Đề phòng bệnh gan mật ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh gan mật ở trẻ em do nhiều bệnh lý khác nhau gây nên, trong đó phổ biến nhất trên lâm sàng là Teo đường mật bẩm sinh. Phát hiện và điều trị sớm bệnh gan mật ở trẻ sẽ nâng cao hiệu quả điều trị và tránh để lại các di chứng nặng nề.

1. Vì sao trẻ em lại mắc các bệnh lý gan mật?

Bệnh gan mắc phải do các bệnh lý mạn tính khác, các chất độc hại, virus hay gặp ở người lớn hơn. Còn ở trẻ em hầu hết các bệnh gan được phát hiện thường do di truyền hoặc các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.

Ở trẻ, chức năng sinh lý của gan và hệ thống đường mật chưa được hoàn chỉnh. Giai đoạn chu sinh chính là thời gian diễn ra những thay đổi quan trọng của chuyển hóa gan để gan có thể đảm nhiệm chức năng của cơ thể.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể là rất yếu, trong vài ngày đầu sau sinh trẻ còn một vài kháng thể do mẹ truyền sang. Sau đó thì cơ thể trẻ rơi vào trạng thái “thiếu nhân lực bảo vệ”, nếu trong giai đoạn này trẻ tiếp xúc với các chất độc hay virus thì hệ thống gan mật của trẻ sẽ dễ bị tổn thương.

2. Nguyên nhân gây bệnh gan mật ở trẻ em

Một vài nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý gan mật ở trẻ em là:

  • Virus HBV, HCV gây viêm gan ở trẻ: Có đáp ứng điều trị tốt;
  • Viêm gan do nguyên nhân tự miễn: Chiếm 1,9% bệnh lý gan mật ở trẻ em;
  • Rối loạn chuyển hóa: Sự thiếu hụt một hoặc một số enzyme, thụ thể nhận cảm, protein vận chuyển và yếu tố đồng vận gây ra nhiều đợt cấp tính và nguy cơ tử vong cao. Một vài bệnh lý chuyển hóa thường gặp như Wilson ở trẻ em, thiếu alpha-1-antitrypsin;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở trẻ em;
  • Teo đường mật bẩm sinh;
  • Xơ gan bẩm sinh.
viêm gan ở trẻ
Virus HBV, HCV gây viêm gan ở trẻ

3. Biểu hiện lâm sàng các bệnh gan mật ở trẻ em

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh và cơ quan bị thương tổn ưu thế (gan hay đường mật) mà triệu chứng biểu hiện sẽ khác nhau.

Bệnh gan có thể có các triệu chứng sau:

  • Giai đoạn đầu: Bệnh có thể diễn tiến thầm lặng;
  • Vàng da, vàng kết mạc mắt: Do không chuyển hóa Bilirubin tự do thành Bilirubin tổng hợp được gây tăng nồng độ trong máu và biểu hiện vàng da;
  • Phân bạc màu, nước tiểu đậm màu;
  • Gan lớn;
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa với báng bụng, tuần hoàng bàng hệ ở bụng trẻ, xuất huyết tiêu hóa;
  • Triệu chứng nặng nề đe dọa tính mạng: Hạ đường huyết, rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố đông máu hậu quả nặng nề nhất là xuất huyết nội sọ.

Bệnh lý đường mật có các biểu hiện sau:

  • Vàng da ứ mật;
  • Phân bạc màu sớm, liên tục;
  • Túi mật to bất thường.

Ngoài ra, ở một số bệnh lý còn có các triệu chứng đặc trưng riêng của bệnh.

Ở trẻ em có tình trạng vàng da sinh lý diễn ra trong vòng tuần đầu sau sinh. Tình trạng này thường tự khỏi và không có biến chứng. Cần cẩn thận để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý gan mật ở trẻ.

Sự thay đổi xảy ra trong bất kỳ bước nào của quá trình chuyển hóa có thể gây vàng da vượt quá ngưỡng vàng da sinh lý. Các thay đổi quan trọng trong các bước của quá trình chuyển hóa Bilirubin.

4. Xét nghiệm gan mật cần thực hiện ở trẻ

Các xét nghiệm sau đây cần thực hiện để chẩn đoán các bệnh gan mật ở trẻ em:

  • Xét nghiệm chức năng gan: đo nồng độ các men gan SGPT, SGOT, phosphatase kiềm;
  • Nồng độ Bilirubin toàn phần, Bilirubin tự do trong máu;
  • Thời gian đông cầm máu;
  • Siêu âm gan và hệ thống đường mật.
bệnh gan mật ở trẻ em
Biểu hiện lâm sàng các bệnh gan mật ở trẻ em có thể là vàng da, vàng kết mạc mắt

5. Điều trị các bệnh gan mật ở trẻ em

Bệnh lý gan mật bẩm sinh có thể được phát hiện sớm nếu cha mẹ nhận biết được các triệu chứng. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nhờ điều trị nội khoa và bổ sung một số men còn thiếu ở trẻ hoặc can thiệp phẫu thuật.

Với tình trạng tăng bilirubin tự do:

  • Đối với trẻ sơ sinh có bệnh lý bẩm sinh về đường mật cần truyền dịch, để giảm nồng độ Bilirubin huyết tương từ đó giảm nguy cơ kernicterus;
  • Liệu pháp chiếu đèn giúp tăng bài tiết Bilirubin qua nước tiểu;
  • Phenobarbital đề tăng quá trình chuyển hóa Bilirubin.

Ứ mật:

  • Phẫu thuật điều trị các dị dạng bẩm sinh đường mật;
  • Xem xét ghép gan nếu xơ gan nặng hoặc chức năng gan suy giảm trầm trọng.

6. Phòng ngừa bệnh gan mật ở trẻ em

Để phòng ngừa bệnh gan mật ở trẻ em, bố mẹ cần xây dựng cho con em một chế độ ăn và lối sống khoa học như sau:

  • Hạn chế ăn thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức uống chứa nhiều đường, đặc biệt là đường hóa học;
  • Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao, hạn chế lối sống tĩnh tại và chỉ thích ngồi một chỗ;
  • Thận trọng trong vấn đề dùng thuốc ở trẻ, chú ý liều lượng và sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ;

Tóm lại, bệnh gan mật ở trẻ em thường liên quan tới rối loạn chuyển hóa di truyền hoặc các rối loạn chuyển hóa khác. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm các bệnh lý gan mật, từ đó có các biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan