéo, thủy tinh sắc cạnh... Vết rạch có thể đe dọa tính mạng nếu nó liên quan đến các cơ quan, mạch máu hoặc thần kinh quan trọng;
  • Vết đâm do các đầu nhọn mỏng như kim, răng động vật...
Trẻ ngã, trẻ đau khớp
Trẻ em rất dễ bị va vấp, trầy xước

2. Sơ cứu vết cắt, vết xước

  • Giúp trẻ bình tĩnh, và động viên trẻ rằng bạn có thể xử lý được;
  • Chườm bằng vải sạch hoặc băng trong vài phút để cầm máu. Đối với máu chảy nhiều, cần phải cầm máu nhanh bằng cách dùng khăn sạch ấn vào vết thương và giữ trong vòng 5 đến 10 phút. Đừng dừng lại để nhìn vào vết cắt. Nếu miếng vải bị thấm máu, hãy đặt một miếng vải mới lên trên miếng vải cũ. Không nhấc tấm vải đầu tiên lên. Nếu có thể hãy giữ vết thương của trẻ cao hơn tim trẻ;
  • Rửa sạch tay của bạn bằng xà phòng sát khuẩn hay dung dịch sát khuẩn tay nhanh, nếu có thể hay đi găng tay;
  • Rửa kỹ vùng bị thương bằng xà phòng và nước (lý tưởng hơn cả là rửa bằng dung dịch Nacl 0,9 %). Không chà rửa vết thương. Loại bỏ bất kỳ hạt bụi bẩn nào khỏi khu vực bị thương. Nếu có dị vật đâm sâu thì không nên tự ý rút ra mà nên quấn khăn vải lại thành vòng đệm xung quanh dị vật và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Để vết thương dưới vòi nước chảy trong vài phút. Vết cắt bẩn hoặc vết xước không được làm sạch hoàn toàn có thể gây ra sẹo hoặc nhiễm trùng.
  • Có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương, thuốc mỡ giúp kháng khuẩn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp giữ ẩm cho vết thương và băng không bị dính. Nhưng cần chắc chắn rằng con bạn không bị dị ứng với loại kháng sinh bôi đó.
Nước muối sinh lý
Rửa vết thương cho trẻ bằng nước muối sinh lý

  • Che khu vực tổn thương bằng băng dính hoặc miếng gạc nếu khu vực đó ở tay hoặc chân, hoặc nếu nó có khả năng bị rò dịch. Nếu phải băng bó không buộc quá chặt gây cản trở lưu thông máu. Thay băng thường xuyên bằng nước muối sinh lý 0,9 % và dung dịch sát khuẩn Betadine .
  • Kiểm tra vết thương này mỗi ngày và giữ cho nó sạch sẽ, khô ráo. Nếu vết thương đã khô miệng hãy để hở hoặc che một lớp vải mỏng giúp cho vết thương có thể nhanh lành hơn.
  • Không thổi vào vết cắt hoặc vết xước. Điều này có thể làm cho vi trùng phát triển.

* Lưu ý: Tránh đặt băng cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi ở nơi trẻ có thể tháo ra và đưa vào miệng. Thay vào đó, bạn có thể quấn một ngón tay vào gạc, hoặc thậm chí để lại vết cắt hoặc vết xước nhỏ mà không cần băng bó thay vì khiến con bạn bị ngạt thở.

3. Xoa dịu cơn đau

Có thể đánh lạc hướng cơn đau của trẻ bằng cách kể cho trẻ câu chuyện trẻ yêu thích, vỗ về trẻ một chút, hay để yên tĩnh cho trẻ ngủ. Nếu không hiệu quả hãy cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen với liều lượng nhỏ. Tuy nhiên, bạn không nên tự chẩn đoán và cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye (hội chứng hiếm gặp gây sưng phù ở gan và não).

aspirin
Ba mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống aspirin

4. Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi

  • Chảy máu nhiều và không cầm máu sau 5 đến 10 phút ấn trực tiếp;
  • Vết thương trên mặt;
  • Chấn thương nghiêm trọng ở vùng gần đầu, đầu, cổ, bìu, ngực, bụng hoặc gây đứt lìa chi;
  • Vết thương sâu đến nỗi bạn có thể nhìn thấy cơ hoặc xương;
  • Vết thương gây ra bởi vật nhọn đâm thủng, hoặc vật bẩn gỉ sét;
  • Vết thương có các mảnh vụn, chẳng hạn như bụi bẩn, thủy tinh, đá hoặc sỏi;
  • Có gì đó mắc kẹt trong vết thương và bạn không thể lấy nó ra;
  • Do động vật hoặc con người cắn gây rách da - những vết thương này cần được điều trị đặc biệt;
  • Gây đau đớn vô cùng;
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sờ nóng, mẩn đỏ, sưng tấy hoặc rỉ dịch;

Con bạn chưa tiêm phòng uốn ván trong vòng 5 năm qua, hoặc nếu bạn không chắc con bạn được tiêm mũi tiêm phòng uốn ván cuối cùng khi nào.

chảy máu
Nếu vết thương chảy máu không cầm được, trẻ cần ngay lập tức được đưa đến bệnh viện

5. Khi nào vết thương cần được khâu

  • Vết cắt lớn trên mặt, (tất cả các vết cắt trên mặt đều có thể để lại sẹo) và những vùng bị căng hoặc giãn ra khi cử động, như lòng bàn tay và các ngón tay;
  • Sâu hoặc dài hơn 1 cm, vết thương cần được khâu lại;
  • Vết thương có răng cưa hoặc có các cạnh tách biệt.

Để có được hiệu quả tốt nhất, các mũi khâu cần được tiến hành muộn nhất khoảng 8 giờ sau khi xảy ra tổn thương, để tránh nguy cơ nhiễm trùng và ngăn ngừa sẹo.

6. Phòng tránh vết thương cho trẻ

  • Sân chơi cho trẻ cần bằng phẳng, không trơn trượt;
  • Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn và lan can;
  • Để xa tầm với của trẻ những vật có nguy cơ gây thương tích như dao, kéo, vật sắc nhọn, cạnh bàn thủy tinh, đồ dễ vỡ...;
  • Xung quanh cây cần có bồn chắn để tránh cho trẻ leo trèo;
  • Thường xuyên để mắt đến trẻ;
  • Với những trẻ lớn hãy giáo dục ý thức khi tham gia giao thông, hay khi vui chơi không xô đẩy, đánh nhau.
Trẻ leo trèo , bò cầu thang
Không cho trẻ nhỏ leo trèo cầu thang để tránh gây nguy hiểm

7. Chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ có vết thương cần băng bó

7.1 Thực phẩm nên ăn

  • Thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt, cá trứng, tép .... và các loại đậu thúc đẩy quá trình nhanh lành của vết thương.
  • Bổ sung thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic... như gan, trứng, sữa giúp thúc đẩy nhanh quá trình tạo máu.
  • Các loại rau có màu xanh đậm và hoa quả tươi như đu đủ, cam, quýt, thanh long , bưởi...cung cấp các loại vitamin B, vitamin A, vitamin E, vitamin C giúp nhanh lành vết thương và tăng cường sức đề kháng.
  • Cá, thịt gia cầm, nghêu, sò, ngũ cốc cũng chứa nhiều selen và giàu kẽm giúp vết thương mau lành và chống nhiễm khuẩn.
Acid folic
Tăng cường thực phẩm giàu acid folic cho trẻ

7.2 Thực phẩm không nên ăn

  • Không ăn rau muống và có thể gây sẹo lồi;
  • Không ăn hải sản vì có thể gây dị ứng;
  • Hạn chế thịt bò vì có thể để lại sẹo thâm.

Trong trường hợp trẻ bị thương nặng, bạn nên băng bó sơ cứu cho bé và đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa khám và xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, parenting.firstcry.com, stanfordchildrens.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan