Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh từ 6-9 tháng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tổng thời gian ngủ của trẻ 6 - 9 tháng tuổi khoảng 14 - 15 tiếng mỗi ngày, nhiều trẻ đã ngủ xuyên đêm hoặc ngủ liền một giấc dài, ban ngày chỉ ngủ 2 giấc ngắn vào buổi sáng và chiều. Tuy nhiên trẻ có thể khó ngủ vì quen hơi mẹ, ham vận động hoặc đau khi mọc răng.

1. Lịch ngủ điển hình của trẻ từ 6 - 9 tháng

Trẻ 7 tháng ngủ thế nào hay trẻ 8 tháng ngủ bao nhiêu là câu hỏi của nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi này đặt ra. Theo thống kê, hầu hết trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi ngủ từ 14 - 15 giờ đồng hồ mỗi ngày (bao gồm cả giấc ngủ ban đêm và ngủ ngắn ban ngày), mỗi lần ngủ cũng lâu hơn. Nhiều trẻ ở giai đoạn này điều chỉnh thời gian ngủ ban ngày từ 3 giấc xuống còn 2 giấc vào buổi sáng và chiều.

Thông thường trẻ sẽ ngủ suốt đêm khi được 6 tháng. Nếu con bạn có thể ngủ từ 8 giờ đồng hồ trở lên vào ban đêm, nghĩa là bé biết tìm cách tự ổn định giấc ngủ. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy bé đã có được một giấc ngủ ngon.

Nhưng cũng không ít bé vẫn chưa ngủ được 8 giờ liên tục. Nhiều trẻ vẫn thức dậy vào ban đêm để đòi bú trong giai đoạn 6 - 9 tháng, mặc dù thực tế chúng đã sẵn sàng cai sữa ban đêm nếu bố mẹ muốn.

Trẻ quấy khóc ban đêm
Có một số trẻ khóc khi thức giấc giữa đêm dù không đói

Trẻ ở độ tuổi này thức dậy giữa đêm không nhất thiết là vì đói. Tất cả chúng ta đều thức dậy nhiều lần mỗi đêm, nhưng người trưởng thành có khả năng ngủ lại nhanh chóng, đến mức bạn không nhớ ra đêm qua mình đã giật mình bao nhiêu lần. Do chưa thành thạo kỹ năng này, bé sẽ khóc khi thức giấc giữa đêm, mặc dù không hề đói.

2. Nguyên nhân khiến bé khó ngủ cả đêm

Một đứa trẻ vốn ngủ rất ngon vẫn có thể đột ngột thức giấc vào ban đêm hoặc khó ngủ trong giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì rối loạn giấc ngủ thường đi cùng với các mốc phát triển nhận thức và vận động quan trọng, cũng như bé bắt đầu biết nhớ bố mẹ khi không được ở cạnh. Cụ thể:

  • Khi được 6 - 9 tháng, em bé có thể đang học cách ngồi, bò, hoặc thậm chí là đi chập chững. Vì vậy con bạn chỉ muốn luyện tập các kỹ năng mới này thay vì nằm yên để ngủ, thậm chí bé có thể phấn khích đến mức thức dậy giữa đêm để tập ngồi thêm lần nữa.
  • Cảm giác nhớ bố mẹ khi phải xa cách cũng có thể là nguyên nhân đánh thức bé giữa đêm. Thức dậy và không thấy bạn ở đó có thể khiến bé đau khổ. Nhưng con sẽ bình tĩnh lại ngay khi bạn bước vào phòng và đến chào con.
  • Cuối cùng, cơn đau khi mọc răng đầu tiên có thể làm bé tỉnh giấc.

Mặc dù không thể biết chính xác điều gì khiến con thức giấc giữa đêm, nhưng có rất nhiều lý do chính đáng ở độ tuổi này. Vì vậy, tốt nhất bạn nên quan sát và linh hoạt hỗ trợ bé.

Mọc răng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt, quấy khóc
Trẻ mọc răng thường bị đau có thể làm bé tỉnh giấc

3. Cách giúp trẻ ngủ ngon

Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau, một vài bé sẽ ngủ ngon trong khi số khác lại hay giật mình, trằn trọc. Người làm bố mẹ cần phải tìm cách xoay sở với lịch trình thất thường của bé, bao gồm cả những lần bị bệnh và các sự kiện trong cuộc sống ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình. Sau đây là một số mẹo giúp con bạn ngủ ngon ở độ tuổi này:

  • Thiết lập và tuân theo một thói quen trước khi đi ngủ

Nếu bạn chưa thiết lập một số thói quen cho bé trước khi đi ngủ, giai đoạn này chính là thời điểm thích hợp. Việc này sẽ giúp con bạn thư giãn và sẵn sàng cho giấc ngủ. Một số ví dụ bao gồm: tắm cho con, chơi một trò nhẹ nhàng, chuẩn bị giường và quần áo ngủ cho con, đọc 1 - 2 câu chuyện, hát ru,... Cho dù là hoạt động nào, hãy đảm bảo thực hiện theo trình tự giống nhau và vào cùng một thời điểm mỗi đêm. Trẻ sơ sinh rất dễ thích nghi với những thói quen và lịch trình quen thuộc.

Video đề xuất:

Cách tắm cho trẻ sơ sinh

  • Cho con đi ngủ theo giờ giấc cố định

Cả bố mẹ và con cái đều được hưởng lợi khi có thời gian biểu hàng ngày cố định, bao gồm thời gian đi ngủ mỗi đêm và giờ nghỉ trưa. Không nhất thiết phải sinh hoạt đúng giờ tuyệt đối mỗi ngày, nhưng nên cố gắng tuân theo một lịch trình quen thuộc. Nếu trẻ được ngủ trưa, ăn, chơi và chuẩn bị đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, bé sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Để có thể ngủ ngon và liên tục suốt đêm ở độ tuổi này, bé phải học cách tự đi vào giấc ngủ. Hãy thử đặt bé vào nôi khi đã buồn ngủ nhưng vẫn còn tỉnh, để bé có thời gian luyện tập. Nếu bé khóc, hãy đợi ít nhất vài phút để xem liệu con có thực sự khó chịu hay chỉ hơi quấy một chút, sau đó bạn tùy ý quyết định dỗ dành bé hay ra khỏi phòng và trở lại thăm bé sau vài phút.

Nôi điện
Hãy thử đặt bé vào nôi khi đã buồn ngủ nhưng vẫn còn tỉnh cho bé tự đi vào giấc ngủ
  • Thử đưa con đi ngủ sớm hơn

Nếu con bạn thường đi ngủ sau 8:30 p.m, nhưng đôi khi vẫn quấy khóc, hãy thử đưa bé đi ngủ sớm hơn nửa tiếng. Có thể bé đã chơi đùa quá mệt mỏi, vì vậy cho con nghỉ ngơi yên tĩnh sớm hơn sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.

Nếu giấc ngủ trẻ 9 tháng vẫn chưa ổn định và phù hợp với cuộc sống gia đình bạn, bây giờ là thời điểm tốt để thử một số kiểu luyện ngủ được chuyên gia đề xuất. Các phương pháp luyện ngủ có thể giúp bé dễ đi vào giấc ngủ hơn, ngủ lâu hơn vào ban đêm và giữ được lịch trình sinh hoạt đều đặn hơn.

Cha mẹ cần nắm được các đặc điểm về giấc ngủ của trẻ để quan sát, thiết lập và tập cho trẻ ngủ một cách khoa học. Việc này không chỉ rèn cho trẻ thói quen tốt mà còn giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn, phát triển đồng đều hơn.

Ngoài chăm sóc giấc ngủ cho trẻ, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Nguồn tham khảo: .babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

188.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan