Dấu hiệu tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh

Tắc tuyến lệ xảy ra khi ống dẫn lệ, dẫn nước mắt từ mắt vào mũi, bị tắc (do nhiễm trùng, chấn thương,...) hoặc thông thường bị tắc ngay từ khi sinh ra (trẻ sơ sinh tắc tuyến lệ bẩm sinh). Tình trạng này có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần, tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ bị tắc tuyến lệ cần được can thiệp sớm hơn.

1. Tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh là gì?

Tắc tuyến lệ hay còn gọi tắc tuyến lệ đạo là tình trạng ống dẫn nước mắt bị tắc một phần hoặc hoàn toàn.

Thông thường một chất lỏng được tuyến lệ tiết lên bề mặt nhãn cầu để bôi trơn, bảo vệ và cung cấp chất dinh dưỡng cho kết mạc và giác mạc. Sau đó, chất lỏng này thoát qua một loạt các ống dẫn vào khoang mũi (gồm 2 lệ quản ở mi mắt, túi lệ trong sống mũi và ống lệ mũi). Khi được sản xuất dư thừa, chất lỏng trong tuyến lệ sẽ tạo thành nước mắt.

Ở trẻ sơ sinh, tắc tuyến lệ đạo là một lý thường gặp và thường biểu hiện trong vài ngày đầu sau sinh. Theo verywellhealth.com, ước tính có tới 30% trẻ sơ sinh được sinh ra với ống dẫn nước mắt bị tắc, nhưng hơn 90% những trẻ này, các triệu chứng sẽ biến mất vào ngày sinh nhật đầu tiên của chúng.

2. Nguyên nhân tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh

là lớp màng bao bọc phần cuối của ống dẫn nước mắt -van Hasner - không mở ra như bình thường, làm cho ống dẫn bị tắc nghẽn bởi mô của màng. Tình trạng này gọi là tắc tuyến lệ đạo bẩm sinh.

Ngoài ra, trẻ bị tắc tuyến lệ cũng có thể do:

  • Không có điểm lệ hoặc hẹp điểm lệ
  • Hệ thống ống dẫn nước mắt quá hẹp
  • Rò túi lệ mũi bẩm sinh
  • Nhiễm trùng
  • Các bất thường vùng xương hàm mặt, xương bị vẹo hoặc lệch vị trí có thể chặn ống dẫn nước mắt từ khoang mũi như hội chứng Down, chấn thương,...
  • Polyp mũi
  • Khối u

Các triệu chứng khác do các tình trạng như cảm lạnh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tắc tuyến lệ ở trẻ.

3. Dấu hiệu nhận biết tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh là gì?

Các triệu chứng của tắc tuyến lệ ở trẻ có thể giống như nhiễm trùng mắt chẳng hạn như đau mắt đỏ. Các dấu hiệu của bệnh thường bắt đầu trong vài ngày hoặc vài tuần đầu tiên của cuộc đời trẻ sơ sinh. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt liên tục khiến mắt trẻ luôn có vẻ ẩm hơn. Nếu không điều trị kịp thời tình trạng trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt liên tục có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng mắt, tái đi tái lại
  • Mí mắt sưng và đỏ nhẹ do trẻ thường xuyên dụi mắt
  • Mí mắt dính vào nhau
  • Mắt đóng ghèn hoặc có mủ

Mặc dù trẻ bị tắc tuyến lệ hoàn toàn sẽ luôn có các triệu chứng, nhưng nếu trẻ bị tắc tuyến lệ một phần, bạn chỉ có thể nhận thấy các triệu chứng khi trẻ chảy nhiều nước mắt hoặc nghẹt mũi, như khi trẻ bị cảm lạnh.

Hầu hết trẻ bị tắc tuyến lệ đơn giản không có các triệu chứng khác. Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng xung quanh ống dẫn nước mắt, bao gồm:

  • Sưng tấy
  • Đỏ
  • Đau đớn
  • Sốt

Những triệu chứng này có thể cho thấy túi lệ mũi bị nhiễm trùng nằm trong khóe mắt, tình trạng này được gọi là viêm túi lệ.

4. Chẩn đoán tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh như thế nào?

Trẻ em thường được chẩn đoán bị tắc nghẽn ống dẫn nước mắt dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh.

Hãy nhớ rằng nhiều trẻ sơ sinh không bắt đầu chảy nước mắt cho đến khi chúng được khoảng hai tuần tuổi hoặc lớn hơn một chút, vì vậy bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của tắc tuyến lệ ở trẻ lúc vừa chào đời.

5. Ngăn chặn và điều trị tắc tuyến lệ trẻ sơ sinh

5.1 Có thể ngăn chặn tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ không?

Ở trẻ sơ sinh, thường gặp ống dẫn nước mắt bị tắc do màng không mở ra khi sinh. Không có cách nào tốt để ngăn điều này xảy ra.

Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi bé để biết các triệu chứng. Đảm bảo không bao giờ hút thuốc xung quanh trẻ hoặc cho phép hút thuốc trong nhà. Khói thuốc và các mối nguy tiềm ẩn khác như không khí khô có thể gây kích ứng đường mũi của trẻ và làm cho các triệu chứng tắc nghẽn trầm trọng hơn.

5.2 Điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Hầu hết các trường hợp tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh bẩm sinh đều tự khỏi, hoặc cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa bao gồm:

  • Mát-xa mũi (mát-xa góc bên trong mũi của trẻ, theo chỉ dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe) 2 đến 3 lần một ngày.
  • Lau sạch bất kỳ dịch tiết hoặc chất nào dính vào mắt bằng khăn ấm
  • Thuốc nhỏ mắt kháng sinh nếu tiết dịch trở nên quá mức (nếu phải lau đi nhiều hơn 2 hoặc 3 lần một ngày)
  • Thuốc kháng sinh uống nếu trẻ có các triệu chứng của viêm túi lệ.

Nếu tình trạng tắc tuyến lệ không tự biến mất khi trẻ từ trên 3 tháng tuổi trở lên, có thể cần phải:

  • Từ 3 đến 8 tháng tuổi: Bơm thông lệ đạo hoặc tra thuốc, day vùng túi lệ tùy theo tình trạng bệnh.
  • Sau 8 tháng tuổi: thực hiện bơm thông lệ đạo (gồm bơm thông lệ đạo gây tê tại chỗ và bơm thông lệ đạo gây mê.
  • Sau 1 năm tuổi: Khi thông lệ đạo không giải quyết được tình trạng tắc, trẻ nên được phẫu thuật nối thông túi lệ-mũi.

Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị tắc tuyến lệ do những nguyên nhân khác,kế hoạch điều trị sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể, chẳng hạn như:

  • Với dò túi lệ: điều trị bằng phẫu thuật đóng lỗ dò.
  • Không có điểm lệ:có thể thực hiện rạch làm thông lệ đạo.

Tóm lại, để chắc chắn về tình trạng trẻ đang mắc phải hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra. Theo dõi trẻ để biết các triệu chứng nhiễm trùng và báo cáo cho bác sĩ kịp thời. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ bị tắc tuyến lệ có vẻ ốm hoặc sốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan