Điều trị bệnh chốc lở ngoài da ở trẻ em

Ngay khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ chốc lở da đầu, các bậc phụ huynh cần rửa vết thương cho trẻ bằng nước sạch. Sau đó bôi thuốc kháng khuẩn dạng dung dịch như đỏ eosin 2%, thuốc tím nhiều lần trong ngày. Nếu điều trị chốc lở không có dấu hiệu thuyên giảm, cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ xử trí, tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh chốc là gì?

Chốc lở là một bệnh lý nhiễm khuẩn da nông, tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là tụ cầu vàng S.aureus, ít gặp hơn là liên cầu tan máu nhóm A.

Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là các trẻ dưới 6 tuổi, đang độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh rất dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc lây từ trẻ này sang trẻ khác. Vì vậy cần phát hiện và điều trị cho trẻ sớm để tránh lây lan cho bạn bè.

1.1. Biểu hiện của bệnh chốc lở ở trẻ em do tụ cầu

Bệnh chốc lở ở trẻ em do tụ cầu vàng chiếm tỷ lệ lớn hơn, đây là dạng chốc nổi bọng nước điển hình trên da, dễ nhầm với bệnh thủy đậu.

Các biểu hiện khác bao gồm:

  • Khi nhiễm bệnh trẻ có thể có sốt nếu chốc lan tỏa. Tuy nhiên cần chú ý để loại trừ sốt do các bệnh lý nguy hiểm hoặc sốt do biến chứng của bệnh chốc;
  • Trên da trẻ sẽ nổi các bọng nước, mụn nước chứa dịch tiết vàng trong trên nền da đỏ hoặc bình thường.
  • Thương tổn thường tiến triển nhanh, lan rộng và khi vỡ ra sẽ để lại vết trợt trên da kèm theo vảy màu vàng mật ong
  • Vị trí xuất hiện: Thường xuất hiện quanh các hốc tự nhiên như mũi, miệng, mông, tay và chân.

1.2. Biểu hiện của bệnh chốc do liên cầu

Trường hợp này ít gặp hơn, do liên cầu tan máu nhóm A gây ra.

Trẻ sẽ xuất hiện các mụn nước và mụn mủ nhưng dập hay trợt rất nhanh mà không kịp tăng kích thước để trở thành bọng nước, vì vậy trường hợp này sẽ không có các bọng nước điển hình. Bờ thương tổn xuất hiện vảy da nên trường hợp này dễ nhầm lẫn với các bệnh nấm da do nấm sợi. Vảy tiết có màu vàng mật ong xuất hiện ở các hốc tự nhiên, hay gặp quanh các hốc mũi, miệng và tay chân của trẻ.

2. Chẩn đoán bệnh chốc lở ở trẻ em

Chẩn đoán trẻ bị chốc đầu và da dựa vào lâm sàng là chủ yếu vì thương tổn da rất đặc trưng.

Ngoài ra có thể khẳng định bằng nhuộm gram hoặc nuôi cấy định danh vi khuẩn.

bệnh chốc lở ở trẻ em
Bệnh chốc lở ở trẻ em có thể dễ dàng chẩn đoán qua lâm sàng

3. Điều trị bệnh chốc lở ở trẻ em

3.1. Điều trị bệnh chốc lở ở trẻ em tại nhà

Ngay khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ chốc lở da đầu, các bậc phụ huynh cần rửa vết thương cho trẻ bằng nước sạch. Sau đó bôi thuốc kháng khuẩn dạng dung dịch như đỏ eosin 2%, thuốc tím nhiều lần trong ngày trong khi thương tổn đang chảy dịch. Sau đó khi thương tổn khô thì thoa kem acid fucidic (Fucidin) hoặc mỡ Mupirocin 2% (Bactroban) 2 lần/ngày khi thương tổn khô.

3.2. Điều trị bệnh chốc lở ở trẻ em tại bệnh viện

Nếu điều trị chốc lở, viêm da đầu ở trẻ vài ngày mà bệnh chưa giảm hoặc tiến triển lan rộng ra toàn thân thì nên đến ngay bác sĩ khám và xử trí, tránh để lại các biến chứng. Bác sĩ sẽ điều trị bằng:

  • Các kháng sinh đường toàn thân cho trẻ, thường sử dụng các Cephalosporin thế hệ 1, Amoxicillin + Acid clavulanic chia làm 2-3 lần/ngày.
  • Dùng kháng Histamin nếu có ngứa: Phenergan, Loratadin...
  • Nếu chốc kháng thuốc phải điều trị theo kháng sinh đồ.
  • Nếu có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng.

4. Biến chứng bệnh chốc lở ở trẻ em

Các biến chứng bệnh chốc lở ở trẻ em bao gồm:

  • Chốc loét: Từ thương tổn bọng nước, trợt sau đó loét và dần lan rộng ra. Chốc loét khi lành sẽ để lại sẹo do đó các bậc phụ huynh nên hạn chế trẻ cào gãi do ngứa vì sẽ làm thương tổn lan rộng hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới. Vì bệnh chốc rất dễ lây.
  • Viêm cầu thận cấp là biến chứng nguy hiểm của bệnh chốc do nhiễm liên cầu tan máu nhóm A, thường xảy ra sau 3 tuần sau khi bị chốc.
  • Hội chứng bong da do tụ cầu do ngoại độc tố của tụ cầu vàng làm da đỏ lên và bong vảy.
  • Nhiễm trùng huyết tình trạng nặng nề, sốt cao, triệu chứng toàn thân. Cần phải nhập viện để điều trị.
Bệnh chốc lở ở trẻ em có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết sốt cao
Bệnh chốc lở ở trẻ em có thể gây biến chứng nhiễm trùng huyết sốt cao

5. Phòng bệnh chốc lở ở trẻ em

Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh chốc lở ở trẻ em là:

Giữ gìn vệ sinh, rửa tay thường xuyên và cắt ngắn móng tay cho trẻ.

  • Nhà cửa thoáng mát, quần áo mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan.
  • Uống đủ nước.
  • Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt.
  • Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi nhiều gây biến chứng.

Chốc rất dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt và ngăn ngừa biến chứng, hạn chế lây lan sang các bạn khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan