Có nên cho trẻ em ăn gạo lứt thường xuyên?

Gạo lứt là loại hạt nguyên cám, vì giữ được phần mầm gạo nên nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Cho bé ăn gạo lứt sẽ bổ sung được các dưỡng chất tự nhiên tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh.

1. Giá trị dinh dưỡng của gạo lứt

Gạo lứt hay còn gọi là gạo lật, là một loại ngũ cốc nguyên cám chứa nhiều chất dinh dưỡng. Gạo lứt là loại gạo chỉ được sơ chế một lần để loại bỏ lớp vỏ trấu ở bên ngoài, giữ nguyên tất cả những thành phần còn lại. Do đó, so với những loại gạo trắng được sử dụng thường ngày (trong quá trình chế biến đã bị loại bỏ lớp cám bổ dưỡng) thì gạo lứt giàu thành phần dinh dưỡng hơn. Vì phần mầm gạo (lớp cám) bên ngoài không bị mất đi nên cho bé ăn gạo lứt sẽ bổ sung trọn vẹn dưỡng chất tự nhiên tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ chống lại các tác nhân gây bệnh.

Về mặt dinh dưỡng, gạo lứt là một nguồn carbohydrate tuyệt vời để cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Trong gạo lứt có chứa các thành phần dinh dưỡng sau:

  • Hàm lượng protein cao rất tốt đối với sự phát triển của cơ. Ngoài ra, các axit amin có trong gạo lứt rất tốt cho sự phát triển của khớp và dây chằng;
  • Giàu tinh bột do đó gạo lứt cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giúp trẻ em vui chơi năng động mà không thấy mệt mỏi;
  • Chất béo, đặc biệt là các axit béo cần thiết cho trẻ phát triển;
  • Lượng chất xơ dồi dào giúp trẻ hạn chế tình trạng táo bón;
  • Gạo lứt rất giàu các vitamin nhóm B: B1, B2, B3, B5, B6, B9, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí não của trẻ;
  • Giàu các khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, mangan, magie, phốt pho, natri, kali, kẽm.

Với giá trị dinh dưỡng dồi dào như trên, chắc hẳn đã giải đáp được thắc mắc “có nên cho trẻ em ăn gạo lứt” hay “trẻ em ăn gạo lứt có tốt không”. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng hoàn toàn có thể cho bé ăn gạo lứt trong các bữa ăn, kể cả là trẻ lớn và trẻ nhỏ. Đối với trẻ sơ sinh lớn hơn 6 tháng tuổi, đang trong giai đoạn tập ăn dặm, bố mẹ cũng có thể dùng gạo lứt để nấu cháo cho trẻ. Đối với sức khỏe của trẻ, ăn dặm bằng gạo lứt có nhiều ưu điểm vượt trội như sau:

  • Chế độ ăn dặm bằng gạo lứt đa dạng thành phần dinh dưỡng, cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng;
  • Vì gạo lứt rất dễ tiêu hóa nên hoàn toàn phù hợp với hệ tiêu hoá vẫn chưa phát triển hoàn thiện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Từ đó hạn chế được nguy cơ rối loạn tiêu hóa cũng như dị ứng thức ăn trong thời kỳ mới bắt đầu ăn dặm.
  • Chứa nhiều vitamin và khoáng chất tăng cường cho hệ miễn dịch;

Với hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ nhỏ, gạo lứt không chỉ giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh và toàn diện mà còn hạn chế được tình trạng béo phì hoặc tăng cân quá mức. Đối với người lớn, gạo lứt được xếp vào loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm đái tháo đường, giảm cholesterol máu và giảm nguy cơ ung thư.

bé ăn gạo lứt
Hoàn toàn có thể cho bé ăn gạo lứt trong các bữa ăn

2. Vậy có nên cho bé ăn gạo lứt thường xuyên không?

Vì gạo lứt chỉ loại bỏ mỗi lớp vỏ trấu bên ngoài nên tất cả các thành phần dinh dưỡng đều được giữ nguyên. Cho bé ăn gạo lứt là cách bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho bé. Nhưng cũng chính vì thế mà gạo lứt không thật sự hoàn toàn tốt đối với trẻ sơ sinh. Do đó có nên cho trẻ ăn gạo lứt thường xuyên hay không luôn là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Câu trả lời là không nên, vì những lý do sau:

  • Tất cả các loại gạo đều chứa asen (thạch tín), được biết đến như một chất bán kim loại độc hại và là chất gây ung thư. Asen có trong gạo hữu cơ và gạo lứt. Trên thực tế, gạo lứt có xu hướng có hàm lượng asen cao hơn bởi vì gạo lứt tích trữ asen trong lớp cám gạo (lớp bên ngoài được giữ nguyên cho gạo lứt thay vì loại bỏ trong quá trình xay xát để tạo ra gạo trắng).
  • Trẻ em, đặc biệt là sơ sinh khi tiếp xúc với asen dễ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ thần kinh. Hơn nữa, nếu trẻ em tiếp xúc thường xuyên với kim loại độc hại này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư, đái tháo đường typ 2 và bệnh tim mạch.
  • Để đảm bảo cho hệ tiêu hoá non nớt của trẻ nhỏ có thể hấp thu tốt nhất các dưỡng chất thì bố mẹ không nên cho bé ăn gạo lứt mỗi ngày. Thay vào đó nên cho bé ăn xen kẽ với gạo trắng. Vì cơ thể trẻ em không thể hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng cùng một lúc, ngược lại việc tiêu thụ quá nhiều các chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón, ...
Cho bé ăn gạo lứt
Cho bé ăn gạo lứt là cách bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho bé

3. Cách chọn lựa và chế biến gạo lứt đúng

Để đảm bảo giữ trọn vẹn các chất dinh dưỡng có trong gạo lứt, cần biết cách lựa chọn và chế biến gạo lứt.

3.1. Cách lựa chọn gạo lứt ngon

Không nên mua gạo lứt với số lượng lớn cùng một lúc vì nếu bảo quản không tốt gạo sẽ nhanh hỏng. Đồng thời cũng không nên mua gạo lứt đang đựng trong thùng ở các cửa hàng tạp hóa vì không biết được gạo đã để bao lâu. Tốt nhất nên mua những túi gạo lứt nhỏ vừa đủ ăn, đóng gói sẵn, có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì.

Khi mua gạo lứt thì nên chọn mua những hạt mẩy đều, dài, không có quá nhiều hạt bị nát hay bị mẻ hay. Chọn gạo lứt còn mùi thơm, không bị ẩm mốc.

3.2. Cách bảo quản gạo lứt

Chính vì gạo lứt có rất nhiều chất dinh dưỡng nên nếu không bảo quản tốt thì các dưỡng chất dễ dàng bị mất đi. Để đảm bảo các món ăn làm từ gạo lứt luôn thơm ngon và giàu dinh dưỡng thì cần lưu ý những điều sau:

  • Sau khi mua về thì nên bảo quản gạo lứt còn nguyên hạt trong thùng kín có nắp đậy, vì gạo lứt có chất dầu xung quanh nên rất dễ bị hư nếu tiếp xúc với không khí. Đối với gạo lứt đã nghiền ra thành bột thì cần được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Do đó, tốt nhất là chỉ nên mua ít gạo lứt, để tránh tình trạng không bảo quản tốt khiến gạo lứt dễ bị ẩm mốc, mất chất.
  • Không nên cho trẻ ăn gạo lứt đã bảo quản hơn 2 – 3 tháng vì rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
  • Điều kiện lý tưởng để bảo quản gạo lứt là trong hũ kín, ở nơi tối và mát mẻ. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể bảo quản từ 12 – 16 tháng, còn để trong tủ đông thì có thể giữ trong 2 năm.
  • Sau khi nấu chín, nên cất cơm gạo lứt nguội vào tủ lạnh ngăn mát vì nếu để ở môi trường bên ngoài, vi khuẩn phát triển rất nhanh làm cơm bị hư. Tuy nhiên, thời gian bảo quản chỉ tối đa 4 ngày. Do đó tốt nhất là nên nấu vừa đủ ăn, nên bỏ đi nếu không dùng hết để tránh ôi thiu. Nếu bảo quản cơm gạo lứt vào tủ đông lạnh thì có thể giữ tối đa trong 6 tháng.

3.3. Cách chế biến gạo lứt

Cách chế biến gạo lứt để giảm nguy cơ nhiễm asen:

  • Vo gạo và ngâm gạo lứt càng lâu trong nước lọc và nước ngâm có nhiệt độ càng cao thì càng loại thải được nhiều asen.
  • Sử dụng tỷ lệ 1 phần gạo với từ 6 đến 10 phần nước với khi đun sôi sẽ giúp làm giảm hàm lượng asen (cần phải đảm bảo bỏ hết lượng nước thừa sau khi nấu). Tuy nhiên việc cho nhiều nước như vậy sẽ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của gạo lứt.
  • Đối với trẻ nhỏ mới bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm, bố mẹ có thể cho trẻ ăn dặm với gạo lứt từ 2 – 3 lần/ tuần rồi tăng dần sau đó. Trong thời gian 6 – 7 tháng đầu, cho trẻ ăn chủ yếu cháo gạo lứt nấu loãng theo tỷ lệ 1/10. Vào những tháng tiếp theo, bố mẹ có thể kết hợp nấu gạo lứt với các thực phẩm dễ tiêu hóa như củ quả, rau xanh. Việc chế biến những món ăn ngon từ gạo lứt cũng là một cách hiệu quả để kích thích vị giác của trẻ. Gợi ý một số món ăn dặm từ gạo lứt là: cháo gạo lứt thịt bằm, cháo gạo lứt trứng gà, gạo lứt nấu với đậu xanh, gạo lứt nấu với bí ngô, gạo lứt với sữa.
  • Đối với trẻ lớn hơn 1 tuổi, bố mẹ nên tăng dần độ thô của các món ăn nhưng vẫn ưu tiên nấu mềm thức ăn.

Với hàm lượng dinh dưỡng cao và phù hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ nhỏ, gạo lứt không chỉ giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh và toàn diện mà còn hạn chế được tình trạng béo phì hoặc tăng cân quá mức. Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn gạo lứt thường xuyên, thay vào đó hãy cho bé ăn xen kẽ với gạo trắng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan