Chiều cao và cân nặng của trẻ 6 tháng tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Thị Hồng Anh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trong những tháng đầu đời, theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ thường xuyên là việc làm cần thiết của mỗi bậc cha mẹ để đánh giá chính xác tình hình sức khỏe và sự phát triển của bé. Khi bước đến tháng thứ 6, cân nặng của bé thường sẽ gấp đôi thời điểm mới sinh và chiều cao của trẻ tăng khoảng 15cm so với khi vừa ra đời.

1. Đánh giá cân nặng và chiều cao của trẻ như thế nào?

Việc này được thực hiện đơn giản bằng cách sử dụng 2 dụng cụ là thước và cân. Cha mẹ thực hiện cân và đo chiều cao của trẻ vào một ngày nhất định của tháng và nên đo vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất.

Bên cạnh đó, nên cân trước khi bé ăn và sau khi bé đi tiểu, lược bỏ bớt tã lót và quần áo dày để có kết quả chính xác về chỉ số cân nặng của trẻ. Khi đo chiều cao cho con, cha mẹ cần chú ý bỏ giày, mũ nón trước khi đo. Trẻ 6 tháng tuổi được đo chiều dài nằm.

2. Trẻ 6 tháng cân nặng bao nhiêu?

Thông thường, trẻ sơ sinh có cân nặng lúc mới chào đời dao động trong khoảng 3,2 – 3,8kg. Một trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, phát triển bình thường, khi được ăn đủ nhu cầu sẽ tăng cân hàng tháng. Trung bình, 3 tháng đầu trẻ tăng cân rất nhanh (1.000 – 1.200g/tháng), 3 tháng tiếp theo tăng cân từ 500 – 600g/tháng, 6 tháng tiếp chỉ tăng cân từ 300 – 400g/tháng. Hiện tượng trẻ 6 tháng không tăng cân khá ít gặp.

Đến khi được 6 tháng tuổi, bé sẽ có cân nặng gấp đôi trước khi sinh. Tuy nhiên, sự chỉ số cân nặng cụ thể của từng bé sẽ có sự khác biệt, tùy thuộc vào giới tính của trẻ hoặc các yếu tố khác. Nếu mẹ chăm sóc con đúng cách thì cân nặng của các bé 6 tháng tuổi chuẩn sẽ ở mức:

  • Bé trai 6 tháng tuổi nặng khoảng 7,1 – 8,9kg
  • Bé gái 6 tháng tuổi nặng khoảng 6,5 – 8,3kg
Chiều cao và cân nặng của trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ 6 tháng cân nặng bao nhiêu?

Nếu thấy trẻ có cân nặng thấp hơn hoặc cao hơn so với mức này thì bé có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Dựa trên tình hình thực tế, phụ huynh cần điều chỉnh khẩu phần ăn của bé cho phù hợp.

3. Trẻ 6 tháng cao bao nhiêu?

Cân nặng của trẻ thường song hành với mức độ tăng trưởng chiều cao. Cụ thể, chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 50cm. Trong 6 tháng đầu, trẻ thường tăng chiều cao khoảng 2,5cm/tháng. Bước sang tháng 7 – tháng 12, tốc độ tăng chiều cao của bé chậm lại, trung bình khoảng 1,5cm/tháng.

Theo chuẩn tăng trưởng của WHO, chiều cao chuẩn của bé trai 6 tháng tuổi là 67,6cm và bé gái 6 tháng tuổi là 65,7cm.

4. Những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao và cân nặng của trẻ

Cha mẹ cần nắm được những yếu tố tác động tới sự phát triển thể chất của trẻ để có định hướng nuôi con tốt hơn, giúp bé yêu khỏe mạnh và cao lớn hơn. Những yếu tố chủ chốt gồm:

4.1 Gen di truyền

Khi sinh ra, bé nhận được đầy đủ những đặc điểm di truyền từ bố và mẹ. Yếu tố di truyền có tác động lớn tới sự phát triển và kích thước các cơ quan trong cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, yếu tố nhóm máu, lượng mỡ thừa cơ thể và cân nặng của bố mẹ cũng có tác động không nhỏ tới sự phát triển thể chất của trẻ. Tuy nhiên, chiều cao của trẻ thường chỉ chịu tác động khoảng 23% từ yếu tố di truyền.

4.2 Dinh dưỡng và môi trường sống

Ngoài gen di truyền, chiều cao và cân nặng của trẻ còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường bên ngoài, đặc biệt là dinh dưỡng. Cụ thể, tình trạng suy dinh dưỡng có thể làm chậm quá trình phát triển thể chất, tác động tới mật độ xương, độ chắc khỏe của răng, kích thước các cơ quan trong cơ thể và làm trì hoãn khả năng phát triển của trẻ.

Nếu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, bé có thể bắt kịp đà tăng trưởng. Vì vậy, để đảm bảo bé phát triển theo chuẩn, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong mỗi giai đoạn, đặc biệt là canxi để bé có thể cải thiện chiều cao.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, các yếu tố bên ngoài như khí hậu, điều kiện môi trường (trong sạch hay ô nhiễm) cũng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất của trẻ.

4.3 Sự chăm sóc của bố mẹ

Sự chăm sóc của bố mẹ và người giữ trẻ là một yếu tố tác động lớn tới sự phát triển về thể chất, tinh thần, hành vi và cảm xúc của trẻ từ khi sinh ra. Vì vậy, cân nặng và chiều cao của bé cũng phụ thuộc khá lớn vào sự gần gũi với người thân, người chăm sóc.

Chiều cao và cân nặng của trẻ 6 tháng tuổi
Sự chăm sóc của bố mẹ và người giữ trẻ là một yếu tố tác động lớn tới sự phát triển về thể chất, tinh thần, hành vi và cảm xúc

4.4 Sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai và cho con bú

Sức khỏe của bà bầu trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ sau này. Nghiên cứu cho thấy những mẹ bầu thường xuyên có trạng thái tâm lý căng thẳng, mệt mỏi có thể làm chậm quá trình phát triển kỹ năng vận động cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Ngoài ra, chế độ ăn uống của người mẹ trong thời kỳ cho con bú nếu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, sắt, axit folic, các axit béo cần thiết như DHA sẽ giúp bé phát triển tốt hệ cơ xương và sức đề kháng. Vì vậy, trẻ sẽ khỏe mạnh, ít bệnh tật, phát triển chiều cao và tăng cân tốt hơn.

4.5 Các bệnh lý mạn tính

Các bệnh lý mạn tính, khuyết tật nghiêm trọng hoặc từng can thiệp phẫu thuật đều là những nhân tố tác động tiêu cực tới thể chất của trẻ. Những trẻ em mắc các bệnh lý nghiêm trọng như thiếu máu hồng cầu hình liềm từ 8 – 19 tuổi thường thấp bé hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh. Đồng thời, đến giai đoạn dậy thì, sự phát triển về sinh lý hay sức khỏe sinh sản của trẻ cũng bị rối loạn, trì hoãn.

Để bé phát triển tốt về chiều cao và cân nặng, cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Đồng thời, phụ huynh cần chú ý bồi dưỡng đời sống tinh thần và sức khỏe trí não cho con yêu để bé phát triển toàn diện hơn.

Trẻ 6 tháng tuổi cần 3mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

265.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan