Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh khỏe mạnh lúc mới sinh là 3 kg, chiều cao khoảng 50 cm. Nếu chỉ nặng dưới 2,5 kg thì có thể trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai.

1. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng

Cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trung bình, cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh, lúc mới sinh trung bình khoảng 3 kg, chiều cao khoảng 50 cm. Nếu chỉ nặng dưới 2,5 kg thì thường là trẻ bị thiếu tháng hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai.

Sự phát triển của trẻ được đánh giá đầu tiên qua cân nặng và chiều cao.

Về cân nặng, một trẻ phát triển bình thường có cân nặng thay đổi như sau:

  • Trong 3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng từ 1 - 2 kg/tháng.
  • 3 tháng tiếp theo trẻ tăng từ 0,5 - 0,6 kg /tháng.
  • 6 tháng tiếp theo chỉ tăng từ 0,3 - 0,4 kg/tháng.
  • Đến lúc 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh (khoảng 9 - 10 kg).
  • Từ 2 - 10 tuổi trẻ tăng trung bình 2 - 3kg.

Về chiều cao: Sự phát triển bình thường về chiều cao của trẻ:

  • Trong 3 tháng đầu trẻ tăng từ 3 cm/tháng.
  • 4 - 6 tháng tăng 2-2,5 cm/tháng.
  • 7 - 9 tháng tăng 2 cm/tháng.
  • 10-12 tháng tăng 1-1,5 cm/ tháng.
  • Đến khi trẻ 1 tuổi, chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh (khoảng 75 cm), sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng từ 5-7 cm/năm cho tới lúc dậy thì.
dau-hieu-tre-so-sinh-bi-suy-dinh-duong-1
Trẻ suy dinh dưỡng biểu hiện đầu tiên qua cân nặng và chiều cao

2. Làm thế nào biết trẻ bị suy dinh dưỡng?

Để biết được trẻ phát triển bình thường hay bị suy dinh dưỡng, ba mẹ có thể cân trẻ đều đặn hàng tháng, nhờ đó theo dõi sự phát triển của trẻ dựa vào biểu đồ tăng trưởng:

  • Nếu trẻ tăng cân đều đặn, đó là dấu hiệu quan trọng của một đứa khỏe mạnh, phát triển bình thường.
  • Không tăng cân là dấu hiệu báo động về sức khỏe và nuôi dưỡng chưa tốt, trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
  • Nếu không có điều kiện cân trẻ có thể dùng số đo vòng cánh tay trái để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Các thể loại suy dinh dưỡng

Người ta phân loại suy dinh dưỡng trẻ em thường gặp ở cộng đồng ra 3 thể:

  • Thể nhẹ cân hay cân nặng theo tuổi thấp: Phản ánh sự chậm của cả quá trình tăng trưởng trong tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài, cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đó.
  • Thể thấp còi: là biểu hiện của sự chậm phát triển kéo dài hoặc dấu hiệu của sự chậm lớn trong quá khứ. Chiều cao theo tuổi của trẻ thấp do sự chậm tăng trưởng, dẫn đến không đạt được chiều cao trung bình.
  • Thể gầy còm: phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do không lên cân hoặc đang tụt cân. Xảy ra khi chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao của trẻ tụt xuống thấp so với trị số trung bình.

Trẻ bị suy dinh dưỡng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn ở tất cả các mặt như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, chăm sóc tâm lý, điều trị bệnh cho trẻ (nếu có). Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng cần chú ý cho ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn bình thường.

dau-hieu-tre-so-sinh-bi-suy-dinh-duong-2
Nên đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu suy dinh dưỡng

Để phòng chống và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho con. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan