Đau bụng ở trẻ sơ sinh: Nó là gì, kéo dài bao lâu và bạn có thể làm gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm- Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đau bụng ở trẻ sơ sinh không phải là một bệnh và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên tình trạng này kéo dài gây rất nhiều khó khăn đối với trẻ và căng thẳng cho cha mẹ.

1. Đau bụng ở trẻ sơ sinh là gì?

Đau bụng ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là hội chứng Colic) là tình trạng một đứa trẻ khỏe mạnh xuất hiện những cơn khóc đột ngột, kéo dài, không giải thích được nguyên nhân, cha mẹ dù rất cố gắng nhưng không thể dỗ nín. Đau bụng ở trẻ sơ sinh được xác định khi trẻ khóc kéo dài hơn 3 giờ trong một ngày, trên ba ngày trong một tuần, kéo dài hơn 3 tuần và bác sĩ đã loại trừ những nguyên nhân khác.

Đau bụng ở trẻ sơ sinh không phải là một bệnh và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên hội chứng này gây ra nhiều khó khăn đối với trẻ sơ sinh và cha mẹ. Đau bụng ở trẻ sơ sinh là hiện tượng rất phổ biến, xảy ra với tỷ lệ 1 trên 5 trẻ được sinh ra, thường xuất hiện khi trẻ được 2-3 tuần tuổi hoặc 2-3 tuần sau ngày dự sinh nếu trẻ bị sinh non. Tình trạng này xuất hiện với tỷ lệ như nhau giữa trẻ trai và trẻ gái; trẻ bú mẹ và trẻ bú sữa công thức; trẻ đủ tháng và trẻ sinh non tháng; trẻ sơ sinh đầu lòng và trẻ sinh sau.

2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh đau bụng là gì?

Khóc là hiện tượng rất bình thường của trẻ sơ sinh. Trẻ thường khóc khi bị ướt, đói, sợ hãi và mệt mỏi. Có thể xem tiếng khóc là công cụ giao tiếp của trẻ, giúp trẻ báo hiệu cho người khác biết những nhu cầu của mình. Tuy nhiên khi trẻ mắc hội chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh, cơn khóc của trẻ có những đặc điểm bất thường như:

  • Trẻ khóc nhiều, kéo dài, thường xuyên vào cùng một thời điểm trong ngày, thường gặp nhất là vào chiều muộn và buổi tối.
  • Dấu hiệu trẻ sơ sinh đau bụng dễ nhận thấy, là tiếng khóc của trẻ to, âm điệu cao, mãnh liệt hơn so với khóc bình thường. Cảm giác như trẻ đang bị đau hoặc đang la hét.
  • Cơn khóc của trẻ bắt đầu và kết thúc đột ngột. Trẻ có thể bất ngờ lên cơn khóc mặc dù trước đó đang vui vẻ, đang bú, thậm chí đang ngủ.
  • Trẻ rất khó dỗ dành, bất chấp mọi sự nỗ lực của bố mẹ.
  • Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ nắm chặt các ngón tay, ưỡn lưng, bụng căng lên, mặt đỏ bừng, luân phiên gập chân về phía bụng và duỗi chân ra. Một số trẻ có thể có những khoảng im lặng nhưng phần lớn trẻ thường khóc liên tục. Cơn khóc có thể kết thúc khi trẻ trung tiện (passes gas) hoặc đi tiêu.

3. Đau bụng ở trẻ sơ sinh kéo dài bao lâu?

Một điều may mắn là đau bụng sơ sinh chỉ là hiện tượng tạm thời. Tình trạng khóc kéo dài của trẻ có xu hướng đạt đỉnh vào 6 tuần tuổi, sau đó cải thiện dần. Khoảng 80-90% trẻ sẽ hết khi được 4 tháng tuổi. Số trẻ còn lại sẽ hết hiện tượng này khi được 5 tháng tuổi.

Đau bụng ở trẻ sơ sinh
Đa số tình trạng đau bụng ở trẻ sơ sinh sẽ hết khi trẻ được 4 tháng tuổi

4. Nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ sơ sinh

Mặc dù có nhiều nghiên cứu về vấn đề này tuy nhiên đến nay, nguyên nhân thật sự vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đau bụng ở trẻ sơ sinh vẫn được xem là trong những bí ẩn lớn của trẻ. Không ai biết tại sao một số trẻ lại bị đau bụng ở trẻ sơ sinh trong khi các trẻ khác lại không. Một số giả thuyết được đưa ra là:

  • Do người mẹ hút thuốc: Những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh sẽ có nguy cơ mắc hội chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh cao hơn những trẻ khác. Tuy nhiên nguy cơ này sẽ giảm nếu như trẻ được bú sữa mẹ.
  • Trẻ nhạy cảm với môi trường xung quanh: Một số chuyên gia cho rằng, vào buổi tối, khi trẻ không thể nhìn thấy bất kỳ hình ảnh, âm thanh hoặc cảm giác nào, trẻ trở nên sợ hãi và khóc.
  • Trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa: Trẻ bị đầy hơi; trẻ ăn quá nhiều, quá ít hoặc do hệ tiêu hóa của trẻ chưa trưởng thành đều có thể là nguyên nhân gây các dấu hiệu trẻ sơ sinh đau bụng. Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ hãy đảm bảo trẻ không nuốt quá nhiều hơi khi bú mẹ hoặc bú bình bằng cách giữa trẻ tư thẳng khi bú, cho trẻ ợ hơi sau bú,...
  • Trẻ dị ứng với các thành phần trong sữa: Có từ 2 đến 3% trẻ sơ sinh bị đau bụng do không dung nạp hoặc dị ứng với đạm sữa bò. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cho rằng con bạn nhạy cảm với thành phần trong sữa. Nếu trẻ đang bú sữa công thức, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang một loại sữa thủy phân phù hợp với tình trạng của trẻ.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là tình trạng trào ngược dịch axit từ dạ dày lên thực quản gây tổn thương thực quản, thanh quản, miệng,... Tình trạng này có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ có hiện tượng khạc nhổ thường xuyên, vẻ khó chịu hoặc không phát triển như mong đợi, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám và điều trị.
  • Mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh bị đau bụng có hệ vi sinh đường ruột khác với những trẻ không bị đau bụng, trong đó số lượng các vi khuẩn có lợi giảm sút.
  • Mức serotonin cao: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, một số trẻ có hội chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh, cơ thể sản sinh ra nhiều serotonin hơn những trẻ khác. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, giúp não điều khiển một số hoạt động của cơ thể, tuy nhiên serotonin cũng khiến cơ ruột co lại gây đau bụng. Cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định mối liên hệ giữa serotonin và đau bụng.
  • Tâm lý căng thẳng của người mẹ: Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa những người mẹ bị rối loạn lo âu và trẻ khóc quá mức. Cũng có mối liên hệ giữa đau bụng ở trẻ sơ sinh và những người mẹ bị căng thẳng, trầm cảm trong thai kỳ. Do đó, nếu người mẹ đang vật lộn với chứng lo âu hoặc trầm cảm, hãy tìm đến sự hỗ trợ y tế, điều này sẽ giúp ích cho cả mẹ lẫn trẻ.
Đau bụng ở trẻ sơ sinh
Dị ứng với đạm sữa bò có thể là nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ sơ sinh

5. Khi trẻ sơ sinh đau bụng phải làm sao?

Do đau bụng ở trẻ sơ sinh là tình trạng rất phổ biến nên trẻ sơ sinh đau bụng phải làm sao là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ. Khi trẻ khóc quá nhiều, các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện để tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn có thể gây tình trạng đau bụng như vấn đề về đường ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu,... Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem trẻ có bú và phát triển bình thường hay không.

Trẻ sơ sinh đau bụng phải làm sao? Nếu bác sĩ không phát hiện ra các bất thường và chẩn đoán trẻ đang mắc hội chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau đây để xoa dịu trẻ:

  • Massage nhẹ nhàng: một số trẻ có thể cảm thấy dễ chịu khi được cha mẹ xoa bóp nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một số trẻ lại cảm thấy khó chịu hơn vì bị kích thích quá mức, do đó trong quá trình massage cha mẹ hãy để ý tới cách trẻ phản ứng.
  • Bế bé chuyển động nhẹ nhàng: chuyển động nhẹ nhàng có thể làm dịu cơn khóc của trẻ, do đó hãy thử bế trẻ ở tư thế hơi cao, gần ngực và nhịp tim của cha mẹ, ôm sát trẻ và đi lại nhẹ nhàng. Cha mẹ cũng có thể bế bé và ngồi trên xích đu, chuyển động nhẹ nhàng, nếu bé ngủ gật trên xích đu, hãy chuyển bé vào cũi.
  • Cho trẻ thử các vị trí khác: nếu đang ôm trẻ trong vòng tay, bạn có thể cho trẻ thử tư thế thẳng hơn hoặc thậm chí thử cho trẻ nằm sấp trên đùi để xem trẻ có thích vị trí này hơn vị trí khác không.
  • Cho trẻ ra ngoài: nếu trẻ đang ở trong nhà, cho trẻ đi ra ngoài dạo có thể hữu ích. Không khí trong lành, âm thanh, mùi vị mới có thể khiến trẻ phân tâm, cùng với chuyển động nhịp nhàng của bước đi có thể giúp trẻ dễ vào giấc ngủ hơn.
  • Cho trẻ vào bồn tắm nước ấm: cho trẻ tắm nước ấm lúc trẻ đang khóc có thể làm trẻ phân tâm và thư giãn. Một số trẻ sơ sinh có thể được xoa dịu bằng cách phun vòi nước cầm tay vào lưng.
  • Cho trẻ ngậm núm vú giả hoặc thậm chí cho trẻ ngậm ngón tay để giúp trẻ bình tĩnh.
  • Cho trẻ ợ hơi: khi khóc kéo dài, trẻ có xu hướng nuốt không khí trong khi khóc, điều này làm trẻ bị đầy hơi, khó chịu hơn. Cha mẹ hãy thường xuyên cho trẻ ợ hơi để làm dịu cơn đau bụng do đầy hơi.
  • Chườm ấm vào bụng trẻ: Một số trẻ cảm thấy dễ chịu khi được chườm ấm vào bụng. Hãy đổ nước ấm vào một cái chai, quấn chai vào trong một chiếc khăn, đặt lên bụng của trẻ.
  • Cho trẻ dùng men vi sinh: Đau bụng ở trẻ sơ sinh có thể do vi khuẩn đường ruột trẻ khác với những trẻ khác. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng men vi sinh giúp giảm các triệu chứng đau bụng ở trẻ bú sữa mẹ. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng men vi sinh cho trẻ.
  • Ngoài men vi sinh, một số loại thuốc chống đầy hơi (như Simethicon) khá an toàn và có thể dùng để chữa đau bụng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc gì cho trẻ.

Chăm sóc những đứa trẻ có hội chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh là điều rất vất vả và căng thẳng. Trong thời gian chờ tình trạng của trẻ cải thiện, cha mẹ hãy chăm sóc, dỗ dành trẻ tốt nhất có thể, đồng thời hãy học cách chăm sóc bản thân mình. Cha mẹ hãy sắp xếp thay phiên nhau chăm sóc trẻ, hoặc nếu quá mệt mỏi, hãy nhờ ông bà, người thân trông trẻ để được nghỉ ngơi một thời gian ngắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan