Có nên vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh bằng nước muối?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Bên cạnh chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ thì việc vệ sinh thân thể (đặc biệt là vùng kín) cho trẻ đặc biệt quan trọng. Nhiều cha mẹ phân vân không biết có nên vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh bằng nước muối. Thông qua bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm của nước muối sinh lý và lời khuyên đúng nhất về vệ sinh vùng kín cho trẻ.

1. Vì sao cần vệ sinh vùng kín cho trẻ?

Nhiều bậc phụ huynh vì bận rộn thường để con mặc bỉm cả ngày hoặc ít kiểm tra bỉm của con thường xuyên. Tuy nhiên trong nước tiểu và phân có chứa nhiều axit và các vi khuẩn có hại, nên việc đeo bỉm nhiều và ít chăm sóc vệ sinh cẩn thận có thể khiến trẻ bị viêm nhiễm phụ khoa, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ:

  • Viêm nhiễm vùng kín có thể khiến trẻ khó chịu, quấy khóc do ngứa rát, da bị hăm đỏ gây đau.
  • Trẻ bị viêm nhiễm vùng kín có thể bỏ ăn gây ảnh hưởng đến sự phát triển.
  • Nếu không điều trị cẩn thận có thể ảnh hưởng đến vấn đề sản khoa trong tương lai của bé.

Để tránh trẻ gặp những tình huống trên, cha mẹ nên dự phòng bằng cách:

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây viêm nhiễm.
  • Thường xuyên thay bỉm cho bé (khoảng 2-3 giờ kiểm tra một lần).
  • Hạn chế dùng bỉm cho bé khi không cần thiết và mặc quần áo thoáng mát cho bé.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho bé.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh vùng kín cho bé và rửa từ trước ra sau.

2. Có nên vệ sinh vùng kín bằng nước muối sinh lý?

Nhiều mẹ khi thấy vùng kín của con bị mẩn đỏ, ngứa ngáy, tiết ra dịch có mùi thì hay vệ sinh vùng kín cho bé gái bằng nước muối sinh lý hoặc lá chè xanh, lá trầu không, dung dịch vệ sinh người lớn... Trong đó nhiều người cho rằng nước muối sinh lý là an toàn nhất vì chúng hay được dùng trong y khoa để truyền dịch, rửa các ổ nhiễm trùng, áp-xe trong cơ thể.

  • Tuy nhiên nước muối sinh lý có độ kháng khuẩn, tính kiềm trong khi độ pH âm đạo của bé lại nghiêng về trung tính, do vậy dùng nước muối để vệ sinh vùng kín cho bé gái cũng dễ làm môi trường pH âm đạo bị mất cân bằng.
  • Còn lá chè xanh, lá trầu không đều là các loại lá có tính kháng khuẩn cao trong Đông y, tuy nhiên không phải bất cứ trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nào cũng áp dụng được. Ngoài ra với tình trạng môi trường ô nhiễm như hiện nay, việc tìm ra loại lá sạch, không có hóa chất trừ sâu, mua về rồi pha ra nấu đúng cách, đúng tỷ lệ cũng là vấn đề nan giải với nhiều bậc cha mẹ. Làn da của trẻ sơ sinh quá mong manh để thử nghiệm những phương pháp tiềm ẩn rủi ro như vậy.
  • Dung dịch vệ sinh người lớn lại có độ pH, tính sát khuẩn mạnh không phù hợp với độ pH ở vùng kín của bé gái. Nếu sử dụng có thể gây thay đổi môi trường pH và khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
vệ sinh vùng kín cho trẻ bằng nước muối
Vệ sinh vùng kín cho trẻ bé gái bằng nước muối sinh lý dễ làm mất cân bằng độ pH âm đạo

3. Cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh đúng cách

3.1. Lựa chọn dung dịch vệ sinh vùng kín phù hợp

Các cha mẹ có thể lựa dung dịch vệ sinh cho trẻ dựa trên các tiêu chí:

  • Chọn sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho bé gái.
  • Chọn sản phẩm có tính an toàn, không gây kích ứng.
  • Sản phẩm có thành phần thiên nhiên, nguyên liệu trồng theo phương pháp hữu cơ.
  • Sản phẩm vệ sinh không mùi, không màu.
  • Sản phẩm phải được kiểm nghiệm lâm sàng, nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP.

Với trẻ sơ sinh, trên thị trường cũng có những sản phẩm chuyên biệt cho trẻ dưới 1 tuổi. Cha mẹ chỉ cần hòa dung dịch vào nước ấm để tắm toàn thân và vệ sinh vùng kín cho bé. Sau đó tắm lại bằng nước sạch và lau khô bằng khăn sạch.

3.2. Cách vệ sinh vùng kín cho trẻ sơ sinh đúng cách

  • Đối với một bé gái, dùng miếng bông gạc hay vải cotton ướt không có xà phòng lau nhẹ mọi nếp gấp (kể cả những mép âm đạo) và theo hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới (âm hộ xuống hậu môn).
  • Đối với bé trai, rửa sạch với một miếng bông gạc hay vải cotton ướt không xà phòng lau sạch dương vật cũng như phần đầu của quy đầu. Thao tác cần nhẹ nhàng, không quá mạnh và tránh vén bao quy đầu khi bé chưa được 4 tháng tuổi.

Trong trường hợp da bé có những nốt đỏ và tấy rát, hãy dùng thuốc mỡ hay nước rửa vệ sinh để làm dịu các biểu bì ở mông. Cha mẹ nên cho bé dùng tã giấy chất lượng cao để có thể bảo vệ làn da bé ở những vùng nhạy cảm nhất của cơ thể.

XEM THÊM: 5 điều mẹ cần biết để bảo vệ con gái khỏi viêm phụ khoa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan