Điều trị dị ứng đậu phộng cho thấy nhiều hứa hẹn, đang chờ FDA chấp thuận

Dị ứng đậu phộng là một trong những loại dị ứng thức ăn phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do phản ứng với thực phẩm ở Hoa Kỳ. Nếu con bạn có nhiều nguy cơ dị ứng đậu phộng thì phương pháp điều trị dị ứng đậu phộng mới có thể là tin tốt.

1. Số trẻ bị dị ứng đậu phộng ngày càng tăng

Bánh mì kẹp bơ đậu phộng thực sự là một món ăn rất phổ biến của học sinh tại nhà và cả trường học. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị dị ứng đậu phộng đã tăng gấp đôi ở các nước phương Tây trong 10 năm qua. Hơn nữa, đây còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến dị ứng thực phẩm ở Hoa Kỳ. Vì vậy, ngày càng nhiều bậc cha mẹ, căn-tin trường học và các lớp ngoại khóa cũng đã ngừng cung cấp các món ăn có đậu phộng.

Ngoài là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây nghẹt thở nghiêm trọng, đậu phộng và những món được làm từ chúng như bơ đậu phộng, có thể dẫn đến dị ứng nghiêm trọng ở một số trẻ.

Bánh mì nấu nướng với bơ đậu phộng
Bơ đậu phộng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến dị ứng thực phẩm

2. Nghiên cứu mới về phương pháp điều trị dị ứng đậu phộng

Các nhà khoa học gần như đã tìm ra phương pháp điều trị, giúp hầu hết trẻ em mắc phải tình trạng đe dọa tính mạng này có thể dung nạp một lượng nhỏ đậu phộng. Mặc dù không phải là cách điều trị dị ứng đậu phộng chính thức, nhưng phương pháp này có thể giúp cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn nhiều đối với những trẻ có nguy cơ phản ứng nghiêm trọng dù chỉ tiếp xúc một lượng nhỏ đậu phộng trong thực phẩm.

Cụ thể, trẻ sẽ được tiêu thụ một lượng nhỏ protein đậu phộng trong viên nang, bằng cách rắc lên thức ăn mỗi ngày trong vài tháng. Mục đích là để bệnh nhân giảm mẫn cảm với đậu phộng theo thời gian. Kết quả của thử nghiệm lâm sàng cho thấy, sau khi thực hiện phương pháp này trong khoảng 1 năm, 2/3 trong số 372 trẻ em tham gia có thể ăn 2 hạt lạc / đậu phộng mà không có phản ứng dị ứng.

Không phải tất cả trẻ em đều đáp ứng với phương pháp này. Khoảng 12% trẻ em tham gia điều trị trong thử nghiệm đã bỏ dùng viên nang vì các tác dụng phụ. Tuy nhiên trong số những trẻ còn lại, chỉ 4% có phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc với đậu phộng vào cuối nghiên cứu. Kết quả được công bố trên Tạp chí Y học New England.

Những trẻ tham gia thử nghiệm phải tiếp tục tránh tất cả các sản phẩm từ đậu phộng khác trong chế độ ăn, mang theo ống tiêm epinephrine đề phòng trường hợp khẩn cấp và nghỉ ngơi trong 2 giờ (không ngủ) sau mỗi lần điều trị. Khoảng 14% trẻ em tham gia điều trị phải sử dụng epinephrine trong thời gian thử nghiệm.

Công ty Aimmune Therapeutics thực hiện thí nghiệm vẫn đang chờ sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA để sản xuất loại thuốc protein đậu phộng này ra thị trường. Cho đến nay, không có thông tin về chi phí của liệu trình điều trị, hoặc thuốc có nằm trong danh sách chi trả của các chương trình bảo hiểm hay không.

Phòng ngừa và xử trí dị ứng thực phẩm ở trẻ em
Hiện nay, các nhà khoa học gần như đã tìm ra phương pháp điều trị, giúp hầu hết trẻ em mắc phải tình trạng đe dọa tính mạng này có thể dung nạp một lượng nhỏ đậu phộng

3. Cách ngăn ngừa trẻ bị dị ứng đậu phộng

Nhiều năm trước đây, các chuyên gia nghĩ rằng cách tốt nhất để chống lại dị ứng đậu phộng là tránh dùng các sản phẩm đậu phộng trong những năm đầu đời. Vào năm 2000 đến trước năm 2008, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng đậu phộng (tiền sử gia đình bị dị ứng thực phẩm khác hoặc bệnh chàm) không nên ăn sản phẩm đậu phộng trước 3 tuổi. Nhưng khuyến nghị này không giúp ích được gì và đã bị ngừng vào năm 2008.

Vào khoảng thời gian đó, các chuyên gia ở Anh đã nghiên cứu trên khoảng 600 trẻ sơ sinh bị chàm nặng hoặc dị ứng trứng - được cho là có nhiều nguy cơ dị ứng đậu phộng. Họ chia chúng thành hai nhóm: một nhóm được cho ăn bơ đậu phộng mịn thường xuyên, nhóm còn lại được yêu cầu tránh xa thức ăn có chứa đậu phộng.

Nghiên cứu được thực hiện cho đến khi những đứa trẻ được 5 tuổi. Khi kết thúc thử nghiệm, chỉ có 3% trẻ em ăn các sản phẩm từ đậu phộng bị dị ứng - so với 17% những trẻ không ăn đậu phộng và bị dị ứng.

Khi nghiên cứu này được công bố, Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, cũng như AAP đã tán thành hướng dẫn chia trẻ sơ sinh thành 3 nhóm:

  • Bị chàm nặng (chàm dai dẳng hoặc tái phát thường xuyên cần dùng kem theo toa) và / hoặc dị ứng trứng: Nên xét nghiệm dị ứng đậu phộng và hỏi bác sĩ sớm về cách thức và thời điểm cho trẻ dùng các sản phẩm đậu phộng (thường là từ 4 - 6 tháng). Nếu kết quả dương tính, nên cho bé thử nếm sản phẩm đậu phộng đầu tiên tại phòng khám của bác sĩ.
  • Bị bệnh chàm nhẹ đến trung bình: Không cần xét nghiệm, nhưng vẫn nên trao đổi với bác sĩ về tình hình và nhu cầu của trẻ. Những em bé này nên thử các sản phẩm từ đậu phộng vào khoảng 6 tháng tuổi.
  • Không bị chàm hoặc dị ứng thực phẩm: Có thể dùng các sản phẩm từ đậu phộng cùng với những thực phẩm khác tùy theo sở thích và tập quán văn hóa của gia đình.

Điều rất quan trọng là cha mẹ không nên cho trẻ ăn đậu phộng nguyên hạt hoặc từng miếng để tránh nghẹn. Bơ đậu phộng nghiền mịn, đồ ăn nhẹ hoặc thực phẩm làm từ bơ đậu phộng sẽ tốt hơn.

Bơ đậu phộng
Nên cho trẻ ăn bơ đậu phộng nghiền mịn thay vì đậu phộng nguyên hạt

Như vậy, để giúp ngăn ngừa dị ứng, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh làm quen với các sản phẩm đậu phộng sớm nếu bé có nguy cơ bị dị ứng đậu phộng thì các bậc cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ sau này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

289 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan